Cúc mốc- Thú chơi tao nhã một thời của người Hà Nội
Được liệt vào dòng tứ quý, loài cây có cái tên hết sức mỹ miều là nguyệt bạch, song ngay cả những người sành và đam mê loài cây này vẫn quen miệng gọi là cúc mốc. Trước kia, chỉ tầng lớp thượng lưu Hà Thành mới có khả năng để sở hữu một chậu nguyệt bạch để trưng tại nhà vào mỗi dịp Tết đến.
Loại cây với ý nghĩa cao đẹp
Sở dĩ có tên gọi là cúc mốc là bởi lá của nó có một lớp lông trắng mịn như được phủ một lớp tuyết mỏng, lớp tuyết này càng càng mốc trắng sẽ càng đẹp. Nhìn thoáng qua, cúc mốc không có vẻ đặc biệt song tìm hiểu về loài cây này sẽ hiểu vì sao dân sành cây cảnh lại đam mê đến thế.
Đây là loài cây có tuổi thọ khá dài, dáng hình nhỏ bé, chỉ cao chừng 20 – 80cm nhưng thân cây cứng cáp, gốc cổ thụ vững chãi, tự tạo cho mình những thế dáng tự nhiên rất ấn tượng. Lá cúc mốc rất lâu rụng và khi chết đi sẽ bám chặt vào cành. Do đặc trưng của cây có thể chịu đựng được mọi khắc nghiệt của thời tiết nên sức sống rất mãnh liệt và dẻo dai. Những gốc cúc xù xì, nứt nẻ chai sạn nâng đỡ nhưng tán lá bạc trắng, với đủ các thế đứng như: huynh đệ, tam đa, quần thụ, thác đổ… hiên ngang dưới mưa phùn gió bấc làm nên một vẻ đẹp không sắc màu rực rỡ nhưng hoang dại, lãng tử và đầy sức sống. Vẻ đẹp ấy được ví với vẻ phong trần hiên ngang giữa bão táp cuộc đời của những đấng trượng phu, quân tử. Vào mùa Xuân, cúc mốc ra hoa, những chùm hoa màu vàng nhỏ xinh, cánh bé li ti duyên dáng song dân sành chơi cây cảnh sẽ không thích loại cúc mốc nở hoa bởi lúc đó lá cây sẽ bị già màu và lớp tuyết cũng vì thế mà nhạt hơn.
Cúc mốc còn tồn tại là bởi đam mê của người yêu cây, yêu nghề
Cô Công Lương, người theo nghề trồng cúc mốc nhiều đời tại Phú Thượng - Tây Hồ chia sẻ: Để có được một cây cúc mốc thành phẩm đủ độ đẹp để chơi phải ươm ít nhất 5 năm. Cúc mốc tuy dễ sống nhưng muốn đẹp thì lại rất mất công. Một cây cúc mốc đẹp phải hội tụ đủ những yếu tố: Thân cây chắc khỏe, lá dày nhiều phấn, tán lá phủ đều và có thế dáng ấn tượng tạo cảm xúc cho người chơi. Phần lớn dân chơi cúc mốc thường thích những cây có dáng thác đổ, đây là dáng mà cây tự nhiên tạo hình chứ ít khi có sự can thiệp của người trồng. So với trồng đào và các loại hoa cúc cảnh thông thường thì cúc mốc không mang lại giá trị kinh tế, thậm chí còn bấp bênh nên giờ đây những hộ trồng cúc mốc không còn nhiều. Những ai giữ được nghề là hầu hết do quá yêu cây, yêu nghề và vui cùng thú chơi của một bộ phận hiếm hoi khách còn sót lại nên níu giữ mà thôi.
Cũng theo cô Lương, thổ nhưỡng và chất đất ở Phú Thượng do được thừa hưởng hơi thở gió của hồ Tây vượng khí lại gần sông Hồng bồi đắp phù sa nên cúc mốc ở Phú Thượng đẹp hơn hẳn những nơi khác, nước tuyết dày và mốc trắng hơn vì thế dân sành chơi cúc mốc từ các tỉnh thường rủ nhau tìm về Phú Thượng để mua.
Cúc mốc với bản chất là hoang dã vì vậy không ưa những sự chăm sóc kiểu công nghiệp như những loài cây cảnh khác. Cây cúc mốc khỏe mạnh nhất khi được trồng trong nền đất tự nhiên, hít thở không khí trong lành, uống nước mưa và sương đêm và bồi đắp thân mình bởi nguồn năng lượng hữu cơ.
Với đặc trưng và dáng vẻ ấn tượng, những chậu cúc mốc bonsai thường được bày ở ngoài sân vườn, bên cạnh tiểu cảnh thác nước, thạch đá. Những chậu cúc mốc nhỏ hay được đặt ở bàn trà hoặc bên cửa sổ để cây được thở và thuận tiện cho người chơi chiêm ngưỡng, bình luận. Một chậu cúc mốc có giá dao động từ 3 trăm ngàn – năm, bảy triệu tùy theo độ tuổi, thế dáng và lớp tuyết mà nó sở hữu.
Thu Phương
Gửi bình luận