Cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Lũng Pô không chỉ là điểm đánh dấu nơi dòng sông mẹ chảy vào đất Việt để hình thành nên nền văn minh sông Hồng, mà còn gìn giữ những trang sử lặng thầm miền biên viễn, nơi có những người lính biên phòng A Mú Sung đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đường biên mốc giới của Tổ quốc. Cột cờ Lũng Pô được dựng lên để tưởng nhớ những chiến công thầm lặng ấy...
Suối Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Cột cờ Lũng Pô nằm cách tỉnh lộ 156 khoảng hơn 4km, thuộc xã A Mú Sung nằm ở cực Bắc của huyện Bát Xát. Lũng Pô, tiếng địa phương gọi là Long Pò, tên con suối được dịch nghĩa là Rồng Cha, uốn lượn từ dải Hoàng Liên trùng điệp, mang con nước hòa vào sông Hồng. Suối Lũng Pô chảy ra gặp sông Hồng ở cột mốc 92, là điểm đầu tiên của con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ngay sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã sớm lập đồn biên phòng A Mú Sung canh giữ cột mốc. Để tưởng nhớ những chiến công những người lính biên phòng A Mú Sung đã chiến đấu và ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đường biên mốc giới của Tổ quốc, Tỉnh Đoàn Lào Cai đã đề xuất ý tưởng xây dựng công trình thanh niên “Cột cờ Lũng Pô – Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt” tại vị trí cột mốc biên giới 92. Cột cờ Lũng Pô được xác định vừa để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi biên ải, vừa có ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Toàn cảnh cột cờ nhìn từ đồn biên phòng A Mú Sung
Công trình cột cờ Lũng Pô được khởi công xây dựng vào ngày 26/3/2016, do Tỉnh Đoàn Lào Cai làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí xã hội hóa hơn 17 tỷ đồng. Đến ngày 16/12/2017, cột cờ Lũng Pô khánh thành trên khuôn viện rộng 2.100m2. Phân thân cột cờ hình bát giác có diện tích 84,43m2, tổng chiều cao là 42,51m, riêng phần thân cao 31,43m tương ứng với chiều cao 3.143m của đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương. Lá cờ Tổ quốc ở trên đỉnh cột cờ có diện tích 25m2, tượng trưng cho 25 dân tộc anh em sinh sống trên mảnh đất Lào Cai.
Leo hết 125 bậc thang là lên tới đỉnh cột cờ Lũng Pô. Giữa khoảng trời bao la, lá cờ Tổ quốc bay phần phật trong gió. Đứng ở vị trí này, phóng tầm mắt nhìn ra xa là cả một vùng bạt ngàn mà xanh, khung cảnh ngã ba sông - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt đẹp như trong tranh. Ở điểm giao này, nước có hai màu, màu xanh là của con suối Lũng Pô, dòng màu đỏ là của sông Hồng từ phía Bắc chảy xuống. Đứng trên cột cờ, nhìn dòng sông chảy về xuôi, một cảm giác tự hào dân tộc mãnh liệt trỗi dậy trong lòng mỗi du khách khi đặt chân đến miền biên giới Tổ quốc.
125 bậc thang xoắn ốc dẫn lên đỉnh cột cờ
Phó Phòng Văn hóa Thông tin huyện Bát Xát Phan Thanh Mạnh cho biết, cột cờ Lũng Pô không chỉ là công trình có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền biên giới quốc gia, đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Bát Xát. Huyện Bát Xát đã xác định cột cờ Lũng Pô là điểm quan trọng trong tuyến du lịch biên giới dọc sông Hồng. Năm 2018, ước tính số lượng khách đến tham quan cột cờ Lũng Pô đạt trên 8.000 lượt. Hiện nay, huyện Bát Xát đang chuẩn bị hồ sơ đề nghị công nhận cột cờ Lũng Pô là điểm du lịch địa phương.
Bảng đồng thông tin về cột cờ
Hiện nay, cột cờ Lũng Pô vẫn do đồn biên phòng A Mú Sung quản lý, chưa tổ chức các dịch vụ phục vụ khách và chưa thu phí tham quan. Khách du lịch đến Lũng Pô có thể tùy tâm đóng góp để duy trì vệ sinh môi trường và tổ chức trực ban bảo vệ. Ông Phan Thanh Mạnh cho biết thêm, để đẩy mạnh thu hút du khách đến với cột cờ Lũng Pô, huyện Bát Xát đã quy hoạch các khu vực dịch vụ đáp ứng nhu cầu ăn uống, nghỉ ngơi cũng như mua sắm của du khách. Khi được công nhận là điểm du lịch, huyện Bát Xát sẽ thành lập bộ phận để tổ chức quản lý, bảo tồn và trùng tu công trình, đồng thời cung cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch đến tham quan cột cờ Lũng Pô.
HL
Gửi bình luận