Đài Loan (TQ) góc nhìn du khách, kỳ 4
Kỳ 4: Khi ăn trầu trở thành vấn đề lớn ở Đài Loan (TQ)
Ở Đài Loan, ăn trầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày và theo lời kể của hướng dẫn viên (HDV) Thi Chí Tùng, thì chuyện ăn trầu ở xứ Đài đang là vấn đề quan tâm của giới chức, khi họ khyên người dân nên bỏ thói quen nhai trầu để đảm bảo sức khỏe và giữ môi trường xanh, sạch…
Theo thông tin từ giới chức Đài Loan, khoảng 9/10 bệnh nhân mắc ung thư miệng ở Đài Loan có thói quen ăn trầu. Theo cơ quan y tế Đài Loan, những người nhai cau có nguy cơ bị ung thư miệng cao gấp 20 lần so với người không nhai trầu. Còn Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng: 10% dân số thế giới ăn trầu, chất kích thích được dùng nhiều thứ tư chỉ sau thuốc lá, rượu và đồ uống có caffein. Người Đài quan niệm, ăn trầu cũng giống như nhai kẹo cao su, nhưng có khác vì trong miếng trầu có chất gây nghiện tạo nên hưng phấn chống buồn ngủ rất hữu hiệu. Tuy nhiên trong quá trình nhai trầu các bác sỹ đã chứng minh được là nước tiết ra trong quá trình nhai sẽ có nhiều phản ứng hóa học bất lợi cho sức khỏe con người như ảnh hưởng tới vòm họng, dạ dày và huyết áp... Sau khi một nghiên cứu năm 2003 khẳng định cau có chất gây ung thư, số người nhai cau cũng có giảm nhưng hiện vẫn có tới gần 1 triệu người ở Đài Loan còn nhai loại quả này, đặc biệt là nam giới ở tầng lớp lao động.
Ăn trầu đi cùng với việc nhai trầu là nhổ nước trầu ra môi trường, vứt bã trầu ra đường, không chỉ làm mất mỹ quan mà còn làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác, nhất là việc vệ sinh. Quả đúng vậy, trong những ngày chúng tôi ở Đài Loan thì phải công nhận ở đây chỗ nào cũng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Có được kết quả đó phần nào cũng do sự mạnh tay của các cơ quan công quyền ở đây với người vi phạm. Giới chức Đài Loan bắt buộc người dân phải từ bỏ thói quen ăn trầu, để tránh bệnh tật cho người dân làm tổn hao đến kinh tế chung và điều quan trọng là giữ vệ sinh môi trường được chủ động nhất. Do vậy, họ ra một đạo luật về xử lý chất thải, trong đó có chế tài như: những người nhổ nước trầu có thể bị phạt 1.200 - 6.000 Đài tệ (khoảng 40 cho tới gần 200 USD) và tham gia lớp cai nghiện. Từ năm 2014, chính quyền thành phố Đài Bắc bắt đầu tổ chức các lớp cai nghiện trầu để giúp nhiều người bỏ thói quen ăn trầu. Khi những người được triệu tập cai nghiện, nếu vắng mặt sẽ bị phạt 5.000 - 300.000 Đài tệ (khoảng 165 - 9.900 USD), tiền phạt đó quả là nặng nề với những người lao động, nếu họ không cai nghiện được việc ăn trầu…
Để phục vụ đủ cau cho những người ăn trầu, thì với diện tích đất trồng trọt nông nghiệp có hạn, người Đài Loan phải dành nhiều diện tích để trồng cau trầu. Theo nghiên cứu của các nhà nông học xứ Đài thì: mặc dù cây cau thân nhỏ, thẳng đứng, tán cũng không lớn nên mức độ ảnh hưởng do che phủ cũng không phải là nhiều với những cây trồng và đất đai ở đây. Song do đặc tính sinh trưởng phàm ăn của rễ cau, đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích cây trồng khác. Bởi rễ của loại cây này lại mọc rễ theo kiểu lan tỏa, không có điểm dừng, làm bạc màu đất nhanh và với địa hình sống trâu ở Đài Loan thì ảnh hưởng của rễ cau tới canh tác không phải là chuyện nhỏ. Do vậy để hạn chế người ăn trầu và giảm diện tích trồng cau, giới chức Đài Loan đã khuyến khích những người trồng cau chặt cau để trồng cây khác nhằm giảm nguồn cung cấp cau. Những người chặt cau sẽ được chính quyền trợ cấp cho khoảng 8.315 USD trên mỗi hecta…
Hệ thống giao thông ở Đài Loan phát triển khá mạnh, đi cùng đó là ôtô cũng phát huy lợi thế đường sá mà ngày càng nhiều. Các tài xế ở Đài Loan thường chống lại cơn buồn ngủ bằng cách nhai trầu. Ban đầu chỉ là thói quen, dần dà trở thành nhu cầu và nhiều “bác tài” khi cầm vô lăng là phải nhai trầu. Từ nhu cầu của tài xế, lại làm phát sinh thêm một dịch vụ khác, dịch vụ bán trầu cau ở những giao lộ, những tuyến đường dài. Chỉ có điều những người bán trầu cau ở xứ này không giống mấy bà, mấy chị bán trầu cau ở Việt Nam, mà họ được đào tạo bài bản, trở nên chuyên nghiệp từ cách phục trang là bikini hở hang khêu gợi, đến bán hàng được mời chào và tiếp thị tận vô lăng xe. Do vậy nên tài xế không thể nào cưỡng nổi sự cám dỗ mê muội đó, nên nhất nhất phải mua trầu cau, ăn trầu của các cô gái nóng bỏng này. Ở Đài Loan, người ta gọi những cô gái này là “Tây Thi”. Theo tài liệu của giới chức ở đây, thì mỗi cô gái bán trầu kiếm được khoảng 40.000 Đài tệ một tháng (hơn 1.300 USD), cao hơn so với lương một nhân viên văn phòng ở Đài Loan khoảng 26.000 Đài tệ (hơn 850 USD). Và HDV Thi Chí Tùng nói với tôi: mấy nàng bán trầu cau như vậy, nhưng sẽ không có chuyện vượt rào đâu nhé, đừng tưởng bở. Họ cố tình ăn vận vậy để chào mời, để bán được nhiều trầu cau thôi…
Chỉ một câu chuyện “trầu cau” ở xứ người cũng đã gây nên cho chúng tôi những tò mò và ngạc nhiên thú vị. Đơn giản chỉ là quả cau, lá trầu mà phải có sự can thiệp của chính quyền, của Tổ chức y tế thế giới (WHO). Thói quen không tích cực là “ăn trầu” mà nhà cầm quyền cũng phải nhọc công giải quyết dứt điểm và rồi bao nhiêu chính sách hộ dân đi cùng câu chuyện đó… Còn đối với du khách, chuyện “trầu cau” xứ Đài bỗng dưng trở thành đề tài nóng bỏng, bàn luận xôn xao, làm cho chặng đường ngắn lại, điểm đến hấp dẫn thêm…Phải chăng, người Đài làm du lịch có “duyên”…?
Gia Hưng
Gửi bình luận