Có một huyền tích mang tên Truông Bồn
Chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, Truông Bồn đã phải hứng chịu 3 đợt oanh kích của đế quốc Mỹ. 164 quả bom các loại rải xuống phạm vi 120m chiều dài và 50m chiều ngang, chủ yếu là dốc Kỳ Lợn. Ngày hôm đó, 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) của Tiểu đội 2, Đại đội 317 mãi mãi dừng lại tuổi đôi mươi. Thi hài 6 chiến sĩ được tìm thấy, máu xương 7 chiến sĩ còn lại đã mãi mãi hòa vào đất, trời.
Đài tưởng niệm Truông Bồn - ảnh: Nguyên Trường
Đường chưa thông, không tiếc máu xương
“Chị em ơi!Có ai còn sống không? Có ai còn sống không?”.Nén đau từ vết thương, chị Hường vừa nhảy khỏi miệng hầm vừa hét lên khi đợt oanh kích đầu tiên dứt hẳn.Câu hỏi rơi vào thinh không.Thấy vậy, Minh và Thao cũng vội ngoi lên, khóc tìm những người còn sống sót. Duy nhất chị Thông tiểu đội trưởng tiểu đội 2 được tìm thấy trong tình trạng ngất xỉu vì bom vùi, 13 chiến sĩ khác của Tiểu đội 2 vĩnh viễn nằm lại Truông Bồn. Hôm ấy là ngày 31/10/1968, một ngày trước khi hiệp định ngừng chiến có hiệu lực.
Chỉ ngày mai nữa thôi 7 nữ chiến sĩ của đại đội TNXP 317 sẽ lên đường nhập học. Và cũng chỉ ngày mai anh Hòa - chị Tâm sẽ làm lễ thành hôn... Các anh, các chị được phép không phải ra chiến hào hôm đó.Nhưng với các chị, các anh, còn sống ở Truông Bồn một ngày là một ngày các chị, các anh còn cầm cuốc, cầm xẻng. Với họ: “Tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc”. Bằng tinh thần ấy, họ lao ra chiến hào. 13 chiến sĩ, 13 ước mơ tuổi mười tám đôi mươi mãi mãi còn gác lại.
“Tọa độ lửa” hay “Túi bom” là những từ người ta dùng để miêu tả về Truông Bồn trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Đặc biệt từ năm 1964, Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, chúng tập trung không lực đánh phá các tuyến đường huyết mạch của ta nhằm cắt đứt nguồn chi viện của miền Bắc cho miền Nam. “Yết hầu” Truông Bồn dài hơn 5km, cao gần 70m trên dãy núi Thung Nưa thuộc huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là điểm thắt cổ chai hiểm yếu nhất – nơi kết nối của đường 7, đường 15A (còn gọi là đường 30), đường 34A. Để giữ huyết mạch giao thông được thông suốt, dọc tuyến đường, các đơn vị công binh D30, phòng không H22, các đơn vị pháo cao xạ của Trung đoàn 222, 232 và đại đội Thanh niên xung phong 317 cùng dân quân Mỹ Sơn, Nhân Sơn đã ngày đêm giăng lưới đánh trả giặc Mỹ, yểm trợ rà phá bom mìn, san lấp đường cho xe ta ra tiền tuyến.
Từ năm 1964 – 1968, 18.936 quả bom các loại và tên lửa được đế quốc Mỹ rải xuống cày xới, băm nát cỏ cây, đất đá Truông Bồn. 1240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh tại nơi đây. Các chị, các anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân của mình cho ngày độc lập.
Đoàn lãnh đạo, phóng viên báo chí trung ương tại Truông Bồn - ảnh: Nguyên Trường
Truông Bồn- điểm du lịch tâm linh hôm nay
Năm 2008, sau 40 năm, tập thể 14 chiến sĩ TNXP Nghệ An, thuộc Đại đội 317(riêng tiểu đội trưởng Trần Thị Thông may mắn còn sống sót và 13 liệt sĩ đã hy sinh trong cái ngày cuối tháng 10 định mệnh ấy) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Thân thể các chị, các anh đã hòa vào đất trời để hôm nay, “Tọa độ chết” năm xưa đã liền một màu xanh ngắt của ngàn thông xen lẫn sắc tím của những đồi mua đua sắc.Từng đoàn người, từ các cựu TNXP trên cả nước, các em học sinh từ khắp các tỉnh thành xung quanh, đến các đoàn du khách nước ngoài… đang lặng lẽ viếng thăm các chị, các anh.
Khu di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn hôm nay là biểu tượng tinh thần yêu nước, trách nhiệm với nhiệm vụ của lớp thanh niên thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Truông Bồn hôm nay, nơi hội tụ linh hồn của 1240 cán bộ, chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh để bảo vệ huyết mạch giao thông khu vực này. Khu di tích lịch sử Truông Bồn được xây dựng, bảo tồn, tôn tạo trên diện tích 217.327m2, gồm 21 hạng mục chính. Ngoài khu mộ của 13 chiến sĩ, còn có đài tưởng niệm, nhà trưng bày truyền thống và Tháp chuông, với chiếc chuông đồng nặng hàng chục tấn tượng trưng sự cảm tử của các anh hùng, liệt sĩ còn vang vọng tới ngàn năm. Trong những năm gần đây, Truông Bồn là điểm du lịch tâm linh, thu hút hàng vạn du khách mỗi năm.
Hôm đến Truông Bồn, đoàn chúng tôi không khỏi xúc động khi được nghe Trang- một nữ thuyết minh viên xinh đẹp còn trẻ, vốn học ngành kế toán nhưng lại quyết gắn bó với mảnh đất lịch sử này- với giọng kể thật truyền cảm về chiến công hào hùng của thế hệ cha ông.
…Và, khi chia tay khu di tích, mấy câu thơ trong bài thơ “Âm vang Truông Bồn” của Hoàng Thi cứ văng vẳng trong tôi suốt chặng đường về: “Em hát lời đất mẹ/Truông đỏ máu kiên cường/Tôi ru lời lặng lẽ/Khấn mười ba linh hồn…”.
Ngọc Huyền
Gửi bình luận