Đảm bảo an toàn cho du khách: Cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa!
Tuy nhiên, gần đây các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh trên địa bàn Thủ đô, trong đó có quận Hoàn Kiếm đã diễn ra tình trạng xích lô dù, taxi dù, lừa khách, ép khách, “chặt chém”, giả danh hội chữ thập đỏ xin tiền của khách… đã thực sự gây bức xúc trong dư luận. Dưới sự chỉ đạo của Công an TP, chúng tôi đã ra quân, xử lý triệt để. Chúng tôi tuyên truyền đến các cơ sở lưu trú du lịch, có biên bản cam kết và nhắc nhở. Từ đầu năm 2013 đến nay đã xử lý, bắt giữ trên 300 trường hợp hàng rong, bán tranh ảnh, xuất bản phẩm… Tuy nhiên, trong quá trình xử lý có không ít những khó khăn như người bị hại là người nước ngoài, họ dành thời gian đi du lịch, có rất ít thời gian để giải quyết các vụ việc, khi giải quyết các vụ việc lại gặp khó khăn về vấn đề ngoại ngữ, giao tiếp. Bên cạnh đó, có những sự việc có thể xử lý hình sự nhưng có sự việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nên giữa vấn đề hành chính và hình sự còn nhiều bất cập. Xử lý hành chính 300 người đều là ở các tỉnh, yêu cầu cam kết, thông báo cho các địa phương phối hợp, nhưng các đối tượng không về địa phương, địa phương không làm tròn trách nhiệm. Chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, tình trạng đeo bám, ép khách đã giảm đáng kể, nhưng vẫn còn tái diễn, vẫn là một bài toán nan giải…
Thời gian tới, Công an quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục triển khai, phân công trách nhiệm đến các lực lượng: trinh sát, trật tự, trưởng Công an phường, tự quản… tiếp tục đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm: câu kết, móc nối xích lô, taxi, cơ sở lưu trú. Tuyên truyền đảm bảo cụ thể, quyết liệt, phải có cam kết, nếu cơ sở lưu trú bị phát hiện sai phạm đề nghị phải rút ngay giấy phép, xử phạt kịp thời hành vi vi phạm. Công an quận Hoàn Kiếm rất mong có sự phối hợp với các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền mang tính định hướng, tuyên truyền mang tính chuyên ngành về Du lịch, Văn hóa, Giao thông. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý với chính quyền, phải thiết lập liên kết họp, giao ban hằng tháng, quý để đánh giá, phối hợp triển khai công việc, trong đó ngành Du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan công an để giải quyết các vụ việc liên quan tới người bị hại là khách du lịch nước ngoài. Cơ quan báo chí cần có mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên với cơ quan công an, khi có đối tượng, phối hợp vạch mặt trước công luận. Các chế tài xử lý cần nghiêm hơn. Đề nghị các địa phương có công dân khi ra Hà Nội làm ăn, sinh sống, khi có những vi phạm liên quan tới người nước ngoài, bị cơ quan chức năng xử lý, có thông báo về địa phương cần có trách nhiệm phối hợp trong công tác quản lý, giáo dục kịp thời.
PGS. TS Lê Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội:
“Nên thành lập ngay lực lượng cảnh sát Du lịch”
Trước tình trạng “chặt chém”, lừa, ép khách du lịch tại các điểm du lịch lớn của cả nước, trong đó có Du lịch Thủ đô, theo tôi, các cơ quan quản lý du lịch cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần nâng cao nhận thức đối với nhân viên của mình. Đối với các trường đào tạo về Du lịch, ngoài việc đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, nên xây dựng chương trình riêng đào tạo sâu về đạo đức nghề nghiệp của hướng dẫn viên. Bên cạnh đó, Hiệp hội nghề nghiệp, chủ các doanh nghiệp taxi cũng phải quan tâm giáo dục về đạo đức, ý thức đối với những nhân viên, lái xe, bảo vệ, và rất cần sự vào cuộc của lực lượng công an. Để giải quyết công việc hiệu quả, xử lý kịp thời những vụ việc, nên thành lập ngay lực lượng cảnh sát Du lịch.
Ông Nguyễn Văn Trấn - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch APEX - TP Hồ Chí Minh:
“Trách nhiệm trước hết là của chính quyền cấp cơ sở”
Tình trạng lừa, ép khách du lịch ở đâu cũng có. Điều quan trọng là phải giải quyết như thế nào. Ở đây, trước hết là trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở. Việc ép giá, lừa đảo, lôi kéo khách mua đồ mà báo chí đề cập rõ ràng đã ảnh hưởng tới sự phát triển của Du lịch Việt Nam. Ở đây, trách nhiệm lớn nhất là chính quyền địa phương. Chẳng hạn: taxi dù chủ yếu là lừa đảo, nó đỗ khắp nơi người dân ai ai cũng biết, tại sao không bị xử lý?. Tình trạng đeo bám khách, bán đồ lưu niệm, tại sao TP Đà Nẵng làm rất tốt, các địa phương khác không học tập. Hay ở TP HCM vấn đề giá cả mua bán, ngành Du lịch đưa ra cho du khách 100 điều thú vị, nêu những cửa hàng đạt chuẩn, đảm bảo chất lượng, cách làm hay này giúp cho du khách yên tâm, khám phá, trải nghiệm, rất cần được nhân rộng. Tôi thấy rằng: Cái gì hay nên học tập, học để làm, để thúc đẩy sự phát triển, đó là điều rất cần. Phải nâng cao vai trò quản lý Nhà nước nhất là ở cấp cơ sở, triển khai đưa Luật Du lịch vào cuộc sống. Rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để giải quyết kịp thời, dứt điểm những vấn đề gây phiền phức đến khách du lịch, tạo sự yên tâm, tin tưởng của khách nhất là khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Gửi bình luận