Dấu xưa chùa Viễn
Chùa Viễn nằm trên một quả đồi cao thuộc thôn Thăng Thắc – xã Cam Thượng – huyện Ba Vì, Hà Nội. Lối đi thuận tiện nhất đến chùa là đi qua làng cổ Đường Lâm đến khu vực đền – lăng Vua Ngô Quyền nhìn lên ngọn đồi cao phía Tây, ấy là nơi tọa lạc của chùa. Chùa có diện tích khoảng 1.000m2, xung quanh được bao phủ bởi màu xanh 4 mùa của các loài cây lấy gỗ, luôn văng vẳng tiếng chim hót, gió reo.
Theo các nguồn tư liệu cũ thì chùa Viễn Sơn ra đời sau Sùng Nghiêm tự (Chùa Mía) có 10 năm. Chùa được lập nên gắn liền với công lao và tấm lòng hiếu nghĩa hướng về quê hương bản quán của cung phi Nguyễn Thị Ngọc Dong hay còn gọi là bà Chúa Mía. Bà là cung phi của Thanh Đô Vương Trịnh Tráng. Hồi giữa thế kỷ 17, bà đã có công xây dựng nên rất nhiều công trình dân sinh, tâm linh của quê hương như: chợ Mía, phà Mía, Rạch Phủ, chùa Viễn, chùa Mía. Chính vì thế sau khi bà mất, nhân dân tỏ lòng thành kính tôn kính đã tạc tượng đưa bà vào thờ ở những nơi trang trọng của chùa Mía, Đền Phủ và chùa Viễn Sơn.
Trong kháng chiến chống Pháp, rất nhiều hạng mục công trình của chùa đã bị phá hủy nên các hiện vật, tượng Phật cũng không còn. Duy chỉ còn lại quả chuông bằng đồng quý được đúc vào thời vua Gia Long vẫn được nhân dân và chính quyền địa phương cất giữ bảo quản. Thời chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, vị trí của chùa cũng được dành cho quá trình trực chiến bắn máy bay địch của một trung đội dân quân.
Trải qua một quá trình lịch sử lâu dài, đến năm 1988, ông Cao Sơn Hải, 1 cư dân của thôn Đông Sàng – xã Đường Lâm tự nguyện công đức tiền của để phục dựng lại chùa với quy mô vừa phải. Đến giai đoạn 2008 – 2012, được sự quan tâm của Giáo hội Phật giáo cũng như sự ủng hộ tự nguyện của các tổ chức cá nhân, các hạng mục – công trình của chùa đã được phục dựng lại khang trang – mang nét cổ kính như: đường lên chùa, tam quan, vườn tháp, nhà đại bái, thượng điện, tòa nhà thờ bà Chúa Mía, sân vườn, nhà khách, gác chuông, gác trống… Các công trình đều được xây dựng bằng các vật liệu cổ, gỗ quý như đá ong, gỗ lim, xoan, đá,… luôn tạo cảm giác thoáng mát, tĩnh mịch, linh thiêng.
Riêng quả chuông và khám thờ Chúa Trịnh Tráng hiện còn được lưu giữ trong chùa. Đây là 2 di vật vô cùng quý giá, khám thờ được đặt ở trong khu vực gần nơi thờ bà Chúa Mía; quả chuông đồng được treo cẩn thận trên gác chuông, đối xứng với gác trống. Cứ vào buổi chiều khoảng 18h hằng ngày các vãi vẫn lên thỉnh chuông, tiếng chuông ngân âm vang ra một khu vực rộng tới 3 km2 vẫn nghe thấy được. Theo các cụ cao niên trong làng, quả chuông này lúc mà không sử dụng bị úp xuống đất ngày sẽ bị mất âm tiếng; khi treo lên đặt vào đúng vị trí phải mất 1 thời gian chùa mới phục hồi được âm của nó, xung quanh bề mặt chuông có khắc các dòng chữ Hán Nôm ghi các cá nhân công đức cho quá trình tôn tạo chùa, hệ thống tượng Phật được bài trí trong chùa cũng khá đa dạng như: ban tam bảo, Đức Ông, Đức Thánh hiền, khuyến thiện, trường ác, tượng Thích ca. Ở khuôn viên sân chùa có tượng lớn tạc bằng đá là Bồ Tát và Phật tổ Niết bàn.
Hiện tại ngoài là điểm tham quan hành hương của nhân dân, nhà chùa còn tổ chức một số hoạt động như: giới thiệu về các món ăn chay truyền thống, nét ẩm thực của vùng xứ Đoài đặc trưng như tương, chè kho, chè lam, bánh tẻ, bánh rán nước; các buổi giao lưu trao đổi mạn đàm về các giá trị văn hóa truyền thống, tâm linh, tín ngưỡng.
Nằm ở vị trí giáp với làng cổ Đường Lâm, sau khi đi thăm ấp 2 vua nơi có đình thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đền – lăng vua Ngô Quyền và rặng ruối cổ cùng giếng Sữa, đền thờ các nữ tướng thời Hai Bà Trưng, chùa Viễn cũng là điểm tham quan tâm linh thu hút đông đảo du khách và các Phật tử, nhân dân xa gần.
Nguyễn Trọng An
Gửi bình luận