Để Thanh Hà - Hải Dương thu hút khách du lịch
Nhằm phát triển khu vực sông Hương (Thanh Hà – Hải Dương) thành một trọng điểm đầu tư du lịch, theo phê duyệt của Đồ án Quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Quyết định số 3687/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà.
Bản đồ cơ cấu quy hoạch Khu du lịch sinh thái sông Hương
Khai thác giá trị tiềm năng
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Thanh Hà đã xác định tiềm năng phát triển du lịch của địa phương nhiều, tuy nhiên chưa được khai thác tốt. Lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà cũng đã xác định, cần tạo ra một bước đột phá trong việc phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn mới của huyện, dựa trên lợi thế về tiềm năng phát triển cây ăn quả, du lịch miệt vườn, tiềm năng nhân văn, lợi thế về nguồn lao động để nhanh chóng phát triển ngành du lịch, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Trên thực tế, thế mạnh của Thanh Hà không chỉ ở loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp với sản phẩm chủ đạo là quả vải thiều, Thanh Hà còn được biết đến với nhiều điểm giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh như chùa Đồng Ngọ, chùa Bạch Hào, chùa Minh Khánh, làng múa rối nước Thanh Hải. Toàn huyện có 30 di tích được xếp hạng trong đó có 13 di tích được xếp hạng quốc gia, 2 di sản văn hóa và 1 bảo vật quốc gia. Ngoài ra, Thanh Hà còn có vườn vải tổ Thúy Lâm có thể kết hợp với tuyến du lịch dọc sông Hương thành tuyến du lịch sinh thái.
Từ thế mạnh riêng, UBND tỉnh Hải Dương đã định hướng phát triển Khu du lịch sinh thái sông Hương – Thanh Hà theo các dòng sản phẩm chính: Du lịch sinh thái dọc tuyến sông Hương bằng phương tiện thuyền chèo tham quan các vườn cây trái đặc sản, mua sắm, tham gia các hoạt động giải trí, câu cá, ẩm thực, cắm trại…; Du lịch trải nghiệm, khám phá cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương; Du lịch tham quan khu bảo tàng, bảo tồn lúa nước; Tham quan các di tích văn hóa lịch sử bằng đường bộ kết nối với các bến thuyền; Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, nghỉ dưỡng sinh thái dưới mô hình làng quê Việt; Du lịch vui chơi giải trí cao cấp với nhiều trò chơi trong nhà, ngoài trời; Các sản phẩm du lịch có sự tham gia kết hợp giữa doanh nghiệp và người dân địa phương… Bên cạnh đó, tỉnh Hải Dương cũng định hướng các tuyến, điểm, vùng du lịch trải nghiệm là những vùng nghề truyền thống, vùng phát triển miệt vườn như các trang trại vải thiều, cây ăn quả thuộc các xã Liên Mạc, Thanh Xuân, Thanh Thủy và các làng nghề…; liên kết với các tuyến điểm trong tỉnh như Côn Sơn – Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ, đảo cò – Chi Lăng, sân golf Chí Linh hay các tour đi các địa phương khác như Hạ Long, Yên Tử, Đồ Sơn.
Sông Hương Thanh Hà Hải Dương
Khu du lịch sinh thái sông Hương
UBND tỉnh Hải Dương đã định hướng quy hoạch phát triển không gian các phân khu chức năng. Khu vực quy hoạch chung có khu trung tâm, bao gồm trung tâm đón tiếp, điều hành; trung tâm văn hóa, biểu diễn; trung tâm dịch vụ khám phá sông Hương và miệt vườn ven sông; 3 điểm đón tiếp nằm hai đầu khu du lịch và ở giữa được kết nối với tuyến giao thông thủy, bộ nằm trên 3 xã Cẩm Chế, Thanh Xá, Thanh Thúy. Khu vui chơi giải trí sẽ tích hợp công viên văn hóa, ẩm thực dân gian thuộc thị trấn Thanh Hà; khu các trò giải trí hiện đại, cảm giác mạnh thuộc xã Cẩm Chế. Khu nghỉ dưỡng theo mô hình nghỉ dưỡng cao cấp thuộc xã Cẩm Chế, khu nghỉ dưỡng làng quê Việt. Ngoài ra còn có khu du lịch sinh thái sông nước, vùng trải nghiệm dọc sông Hương kết hợp câu cá giải trí và giải trí mặt nước; khu bảo tàng lúa nước thuộc xã Thanh Xá…
Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà Nguyễn Văn Lực cho biết, UBND huyện Thanh Hà đã chỉ đạo tiến hành xây dựng 3 điểm đón tiếp trong Khu du lịch sinh thái sông Hương, từ đây có thể phù hợp kết nối với các tuyến giao thông thủy, bộ ở các địa phương đến khu du lịch, làm tiền đề cho việc đón tiếp du khách tham quan trải nghiệm; thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động du lịch, tăng cường liên doanh, liên kết với các đơn vị trong tỉnh và vùng nhằm phát huy mọi nguồn lực cho phát triển du lịch của huyện.
Mới đây nhất, tại Lễ hội Vải thiều Thanh Hà 2018 được tổ chức ngày 10/6 tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, Ban tổ chức đã đón khoảng 1.500 du khách về tham quan cây vải tổ ở thôn Thúy Lâm xã Thanh Sơn và tham gia trải nghiệm hái vải thiều tại vườn vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thanh Xá. Đây là dấu hiệu đầu tiên đáng mừng cho sự phát triển của Khu du lịch sinh thái sông Hương. Cũng tại lễ hội này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã động viên sự phát triển lâu dài của các địa phương, các vùng nông nghiệp đặc sản, trong đó có huyện Thanh Hà; đề nghị các địa phương phát huy lợi thế, tiềm năng du lịch từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại, gắn liền với văn hóa, cải thiện môi trường và hình thành các vùng du lịch sinh thái. Phó Thủ tướng khẳng định: “Đảng, Nhà nước đã quyết định sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phát huy triệt để lợi thế về văn hóa ở Việt Nam từ đó phát triển rất nhiều sản phẩm du lịch, trong đó có sản phẩm du lịch nông nghiệp liên quan đến ẩm thực, miệt vườn”.
Phước Hà
Gửi bình luận