Dấu xưa hào hùng ở một ngôi đình biển
Theo lời kể của các bậc cao niên cũng như một số tư liệu thành văn, đình làng An Vĩnh lúc đầu được xây dựng chủ yếu bằng nguyên liệu tại địa phương: Cột, kèo bằng cây tra bể, cây bàng, mái lợp tranh, vách trát đất. Đến năm Cảnh Thịnh thứ 7 (Mậu Ngọ - 1798), đình được dân làng chung tay xây mới, tuy không to lớn nhưng cũng bề thế, trang nghiêm. Năm Thiệu Trị thứ 2 (Nhâm Dần - 1842), trong một lần liều lĩnh vào cướp đảo, giặc ngoại ô đã phá huỷ xóm làng, nhà cửa, thuyền bè, phóng hỏa cả đình làng An Vĩnh. Đuổi giặc đi rồi, người dân lại dựng lại gom góp vật liệu, đóng góp nhân công xây tạm ngôi đình làm nơi tế tự thần linh. Mãi đến năm Khải Định thứ 5 (Canh Thân- 1920), đình làng An Vĩnh mới được khôi phục với quy mô hoành tráng (sử dụng nguyên liệu vôi vữa, mái lợp ngói, hệ thống vì kèo chịu lực bằng gỗ mít....) gồm đình thượng, đình trung và đình hạ, bố trí theo hình chữ tam. Hai năm sau (1922), đình lại bị bão lớn, làm hư hại nặng nên dân làng phải thêm một lần đóng góp công sức sửa sang, phục dựng.
Năm 1946, đình làng An Vĩnh được trưng dụng làm trụ sở Ủy ban Hành chính Kháng chiến xã Lý Sơn, thuộc huyện Bình Sơn. Năm 1953, đình bị Pháp thả bom làm sập mái trước, các sắc phong bị cháy.
Năm 1957, do đình làng An Vĩnh bị hư hại nặng và trong hoàn cảnh chiến tranh nên dân làng chỉ tu bổ nhà thờ tiền hiền để thờ các vị tiên công của làng. Năm 2009, đình An Vĩnh được Nhà nước đầu tư kinh phí nghiên cứu trùng tu phục dựng và đến năm 2010 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Ngôi đình hiện nay bền vững hơn trước, nhưng vẫn mang dáng dấp cổ xưa, phảng phất kiến trúc đình làng truyền thống ở Quảng Ngãi, hiển hiện qua các ngôi đình còn tồn tại đến ngày nay, như đình làng An Định (huyện Nghĩa Hành), đình làng An Hải (xã An Hải, huyện Lý Sơn)… Các cụ già cũng cho rằng ngôi đình giữ được kiểu dáng kiến trúc, kết cấu chịu lực cũng như thiết kế đặt không gian thờ tự trong nội điện.
Đình làng An Vĩnh có kết cấu kiến trúc hình chữ Tam, gồm đình hạ, đình trung và đình thượng (tiền đình, chính điện và hậu tẩm) liên kết với nhau bằng máng xối dài. Hệ thống chịu lực là các bộ vì kèo mô phỏng kết cấu nhà rường miền Trung. Mái đình lợp ngói âm dương, trên nóc trang trí lưỡng long vọng nguyệt. Chạm khắc trang trí trên gỗ trong nội điện khá tinh tế với các mô thức tứ linh, ngũ phúc, tam đa…thể hiện tư duy âm dương tương hợp và khát vọng bình an, khương thới.
Đình làng An Vĩnh hiện là nơi tổ chức các lễ tế như Lễ tế Xuân Thu nhị kỳ (vào các ngày 20/2 và 20/8 âm lịch); Lễ giỗ lục tộc tiền hiền (16/7 âm lịch); lễ khao tế, cầu siêu vong hồn lính Hoàng Sa (16/3 âm lịch)… Sân đình và bến thuyền trước sân đình (bến Đình) cũng là nơi diễn ra các sinh hoạt hội hè dân gian vào các dịp lễ, tết như đua thuyền, dồi bòng…
Việc hình thành các hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải là một nỗ lực lớn của nhà nước phong kiến Việt Nam trong công cuộc chinh phục biển Đông, có sự đóng góp tích cực, lâu dài về sức người, sức của của cư dân vùng ven biển phủ Bình Sơn (nay là 2 huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh) và tổng Lý Sơn (nay là huyện đảo Lý Sơn), tỉnh Quảng Ngãi. Trải qua nhiều thế kỷ, đã có hàng ngàn binh lính, binh phu cùng nhiều quan lại dân sự, quân sự của triều đình hy sinh trên biển trong khi thi hành nhiệm vụ.
Hầu như các họ tộc tiền hiền trên đảo Lý Sơn ít nhiều đều có đi lính Hoàng Sa, nhưng nhiều nhất phải kể đến các dòng họ Võ Văn, Nguyễn, Phạm Quang, Phạm Văn, Lê, Võ Xuân, Đặng của phường An Vĩnh (nay là xã An Vĩnh).
Theo lời kể truyền lại trong dân gian, trước khi xuất quân, binh lính, binh phu tập hợp tại sân đình An Vĩnh để làm lễ cáo thần linh, cầu cho vong linh những người đã bỏ mình trên biển, đặc biệt là những người lính thuộc biên chế đội Hoàng Sa, được siêu rỗi và xin ơn trên chở che, ban phúc trong suốt cuộc hải trình cho những người sắp bước chân xuống thuyền.
Vì vậy, đình làng An Hải không chỉ là nơi bảo tồn các hoạt động tín ngưỡng- văn hóa của người Việt trên đảo Lý Sơn mà còn là một dấu chứng sinh động liên quan đến các hoạt động khẳng định chủ quyền của tổ tiên người Việt đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Buổi lễ cũng còn có ý nghĩa nhắc nhở, hun đúc ý chí kiên cường, sẵn sàng bảo vệ cơ đồ của cha ông để lại, đồng thời biết rèn luyện sức khoẻ, tích góp kinh nghiệm để đánh bắt hải sản khơi xa, khai thác nguồn tài nguyên biển đảo, mang lại cơm no áo ấm cho gia đình, góp phần làm giàu cho đất nước.
Đình làng An Vĩnh ðýợc Bộ VHTTDL công nhận là Di tích lịch sử vãn hóa quốc gia, theo Quyết ðịnh số 1451/ QÐ- BVHTTDL ngày 18/4/2013. Cùng thời gian trên, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra hằng nãm tại ðình làng An Vĩnh cũng được Bộ trưởng Bộ VHTTDL cấp chứng nhận đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1424/QĐ - BVHTTDL.
Lê Hồng Khánh
Gửi bình luận