Đảo Phú Quốc từng được quy hoạch thành trung tâm du lịch quốc tế
Đầu năm 1974, một nhóm chuyên trách dự án phát triển du lịch của Công ty đa quốc gia Associated Consultants (AC), có trụ sở chính đặt ở Bangkok, trình lên chính quyền Sài Gòn xin phép được chỉnh trang đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch quốc tế. Công ty AC được thành lập 1962, vốn ban đầu là 200.000 USD. Năm 1972, AC mở Văn phòng ở đường Hàn Thuyên, Sài Gòn.
Cảng cá ở Hàm Ninh, ngay trước là làng chày được hình thành lâu đời nhất trên đảo Phú Quốc.
Kế hoạch chỉnh trang có kiểm soát
Đứng đầu nhóm chuyên trách có 2 người Mỹ, 3 người Thái và một người Việt là thành viên. Nhóm đề ra kế hoạch nghiên cứu tiên khởi vùng Bắc đảo Phú Quốc trong thời gian 6 tháng, nhằm thu thập những dữ liệu cần thiết về tiềm năng du lịch để mời gọi các công ty ngoại quốc hợp tác đầu tư vào việc phát triển du lịch. Công tác nghiên cứu tiên khởi được thực hiện tại chỗ và sẽ được tiếp tục với một chương trình nghiên cứu tiền khả thi ước tính chi phí ban đầu khoảng 200.000 USD, do AC đảm trách.
Trong lần tiếp xúc đầu tiên với AC, Tổng Cuộc dDu lịch khi đó nhận xét: AC có vẻ đã có kinh nghiệm và uy tín; Đảo Phú Quốc là một nơi có nhiều tiềm năng du lịch, do đó cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để có những tài liệu căn bản, chính xác cung cấp cho các nhà đầu tư du lịch tiềm năng. Tổng Cuộc Du lịch sau đó đã đề nghị lên chính quyền tạo cơ hội cho AC chứng tỏ khả năng và được chính quyền đồng ý.
Theo đề nghị của AC, khu vực chỉnh trang rộng khoảng 300 km2, bao gồm toàn thể phía Bắc đảo, kể cả nơi phát nguyên các nhánh sông và các hòn núi quanh rạch Cửa Cạn. Nhóm AC tin rằng nếu được chỉnh trang đúng mức đảo Phú Quốc có nhiều triển vọng trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Lúc bấy giờ khu vực đề nghị chỉnh trang còn là một vùng đất hoang vu, hội đủ điều kiện thu hút du khách về các hoạt động giải trí và thể thao. Điểm đặc thù ở đây có khí hậu, địa hình, tính chất đất và các nguồn cấp nước cho khu vực thích ứng với các hoạt động giải trí công cộng: như đánh cá, thể thao dưới nước, bơi thuyền đi dạo… và hoàn toàn có thể thu hút các khảo cứu về địa chất và sinh vật học, sử học. Cảnh trí thiên nhiên và các điều kiện sẵn có tại đây là vô cùng khích lệ cho việc mở mang ngành du lịch. Nơi đây có rất nhiều địa điểm thuận lợi cho việc xây các khách sạn và các cơ sở giải trí có tính cách thương mại. Đường xe và đường mòn có thể tu bổ lại không mấy khó khăn.
Điểm đặc biệt của chương trình chỉnh trang là duy trì đến tối đa vẻ đẹp của thiên nhiên và các điều kiện đất đai, cây cỏ. Tuy nhiên vẫn phải tạo lập các đường sá và hạ tầng kiến trúc để phục vụ du khách, trong khi cần sử dụng tất cả các tài nguyên giải trí sẵn có tại chỗ. AC ước tính kinh phí ban đầu để chỉnh trang khu Bắc đảo có thể lên đến 150 triệu USD. Kinh phí này bao gồm xây dựng một đập nước và một nhà máy thủy điện tại vùng đất cao dưới chân núi tại rạch Cửa Cạn. Riêng công cuộc chỉnh trang hải giác phía Tây Phú Quốc được ước lượng sẽ lên tới 60 triệu USD, bao gồm cả việc kiến tạo hệ thống đường sá và một phi trường cho các loại máy bay dân sự Boeing 707, 727, 737.
Để hoàn tất những kế hoạch trên, AC đưa ra chương trình trắc địa ước lượng từ một năm đến một năm rưỡi. Sau đó mới cho soạn thảo một chương trình kiến trúc tổng quát. Và phải chờ đến 3 năm sau mới xây được khách sạn đầu tiên. Việc xây cất đập nước sẽ đòi hỏi một thời gian dài hơn vì hệ thống đường sá cần phải được thiết lập trước. Công tác chỉnh trang toàn diện khu vực Bắc đảo Phú Quốc liên tục có thể kéo dài trong vòng 10 năm mới hoàn thành, các cơ sở mới đi vào hoạt động đồng bộ, đem lại lợi tức. Tuy nhiên có thể tổ chức đầu tư, khai thác từng giai đoạn trước khi tiến tới giai đoạn tiếp theo.
