Có một đình làng… “Hollywood” ở Bình Dương
Phim trường “chùa”
Tân An nằm ngoại ô thị xã Thủ Dầu Một, từ xưa đã nổi tiếng là một vùng quê trai thanh gái lịch. Nghề chính của họ là ruộng rẫy, lúc nông nhàn thì chạy chợ và nay có thêm nghề. . . đóng phim! Một cụ ông trong Ban tế lễ đình làng Tân An cho biết, xã Tân An có hai ngôi đình cổ là Tân An và An Phú. Nhưng đình Tân An (di tích kiến trúc văn hóa lịch sử cấp tỉnh) được người dân coi như “phim trường ở Hollywood” vậy. Tháng nào cũng có vài ba đoàn phim từ các tỉnh thành khác đến đây quay phim, chụp ảnh.
Đình có diện tích khoảng 3ha, xung quanh có nhiều cây cổ thụ và một vạt rừng chồi nguyên sinh khiến cho đình thêm phần cổ kính. Cách đình chừng 500m về phía Đông, còn nguyên cổng làng phủ kín rêu phong càng làm cho đình thêm nét cổ xưa. Chính điều này đã hấp dẫn các nhà làm phim, thực hiện những cảnh quay về làng quê Nam bộ ở những năm đầu của thế kỷ trước. Toàn bộ khuôn viên sân đình ước chừng 700 m2, nơi đây từng diễn ra cảnh tử hình tên ác ôn Tám Kỷ trong bộ phim “ Ông Hai Cũ ”, khi ấy có đến 500 diễn viên quần chúng là người địa phương.
Chỉ riêng cảnh cây đa, giếng nước ở đây cũng có đến hàng trăm cảnh quay của nhiều bộ phim ca nhạc, phim hài… Ông Út, người được cho là đang giữ sắc phong và được xem là hậu hiền, cho biết đình thu hút các nhà làm phim nhờ còn giữ nguyên được lối kiến trúc truyền thống, toạ lạc tại một nơi có phong cảnh đẹp, hữu tình. Cách đình không xa còn có chợ quê, bến sông và nhiều ngôi nhà cổ, hội đủ nét mộc mạc, thơ mộng vốn có của một làng quê Nam bộ.
Đình Tân An xây cất chính xác năm nào đang là vấn đề được các nhà nghiên cứu tìm hiểu. Nhưng căn cứ vào tài liệu hiện có, đình được cất vào khoảng năm 1820, và được vua ban sắc phong năm 1852 cho đình thờ Khâm sai Tiền quân chưởng cơ Nguyễn Văn Thành dưới thời triều Nguyễn. Trước đó, ông cùng với Tả Quân Lê Văn Duyệt tổng trấn thành Gia Định, giúp Nguyễn Ánh thống nhất giang sơn. Căn cứ vào sắc phong, chắc chắn đình Tân An có từ khoảng thời gian đó trở về trước.
Diễn viên: Giá bèo
“Nếu cần 10 – 20 diễn viên, đạo diễn chỉ cần báo trước hai tiếng đồng hồ là có ngay. Còn nếu như cần 40 – 50 vai diễn thì báo trước 1, 2 ngày, tất nhiên là vai quần chúng. Hay như cần tuyển diễn viên xinh đẹp thì phải đợi cuối tuần. Bởi làm diễn viên nhưng nghề chính của họ là nông dân, công nhân hoặc một số là tiểu thương - Bà Chín P, một người từng tham gia nhiều vai diễn ở đây nói - “làm diễn viên ở đâu tui không biết chứ muốn làm diễn viên ở đây thì dễ ẹc, hễ thấy đoàn làm phim đến chạy theo là được làm diễn viên. Nhưng chủ yếu là làm diễn viên quần chúng thôi”.
Bà còn cho biết ngay như đứa con trai lớn của bà trước đây rất “máu” đóng phim. Mỗi khi nghe có đoàn làm phim đến thì xin má cho nghỉ học để đóng phim. Khi chúng tôi hỏi đóng phim có khó không, hầu hết diễn viên ở đây trả lời: đóng phim dễ ợt, đạo diễn bảo sao làm vậy.
Ngay cả NSƯT đạo diễn Lý Huỳnh - người đã từng có nhiều cảnh quay ở Tân An khi nghe chúng tôi nhắc đến cũng công nhận diễn viên ở Tân An chưa ai qua trường lớp, họ vào vai bằng sự đam mê nhưng diễn rất có hồn, đạo diễn ít khi hò hét.
Thực tế, nhiều đạo diễn “ngán” nhất là cảnh quay có diễn viên quần chúng. Họ không có nghề, nên có cảnh phải quay cả chục lần, tốn cả trăm thước phim. Còn diễn viên quần chúng ở đây lại khác, dường như họ có sẵn tố chất chuyên nghiệp, nếu có điều kiện phát triển thì trong số đó có người dễ trở thành diễn viên chuyên nghiệp. Ngay như diễn viên chính Quốc Cường trong Phim “Nước mắt buồn vui” cũng đi lên từ vai diễn quần chúng. Xa hơn là các ngôi sao điện ảnh Hồng Kông như Khương Đại Vệ, Thành Long cũng từng bước vào nghề bằng các vai diễn quần chúng võ thuật.
Hiện thời ở hai ấp 1 & 2 của xã Tân An có đến vài trăm diễn viên quần chúng, họ sẵn sàng vào vai bất cứ lúc nào. Có người không phải vì nghèo mà đi đóng phim, mà do họ đam mê, ham vui đi làm diễn viên quần chúng. Tiền cát xê có đáng là bao, họ chỉ được tính bằng ngày công lao động phổ thông, ấy vậy mà họ đã bước vào phim trường từ nhiều năm trước, thật đáng trân trọng.
Gửi bình luận