Để Thái Nguyên trở thành Trung tâm du lịch

Những năm gần đây, cùng với cả nước, Thái Nguyên đã không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn để ổn định và từng bước phát triển, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao. Đặc biệt, hoạt động du lịch được tỉnh xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, được quan tâm đầu tư và có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều hoạt động Văn hóa – Du lịch có quy mô quốc gia và khu vực được tổ chức thành công, có sức quảng bá lớn, Ban chỉ đạo phát triển du lịch được kiện toàn và củng cố, công tác quy hoạch phát triển du lịch được tập trung thực hiện, các chương trình phát triển du lịch được triển khai tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động du lịch phát triển. Năm 2014,Thái Nguyên được VCCI xếp hạng trong TOP đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, vì vậy, môi trường đầu tư cho du lịch được cải thiện đáng kể. Nhiều sản phẩm du lịch mới được đầu tư, cơ sở hạ tầng được cải thiện, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch được tăng cường khá đồng bộ.Công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Tây Bắc, các tỉnh Đông Bắc và các địa bàn du lịch trọng điểm khác luôn được quan tâm đẩy mạnh và tăng cường quảng bá, xúc tiến. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch, phát triển cộng đồng doanh nghiệp du lịch cũng được quan tâm, đẩy mạnh, vì vậy lượng khách du lịch của Thái Nguyên đã giữ được mức tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Doanh thu du lịch hằng năm tăng 10-15%; lưu trú du lịch tăng 18-20%, khách du lịch nội địa tăng 8-10%, khách du lịch quốc tế tăng trên 5%. Năm 2014, tổng số lượt khách đến Thái Nguyên 1.801.980 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 70.043 lượt khách; khách do cơ sở lưu trú phục vụ đạt 818.448 lượt khách; Tổng doanh thu toàn xã hội về các dịch vụ du lịch đạt 1.247,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh đạt 146,2 tỷ đồng...*
(Thành phố Thái Nguyên - ảnh tư liệu)
Mặc dù có bước tiến hết sức ấn tượng và liên tục trong những năm qua, nhưng khách quan mà nói thì: du lịch Thái Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế, do vậy cần phải có các chính sách và giải pháp trọng tâm phù hợp, đó là: cần định vị và phát huy lợi thế so sánh về tài nguyên du lịch đặc thù, tranh thủ sự hỗ trợ và kêu gọi đầu tư, đẩy mạnh liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương, để hình thành các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh có sức thu hút du khách và lợi thế cạnh tranh cao; đồng thời tăng tần suất quảng bá, xúc tiến, từng bước xây dựng thương hiệu điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng có sức cạnh tranh cao mang thương hiệu Thái Nguyên. Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 08/12/2014 về một số giải pháp phát triển du lịch trong thời kỳ mới là cơ hội để ngành Du lịch nói chung, Du lịch Thái Nguyên nói riêng, tăng cường khẳng định vị thế, vai trò và tranh thủ sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp để phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của tỉnh nhà để kêu gọi các nhà đầu tư, trong đó cần có nhà đầu tư chiến lược, đầu tư trọng điểm để hình thành sản phẩm du lịch, cơ sở dịch vụ và lưu trú chất lượng cao, hoàn thiện và khai thác hiệu quả để tăng khả năng kết nối Thái Nguyên với các thị trường du lịch trọng điểm ở trong và ngoài nước. Trước mắt, Thái Nguyên cần tập trung chỉ đạo để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trong thời gian sớm nhất, tạo căn cứ pháp lý để kêu gọi dự án đầu tư du lịch cho địa phương cũng như của cả vùng.
Trong phát triển du lịch Thái Nguyên phải hết sức quan tâm gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tạo diện mạo mới cho địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ. Cần thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và cộng đồng nhân dân rằng, bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn không gian sống và các giá trị di sản văn hoá cùng sự phát triển bền vững của du lịch, đảm bảo tương lai của các thế hệ tiếp nối mai sau. Trong hoạt động du lịch đề cao vai trò của cộng đồng, đảm bảo lợi ích của cộng đồng, chú trọng tập trung đầu tư xây dựng và phát triển văn hóa du lịch, xây dựng hình ảnh đẹp của du lịch Thái Nguyên nói riêng và Du lịch Việt Nam nói chung. Phát triển du lịch phải gắn liền và đi đôi với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng niềm tin cho khách du lịch, định vị hình ảnh, thương hiệu du lịch của Thái Nguyên như một điểm đến độc đáo, hấp dẫn, an toàn, thân thiện và chất lượng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Du lịch Việt Nam.
Nhân mùa du lịch Thái Nguyên 2015, chúng ta cùng kỳ vọng vào sự tăng tốc của Du lịch Thái Nguyên, góp phần đáng kể vào thành tích chung của toàn ngành nhân kỷ niệm 55 năm xây dựng và trưởng thành của Du lịch Việt Nam.n
N.H.C
* Số liệu của Sở VHTTDL Thái Nguyên
Gửi bình luận