Có một họa sĩ người con xứ Thanh như thế
Nói đến họa sĩ Hữu Thảnh, bạn bè thân quen, đồng nghiệp không thể không nói đến những tác phẩm hội họa, đồ họa để đời của anh. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở làng Hà Đông, Quảng Thái, Quảng Xương, Thanh Hóa, Hữu Thảnh sớm được đi học phổ thông, sau đó thi đậu vào Trường Mỹ thuật Việt Bắc. Tốt nghiệp Trường Mỹ thuật, anh tình nguyện lên đường chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở chiến trường miền Nam. Ở tiền tuyến anh được cấp trên giao nhiệm vụ sáng tác tranh cổ động và đi cơ sở ký họa lấy tư liệu để tuyên truyền động viên chiến sĩ ngoài mặt trân chiến đấu lập công chiến thắng.
Là một họa sĩ chuyên nghiệp đã được đào tạo có bài bản nên họa sĩ rất vững về hình họa, chắc về bố cục, hài hòa về màu sắc, cộng với năng khiếu bẩm sinh nên tranh của anh, người xem dễ cảm thụ, dễ nhận biết, dễ đổng cảm và sẻ chia bởi đường nét hình khối đậm nhạt có sức truyền cảm, nội dung phong phú, đa dạng, sâu sắc và sắc nét về nghệ thuật nhất là tranh phản ảnh gian khổ của người lính. Có thể nói họa sĩ Hữu Thảnh vững tay trên nhiều thể loại như tranh cổ động, tranh châm biếm, ký họa, và nhiều tác phẩm hội họa bằng chất liệu sơn dầu, bột màu, thuốc nước, nổi bật nhất là cách vẽ biểu trưng và ký họa bằng bút sắt kết hợp với thuốc nước.
Anh hùng Núp
Trong bài viết này tôi chỉ nói sâu ba mảng đề tài với các chất liệu tổng hợp biểu đạt nghệ thuật cho tác phẩm mà được gọi là sở trường của họa sĩ Hữu Thảnh.
Tranh cổ động của họa sĩ Hữu Thảnh là mảng đề tài phong phú về phương pháp biểu đạt cho đến nội dung phản ánh sinh động về tư tưởng, tình cảm cách mạng của lực lượng vũ trang, của cuộc sống chính trị xã hội đương đại. Nhiều tác phẩm tranh cổ động của Hữu Thảnh chủ yếu nói về cuộc chiến, người lính quân đội và trong lực lượng công an nhân dân. Hằng trăm bức tranh mà họa sĩ sáng tác cỡ lớn, nhỏ phục vụ cho công tác tuyên truyền thông qua các hình thức xuất bản, tranh tường, tranh giấy, giới thiệu trên báo chí đều được công chúng hoan nghênh, cảm thụ một cách trân trọng.
Những bức tranh với hình thức bích họa phóng to trên panô, tường ở những nơi trong quân ngũ nói về Đảng, về Bác, về người lính, công an nhân dân đã có sức hấp dẫn, thuyết phục cao. Do cách chọn chủ đề và phương pháp thể hiện thông qua đường nét khỏe khoắn, màu sắc tươi sáng, bố cục chặt chẽ hài hòa giữa không gian và nhân vật trong tranh làm cho tác phẩm có sức lan tỏa tính chiến đấu cao. Nhiều mẫu tranh cổ động của anh được nhân bản thông qua in ấn xuất bản trên các báo, tạp chí, bản tin được bạn đọc đón nhận và lấy đó làm tư liệu tuyên truyền. Bên cạnh loại tranh cổ động, Hữu Thảnh còn có hằng trăm tranh châm biếm đả kích, phê phán, đấu tranh lại những âm mưu, hành động phản cách mạng của các thế lực thù địch chống phá cách mạng đồng thời có những tranh vui, phản ánh tính hai mặt sinh hoạt đời thường của chiến sĩ về việc không thực hiện tốt điều lệnh trong quân ngũ.
