Để Hà Nội đẹp và hấp dẫn hơn đối với du khách
Từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai hai Bộ quy tắc ứng xử gồm Bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Thành phố và Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng. Việc triển khai thường xuyên Bộ quy tắc ứng xử với ý thức, trách nhiệm và sự tự giác của mỗi người đã từng bước tạo nên sự chuyển biến tích cực về hình ảnh, con người Thủ đô ngàn năm văn hiến, văn minh và hiện đại.
Khách nước ngoài mặc trang phục dâng hương tại di tích Nhà tù Hỏa Lò
Dấu ấn đẹp về Hà Nội
Những năm gần đây, du khách trong nước và quốc tế khi đến thăm Hà Nội đều cảm nhận sự đổi thay trên nhiều mặt của Thủ đô trong công cuộc đổi mới. Quy tắc ứng xử nơi công cộng được thể hiện ở nhiều nơi: Từ lực lượng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu sân bay, nhà ga, bến xe, bến cảng, những người lái và phụ xe phục vụ trên các tuyến xe đến những hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các điểm tham quan du lịch, các di tích danh thắng… với nụ cười luôn trên thường trực, sẵn sàng trả lời, chỉ dẫn tận tình, chu đáo khi khách có nhu cầu.
Đáng chú ý, để thực hiện Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng nhất là những không gian linh thiêng tại các điểm tham quan khi du khách vào dâng hương, tham quan cần phải mang trang phục lịch sự, trang nghiêm phù hợp với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của người Việt Nam. Ngay từ cổng vào của các di tích này đều đặt các biển nêu quy định và quy tắc ứng xử nơi công cộng bằng tiếng Việt và tiếng Anh, có biển hướng dẫn khách mượn trang phục miễn phí khi vào tham quan.
Khách nước ngoài nhặt rác trên phố Lý Thường Kiệt
Cần có giải pháp đối với những hình ảnh chưa đẹp về Thủ đô
Qua khảo sát và tìm hiểu thực tế cho thấy: Bên cạnh những mặt tích cực, việc triển khai, thực hiện hai Bộ quy tắc, nhất là Bộ quy tắc ứng xử nơi cộng cộng vẫn còn một số những hình ảnh không đẹp. Vào các giờ cao điểm, nhiều phương tiện cùng tham gia giao thông, mạnh ai nấy đi, còi xe bóp inh ỏi, không cần quan tâm đến các biển cấm, đi xe máy không đội mũ bảo hiểm chở 3-5 người lạng lách, đánh võng. Tình trạng vỉa hè không còn dành riêng cho người đi bộ, có đủ các phương tiện cùng chen nhau và có không ít những lời nói không hay dành cho nhau. Mặc dù là đường dành riêng, nhưng xe buýt nhanh BRT cũng phải chào thua vì “đường ưu tiên” nhưng có đông người cùng đi, chẳng có ai bị phạt, nên mọi người, mọi phương tiện cứ “vô tư” lao vào.
Bên cạnh việc vi phạm an toàn giao thông diễn ra khắp nơi còn tồn tại tình trạng xả rác, đi vệ sinh bừa bãi. Tiêu biểu nhất trên con đường gốm sứ ven sông Hồng sẽ dễ dàng nhận thấy rác thải và những vết đen ngoằn ngoèo do chính con người tạo ra; Ở tường rào cạnh các công viên như: Công viên Thống Nhất, Bách Thảo, Thủ Lệ, Nghĩa Đô… phía sau những bãi trông giữ xe trên vỉa hè luôn là nhà vệ sinh công cộng dã chiến hết sức thuận lợi; Ghế đá công viên là nơi ngủ của người bán hàng rong, xe ôm; Mặc dù có biển cấm nhưng ở nhiều nơi có đông người như trường học, bệnh viện, bến xe, bến tàu… tình trạng hút thuốc lá nơi công cộng, khạc nhổ bừa bãi vẫn diễn ra tràn lan…
Theo ý kiến của ông Lê Bá Dũng - Trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp thuộc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Để hai Bộ quy tắc ứng xử, nhất là Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng đi vào cuộc sống, đến với mỗi người một cách tự giác, thiết thực, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của nhân dân, du khách. Cần có chế tài xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm và có sự vào cuộc kiên quyết của chính quyền, các lực lượng Công an, Thanh tra, kiểm tra liên ngành. “Việc triển khai, thực hiện là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành, cần có sự phối hợp giữa chính quyền với các lực lượng chuyên trách, có tổng hợp, đánh giá, kiểm tra, giám sát thường xuyên, cần nhân rộng mô hình làm tốt”. Ông Dũng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Tuấn Sơn
Gửi bình luận