Để Nhà du lịch cộng đồng Tà Lài trở thành điểm đến hấp dẫn
Hướng đến bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Châu Mạ thông qua việc hình thành Nhà du lịch cộng đồng Tà Lài (huyện Tân Phú, Đồng Nai) là một trong những hướng đi đúng. Tuy nhiên, để Nhà du lịch cộng đồng Tà Lài thật sự trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của khách du lịch quốc tế mà cả khách nội địa thì cần có sự quan tâm đầu tư đúng mức.
Để Nhà dài Tà Lài thật sự trở thành một điểm đến lý tưởng và người dân thật sự được hưởng lợi cần có sự quan tâm đầu tư của chính quyền và doanh nghiệp
Bảo tồn bản sắc văn hóa
Chị Ka Hương (người dân tộc Mạ) – Quản lý tại Nhà dài cho biết, Nhà dài Tà Lài là ngôi nhà truyền thống của các dân tộc thiểu số gồm Mạ, Stiêng và Tày.Trong đó Mạ và Stiêng là 2 dân tộc bản địa sinh sống từ lâu đời ở đây và được gọi là chủ nhân của rừng Nam Cát Tiên. Nhà dài là ngôi nhà sinh sống chung của 3 đến 4 thế hệ, khi thành viên trong gia đình lập gia đình thì không cất nhà riêng mà xây dựng nối tiếp căn nhà từ đó ngôi nhà dài thêm nên cái tên Nhà dài cũng được hình thành từ đó.
Được biết, năm 2010 được sự hỗ trợ của VQG Cát Tiên cùng với sự tài trợ của Qũy bảo vệ động vật hoang dã WWF đã hỗ trợ người dân dựng ngôi Nhà dài truyền thống. Ngôi nhà được sử dụngnhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa, đồng thời phát huy giá trị văn hóa người dân Mạ, Stiêng và Tày đến với du khách thông qua việc làm du lịch. Cùng với đó còn hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ thiên nhiên và động vật hoang dã cho người dân địa phương và du khách.
Hiện nay, Nhà dài Tà Lài được sử dụng phục vụ du khách lưu trú trong các chuyến tham quan VQG Cát Tiên. Tại đây còn có các quầy hàng lưu niệm nhằm giới thiệu những sản phẩm thủ công truyền thống của cộng đồng dân tộc sinh sống ở đây.
Nhà dài Tà Lài phát triển hướng đến bảo tồn và giúp người dân nơi đây thật sự được hưởng lợi
Để người dân thực sự hưởng lợi
Theo chị Ka Hương, ngoài việc mở thêm quầy hàng lưu niệm tại Nhà dài Tà Lài để giúp người dân có thêm thu nhập, chúng tôi cũng tạo quỹ vì cộng đồng thông qua việc trích 150 nghìn đồng trong giá dịch vụ lưu trú 450 nghìn đồng/khách lưu trú qua đêm. Số tiền trong quỹ này được sử dụng cho công tác giáo dục, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội. Cụ thể là mở các lớp dạy tiếng Anh miễn phí, mời các bạn tình nguyện viên người nước ngoài đến giảng dạy trực tiếp cho các em, đồng thời hỗ trợ đi tham quan, học tập làm du lịch ở các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh. Số tiền trong quỹ còn được trích để mua thùng đựng rác bố trí trên khắp các tuyến đường của làng và trả tiền thu gom rác, trồng cây bằng lăng dọc tuyến đường làng và xây nhà vệ sinh cộng đồng cho người dân sử dụng chung nhằm giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Cùng với đó, một phần số tiền trong quỹ này được dùng cho các hộ dân vay không lãi suất để phát triển kinh tế hộ gia đình. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức kết nối với các nhà thiện nguyên giúp đỡ các hộ nghèo, các hộ neo đơn sửa chữa hoặc xây lại nhà ở cho đồng bào… Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hầu như không có khách trong thời gian qua bởi trên thực tế Nhà dài Tà Lài hiện mới chỉ phục vụ chủ yếu là khách quốc tế, dẫn tới không có nguồn thu và số kinh phí còn lại trong quỹ này đã rất hạn hẹp. Đơn vị phối hợp quản lý vận hành Nhà dài Tà Lài là Công ty TNHH chế biến xuất khẩu Cà Phê đang tìm hướng phát triển mới nhưng cần sự hỗ trợ về nguồn vốn.
Ông Đặng Phan Nhựt Minh, đại diện Công ty TNHH chế biến xuất khẩu Cà Phê cho biết, chúng tôi phát triển dự án này dựa trên các giá trị văn hóa cộng đồng của người tộc bản địa. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không có khách, không có nguồn thu, các chương trình hỗ trợ người dân đã tạm dừng lại. Để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới, Công ty và tổ hợp tác sẽ có những định hướng xa hơn. Cụ thể là tăng cường tiêu thụ sản phẩm của người dân làm ra như gạo, rau, heo, gà,…phục vụ cho du khách; phục dựng các trang phục truyền thống của ba dân tộc; sưu tập các câu ca, bài hát mang đậm âm hưởng của ba dân tộc để phục vụ du khách khi lưu trú tại đây. Ngoài ra, Công ty còn đang hướng dẫn bà con phân loại và sử dụng rác hữu cơ làm phân bón…Vấn đề đặt ra hiện nay là thiếu kinh phí đầu tư và sự hợp tác, hướng dẫn từ các đơn vị chuyên môn cũng như liên kết, tạo nguồn khách đến với Tà Lài.
Để Nhà dài Tà Lài trở thành một điểm du lịch cộng đồng đúng nghĩa, người dân thật sự được hưởng lợi từ du lịch, bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa, cần sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền và doanh nghiệp lữ hành nhằm tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch cả trong và ngoài nước, qua đó từng bước tăng thêm thu nhập cho người dân từ hoạt động du lịch.
PHƯỚC QUANG – CAO PHƯƠNG
Gửi bình luận