Đặc sắc lễ hội cấp sắc
Người Dao tổ chức lễ cấp sắc vào dịp mùa xuân, khi mọi công việc đồng áng, nương rẫy đã hoàn tất. Đấy là lúc mọi thành viên trong gia đình tập trung dọn dẹp nhà cửa, chọn ngày tốt, ngày phù hợp với gia chủ để tổ chức lễ cấp sắc.
“Ngày nay, tuy lễ cấp sắc của người Dao Nậm Lành đã được rút ngắn rất nhiều, nhưng vẫn đảm bảo các nghi thức truyền thống của tổ tiên - Bí thư đảng ủy xã Nậm Lành Lý Kim Kinh cho biết - Trước nghi lễ, người được cấp sắc phải ngoan ngoãn, không nói tục, không cãi chửi nhau, không vào rừng chặt cây, không sát sinh… Lễ cấp sắc hoàn thành cũng là lúc người đàn ông tự nhận thấy trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm hơn, làm việc thiện, có ích cho gia đình và xã hội, tránh mọi thói hư tật xấu”.
Lễ cấp sắc của người Dao có 3 bậc: 3 đèn, 7 đèn và 12 đèn. Gần đây, để nghi lễ diễn ra trang trọng, tiết kiệm, các gia đình cùng một dòng họ cùng tổ chức một lần, ngày, giờ chọn sao cho phù hợp với tuổi của người anh cả. Lễ phẩm chuẩn bị gồm có: thịt lợn, gà, gạo, rượu và các vật phẩm khác. Gia chủ mời thầy Cả - thầy Mo cao tay, có uy tín trong làng đến đến làm lễ. Số lượng khách mời được gia chủ lựa chọn kỹ lưỡng, ngoài ra còn mời các thanh niên trẻ trong bản đến hát múa cho buổi lễ long trọng bởi theo quan niệm của người Dao, trong buổi lễ cấp sắc càng có nhiều người đến chứng kiến, chung vui thì gia chủ càng may mắn.
Lễ cấp sắc phải trải qua 2 bước gồm lễ thụ đèn và lễ cúng Bàn Vương. Trước khi vào làm lễ cả thầy và trò đều phải được tẩy uế, thanh tịnh.Đồ cúng gồm có thịt lợn sống, rượu, giấy bản (tiền âm phủ). Ông thầy cả mở tranh thờ trước bàn thờ rồi cúng, đánh trống mời Bàn Vương, tổ tiên, báo cáo về việc tổ chức lễ cấp sắc của gia chủ. Nghi thức quan trọng nhất trong lễ cấp sắc của người Dao đó là lễ thụ đèn, đây là thời điểm các thầy thụ lễ cho các trò.
Theo quan niệm của người Dao, một người trưởng thành nhất thiết phải có 3 người dạy dỗ.Thứ nhất là bố mẹ sinh ra mình, dạy cho biết đi, biết nói, biết cách làm ăn, biết tôn trọng ông, bà, cha, mẹ. Người thầy thứ 2 là thầy giáo dạy chữ, dạy cho biết đọc, biết viết, biết giao tiếp xã hội .Người thầy thứ 3 chính là thầy Mo cấp sắc cho các trò để các trò trưởng thành. Người được cấp sắc ăn mặc chỉnh tề, hai tay cầm đoạn nứa, hoặc đoạn vầu bằng cổ tay, cao bằng vai và ngồi trên chiếu để thầy đốt đèn. Đèn được đặt trên đầu và ngang 2 vai người thụ lễ, các thầy đi vòng quanh các trò, vừa đi vừa cúng để truyền thụ cho các trò. Được biết, bài cúng ý nghĩa nhất là 10 điều cấm kỵ, 10 điều phải làm tập trung vào các chuẩn mực đạo đức như: không đánh chửi nhau, không trộm cắp, không bỏ vợ, không bất trung bất hiếu, sống tu nhân tích đức…
Có thể nói, lễ cấp sắc của người Dao là nét văn hóa độc đáo, một tập tục, một hình thức rèn luyện, giáo dục nhân cách cho mọi thành viên trong cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống tốt đẹp. Được biết, để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của ngưởi Dao, hiện nay tỉnh Yên Bái đã có chủ trương bảo tồn và phát triển lễ hội cấp sắc, tiến hành lập hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền công nhận lễ cấp sắc là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.n
Nguyễn Nhật Thanh
Gửi bình luận