Đào hào chiến đấu
Bên cạnh những thành công về loại hình tranh cổ động, tranh vui và tranh châm biếm đả kích, Hữu Thảnh đặc biệt tâm đắc về phương pháp ký họa. Ký họa là một cách thức lấy tư liệu thông qua vẽ trực tiếp để có cơ sở thực tế xây dựng tác phẩm cho tranh hội họa sơn dầu, sơn mài, bột màu hay là tranh cổ động. Họa sĩ Hữu Thảnh ký họa rất có bài bản, chuẩn xác cả về định hình đường nét và cách phối màu nước. Có thể nói họa sĩ Hữu Thảnh đã bộc lộ tài hoa của mình rất rõ nét nhất là ở loại ký họa. Vì vậy nhiều ký họa về cuộc chiến, người lính của anh dường như đã trở thành tác phẩm hoàn chỉnh như “Không cho nó thoát”, “Hành quân”,… với cách vẽ bút sắt, đường nét sinh động, dứt khoát, đậm nhạt rõ ràng, phối màu nước có độ nhòe hợp lý nên khối hình, sáng tối hài hòa thể hiện tính điêu luyện, chuyên nghiệp. Đến nay, riêng ký họa ở chiến trường, về người lính mà anh còn lưu giữ được hơn 400 tác phẩm và nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên truyền hình, báo chí, có những ký họa đã đưa vào làm tư liệu tranh bố cục sơn dầu như “người thợ cơ khí”… nhiều tranh đã tham gia triển lãm và nhận được nhiều giải thưởng phần lớn là đề tài trong lực lượng vũ trang, an ninh.
Không cho nó thoát
Điều đáng mừng đối với họa sĩ Hữu Thảnh là anh đã được chọn mẫu biểu trưng công an nhân dân trong cuộc thi và đã được tuyển chọn làm mẫu biểu trưng ứng dụng cho ngành công an nhân dân. Từ thành công tác phẩm để đời đó, anh còn đồng tác giả với nhiều biểu tượng, đài kỷ niệm khác cho ngành an ninh. Khi trao đổi với đồng nghiệp, họa sĩ Hữu Thảnh tâm sự “nghệ thuật là phải sáng tạo, dày công nghiên cứu, kỹ họa nhiều mới có tư liệu làm tác phẩm đẹp. Trong sáng tác, tôi rất tránh sự sao chép, dập khuôn, phải khổ công tìm tòi đổi mới cách tiếp cận tư liệu để biểu đạt tạo hình cho tác phẩm lớn sau này”. Bầu bạn, đồng nghiệp cảm nhận ở anh là một người rất khiêm tốn, chịu khó lắng nghe, tiếp thu ý kiến đúng sai để hoàn thiện, chỉnh sửa tác phẩm nghệ thuật của mình có chất lượng cao. Sống trong một gia đình nghệ sĩ mà trong đó có hai con trai là họa sĩ, một con gái làm nghề văn hóa đã thành đạt, anh luôn luôn làm gương cho con cháu về lối sống, sinh hoạt và khiêm nhường với cộng đồng dân cư nên được mọi người, bạn bè đồng chí trân trọng, quý mến. Trưởng thành từ trong quân đội, lực lượng an ninh, Hữu Thảnh đã đóng góp trí tuệ, tài năng và sự cống hiến hội họa của mình cho ngành và xã hội. Tuy đã nghỉ hưu lâu rồi nhưng tại căn nhà của anh 12/21 ngõ 1194 Láng Thượng, Hà Nội hầu như ngày nào cũng có khách, họ là văn nghệ sĩ, là người bạn chiến đấu năm xưa, đến với nhau chuyện trò, động viên nhau lúc về già, thật quý mến làm sao!
Hữu Thảnh đến nay đã là người xưa nay hiếm song họa sĩ vẫn tiếp tục đi thực tế lấy ký họa nghiên cứu, phác thảo để xây dựng tác phẩm mà bấy lâu nay anh hằng ấp ủ mặc dầu sức khỏe có yếu đi, tuổi đời đã xế chiều, “bóng ngả về tây”.
Họa sĩ Hoàng Hoa Mai
Gửi bình luận