Đà Lạt: Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh homestay
Nhu cầu về du lịch trải nghiệm thực tế với chi phí hợp lý của khách du lịch, nhất là đối tượng trẻ tuổi thời gian gần đây đã khiến Đà Lạt nở rộ loại hình nhà nghỉ homestay. Điều đáng nói là việc quản lý đang gặp nhiều bất cập đòi hỏi phải có biện pháp chấn chỉnh loại hình kinh doanh tự phát này.
Homstay được cơi nới từ nhà ở của người dân
Nở rộ homestay
Mô hình homestay hình thành tại Tp. Đà Lạt khoảng 6 năm nay và phát triển mạnh nhất trong 2 năm gần đây. Theo môt số hộ kinh doanh loại hình này cho biết, đa số khách du lịch trẻ tuổi, khách phượt gần đây khi đến Đà Lạt ưa thích kiểu sống “bụi” bằng việc thuê phòng trọ (thường tập thể đông người) hoặc phòng cho 2 người nhưng phải nằm ở những nơi yên tĩnh, thoáng đãng và đặc biệt có view đẹp…
Nếu như đến cuối năm 2017, trên địa bàn Tp. Đà Lạt chỉ có 259 cơ sở lưu trú homestay với 2.164 phòng thì đến nay, loại hình lưu trú này đã đạt 916 cơ sở. Hiện nay đến Đà Lạt, không khó bắt gặp trên nhiều tuyến đường Quang Trung, Cô Giang, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Triệu Việt Vương… thậm chí đến tận buôn người dân tộc thiểu số Đạ Blah (xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương) có những dãy nhà trọ treo biển homestay. Giá thuê trọ loại hình này khá “mềm” từ 200.000 đồng cho đến 1 triệu đồng/phòng/đêm; cũng có thể linh động thanh toán theo từng người, ở riêng hay ở chung, số người cụ thể/phòng và tùy nơi có không gian, bố trí “độc, lạ” hoặc có vị trí thoáng đãng, có view đẹp, tiện nghị sinh hoạt… thì giá cả khác nhau. Chung quy, giá thuê phòng khá mềm. Song, thay vì ở homestay để được tìm hiểu văn hóa, giao lưu và trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa thì phần lớn những homestay tại Đà Lạt chỉ đơn thuần cho thuê phòng, còn muốn tìm hiểu văn hóa hay những vấn đề khác thì khách… tự tìm hiểu lấy.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin (VHTT) Tp. Đà Lạt, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế của việc phát triển loại hình homestay chính là hầu hết các hộ kinh doanh dịch vụ này hoạt động quy mô nhỏ, nhiều cơ sở được thuê lại hoặc tận dụng cơi nới nhà mình để làm phòng nghỉ khá sơ sài núp bóng mô hình homestay, việc đầu tư các vật dụng, tiện nghi phục vụ rất hạn chế, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, an ninh trật tự. Nhiều hộ gia đình tự ý cho khách thuê lưu trú; sử dụng lao động thiếu kỹ năng phục vụ, kỹ năng ứng xử. Đặc biệt, gần 50% homestay xây dựng và kinh doanh không phép.
Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh
Đà Lạt đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng “Thành phố thông minh” vào năm 2025 và đặc biệt, trước thềm Festival Hoa 2019, chắc chắn khách du lịch trong và ngoài nước sẽ tập trung về Đà Lạt tham quan, nghỉ dưỡng đông hơn. Vấn đề này đặt ra nhiều yêu cầu cấp bách, trong đó có việc tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động homestay trên địa bàn. Dù rằng, việc kiểm tra, thẩm định để công nhận đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú homestay đối với ngành chức năng địa phương cũng đang lúng túng. Bởi nếu trước đây, việc thẩm định xếp loại cơ sở homestay áp dụng theo bộ tiêu chí quy định cụ thể: vị trí, kiến trúc; trang thiết bị; diện tích phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng tắm; dịch vụ; về bảo vệ môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh, phòng chống cháy nổ…. thì đến nay việc thẩm định homestay áp dụng theo Điều 27 Nghị định 168/2017/NĐ-CP và Điều 5 Nghị định 142/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đối với nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê đã đơn giản hóa rất nhiều. Đây chính là yếu tố tạo ra sự lúng túng cho cơ quan quản lý trong việc kiểm soát chất lượng các cơ sở homestay.
Mặc dù đã vào cuộc khẩn trương, nhưng theo bà Trần Thị Vũ Loan - Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Lạt, công tác kiểm tra, chấn chỉnh việc chấp hành các quy định pháp luật đối với loại hình kinh doanh du lịch homestay trên địa bàn Tp. Đà Lạt vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết là việc các cơ sở kinh doanh tự xây dựng và tự ý gắn biển homestay trái với quy định; hai là sự bất cập, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong công tác quản lý homestay. Bên cạnh đó là các quy định hiện hành chưa thật chặt chẽ về trật tự xây dựng, điều kiện kinh doanh và điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách.
Để khẳng định thương hiệu “Thành phố Đà Lạt thân thiện, mến khách, an toàn”, các ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiên quyết chấn chỉnh kịp thời nhằm hạn chế những bất cập trong hoạt động loại hình homestay trên địa bàn Tp. Đà Lạt trong thời gian tới.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, Phòng VHTT Đà Lạt đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra 126 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Phòng đã tiến hành lập biên bản, tham mưu UBND Tp. Đà Lạt xử lý vi phạm hành chính 49 cơ sở kinh doanh lưu trú không không có giấy phép, cơ sở chưa kê khai, niêm yết giá dịch vụ với tổng số tiền phạt 114,25 triệu đồng; tiến hành kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh du lịch không có giấy chứng nhận an ninh trật tự; 8 cơ sở kinh doanh du lịch không khai báo khách lưu trú (phạt vi phạm hơn 50 triệu đồng). Đoàn cũng đã đề nghị người dân tháo dỡ gần 40 biển hiệu tự đề homestay trên địa bàn; yêu cầu các tổ chức, cá nhân bổ sung hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn quy định... |
Thanh Dương Hồng
Gửi bình luận