Với một kế hoạch chỉnh trang có tầm vóc rộng lớn như thế, mỗi và tất cả mọi giai đoạn phát triển phải được thực hiện dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Các mục tiêu trên sẽ không bao giờ đạt được nếu đất đai được cấp phát bừa bãi. Sự khai thác các tài nguyên thiên nhiên không được kiểm soát, chẳng hạn cây cối bị đốn chặt lung tung, tình trạng ô nhiễm và sự hủy hoại các tài nguyên và cảnh trí thiên nhiên hiện hữu. Thì, chẳng có một cơ chế đầu tư nào lại chịu xuất vốn vào việc phát triển một khu vực mà sự hoang phế lại do chính con người tạo ra cả.
Khu vực chỉnh trang
Vào thời điểm đó, Phú Quốc là quận lỵ, trung tâm hành chính đặt ở phía Tây đảo, dân số ước lượng khoảng 16.000 người, tập trung tại một số làng đánh cá dọc theo bờ biển phía Tây. Phú Quốc có 2 sân bay nhỏ tại Dương Đông và khu An Thới. Hàng không Việt Nam mỗi ngày đều có chuyến bay C - 47 đáp xuống phi trường Dương Đông.
Một bãi biễn nằm ở phía Bắc đảo Phú Quốc còn khá hoang sơ, nơi ngày trước nằm trong khu vực chỉnh trang của công ty AC .
Quận lỵ Dương Đông hiện chưa được trang bị tiện nghi tối thiểu cho hạ tầng kiến trúc. Hệ thống đường sá tồi tệ, cầu phần lớn gãy đổ do chiến tranh. Hoạt động kinh tế căn bản ở Phú Quốc là đánh cá với khoảng 2.500 thuyền dài từ 6 đến 25 mét; kỹ nghệ sản xuất nước mắm và bột cá. Quan trọng hơn cả Phú Quốc chưa tự túc nổi về phương diện sản xuất thực phẩm và các đồ ăn khác phải chuyên chở từ đất liền ra đảo. Heo, gà, vịt, ngỗng do các gia đình chăn nuôi để giết thịt. Việc nuôi bò có thời gian đã phát triển, vì chiến cuộc nhiều đàn bò bị lùa đi mất, số còn lại chạy tán loạn trong các cánh đồng cỏ và trở thành bò hoang sống trong núi.
Cũng theo AC, vào thời điểm đó Phú Quốc chẳng có gì hấp dẫn du khách ngoại trừ cảnh trí êm đềm và sự u tịch của đảo. Các tiện nghi hiện hữu tại Dương Đông không đủ cung cấp cho quá 10 du khách một cách khiêm nhường. Do vậy, khu vực đề nghị chỉnh trang bao gồm toàn thể phần đất phía Bắc đảo Phú Quốc, kể cả các cửa sông rạch Cửa Cạn và các nơi phát nguyên những dòng suối chảy từ triền núi xuống, như sườn phía Đông và Nam của núi Hàm Ninh, phía Tây núi Võ Quáp và sườn các ngọn đồi 245, 333… Dự kiến một đập nước được xây dựng tại vùng thượng lưu rạch Cửa Cạn để thiết lập một nhà máy thủy điện, cung cấp điện lực cho khu vực chỉnh trang sau này. Sông Cửa Cạn cũng sẽ là một nguồn cung cấp nước ngọt chính yếu cho khu vực chỉnh trang. Ngoài ra công tác chế ngự dòng nước có thể trở thành một công trình kiến trúc thu hút du khách tham quan.
Nằm trong khu vực chỉnh trang còn có bờ biển dài trên 5 cây số, có thể trở thành nơi nghỉ mát lý tưởng cho du khách, nếu được chỉnh trang một cách thích hợp. Điểm chính yếu của kế hoạch chỉnh trang là duy trì cảnh trí thiên nhiên đến mức tối đa, tuy vẫn phải tạo lập các hệ thống đường sá, phi trường và bến tàu để du khách có thể dễ dàng lui tới khu vực chỉnh trang. Cung cấp các tiện nghi và tiện ích cần thiết để thu hút du khách quốc tế, sử dụng triệt để các tài nguyên sẵn có tại chỗ vào mục đích giải trí lành mạnh và nghỉ ngơi. Kế hoạch cũng nhằm cả việc khai thác khả năng phát triển du lịch của Hà Tiên và khu vực phía Nam đảo Phú Quốc, nhất là các tiểu đảo An Thới, hòn Thắm.
Với kinh nghiệm của mình, AC cho rằng nếu được chỉnh trang thích hợp trong vòng mười năm khu chỉnh trang phía Bắc đảo Phú Quốc có khả năng phục vụ 2.500 lượt khách mỗi ngày, đủ điều kiện để trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Phương Cường
Gửi bình luận