Có hay không “đàn Kính Thiên” trên núi Cái Hạ?
Ngày 30/8/2017, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An có trụ sở tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình, đại diện là ông Nguyễn Văn Son đã có tờ trình số 01/TT-CT gửi UBND tỉnh Ninh Bình, Sở VHTT Ninh Bình, Sở Du lịch Ninh Bình, UBND huyện Hoa Lư, UBND xã Trường Yên về việc phục dựng cầu thang lối lên cái gọi là “đàn Kính Thiên” đến đỉnh núi Huyền Vũ ( Cái Hạ).
Theo tờ trình số 01/TT-CT của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã được Chủ tịch UBND xã Trường Yên Nguyễn Đức Lợi xác nhận, thì căn cứ để ông Nguyễn Văn Son đưa ra để cho rằng trên núi Cái Hạ có đàn Kính Thiên cổ của triều Đinh là phần lớn dựa vào tập truyện “Ngọn cờ lau lịch sử” do tác giả Như Nguyễn biên dịch, chép tay từ tập truyện Hán-Nôm gồm 241 hồi kể lại thân thế và sự nghiệp của Đinh Bộ Lĩnh từ thuở thiếu thời, sau xưng Vạn Thắng Vương đi dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn, xưng ngôi Hoàng đế, đặt tên giang sơn, khai sinh xã tắc và định đô tại Hoa Lư. Tập truyện hiện đang được ông Son lưu giữ.
Như vậy, theo tờ trình của ông Son, thì căn cứ là một “tập truyện” mà không phải một công trình nghiên cứu về lịch sử; đã là truyện thì có thể có chi tiết hư cấu, rất khó đảm bảo tính xác thực cho những chi tiết về lịch sử. Thêm nữa, ông Son chỉ nêu tác giả biên dịch là Như Nguyễn, chép tay từ tập truyện Hán-Nôm mà không nêu tên tập truyện nguyên bản, không nêu thời gian tập truyện ra đời. Trích đoạn ông Son dẫn ra trong tờ trình cũng chỉ nhắc đến Nguyễn Bặc cùng Lê Hoàn và các tướng sĩ rước Vạn Thắng Vương đến trước cửa đàn làm lễ tế trời đất mà không hề nhắc đến vị trí của đàn tế.
Trong tờ trình, có đoạn ông Son đã khẳng định: “Những dòng lịch sử trên đã chỉ dẫn cho chúng ta địa giới xây dựng kinh đô Hoa Lư và những hình khắc họa trên vách đá cửa xuyên thủy động hang luồn cùng với sự chỉ dạy của ông bà chúng ta rằng “Khu vực này Đinh Bộ Lĩnh đã cho dựng đàn Kính Thiên”. Đây là di tích cũ của địa phương lưu truyền lại. Gần đây, các nhà nghiên cứu phong thủy, văn hóa tâm linh đã được công ty chúng tôi mời về đây nghiên cứu và cùng khẳng định “Di tích cổ này may mà không bị thất truyền!” (?).
Nếu thông tin của ông Son là chính xác thì đoạn khẳng định trên của ông Son cũng chỉ cho thấy giả thiết về kinh đô Hoa Lư cũ mà không hề đề cập đến vị trí của đàn Kính Thiên. Có một số đoạn của tờ trình đề cập đến việc ông Son đã mời các nhà nghiên cứu phong thủy, văn hóa tâm linh, nhà dịch thuật, nhà khảo cổ học giúp nghiên cứu, giải mã những hình khắc, văn bia, bùa chú trên vách đá. Tuy nhiên, ông Son lại không đề cập đến bất cứ một văn bản hay biên bản nào nói về những buổi làm việc trên; không đề cập đến thời gian làm việc, không có kết quả làm việc cụ thể, cũng không nêu tên bất cứ một nhà nghiên cứu nào.
Trao đổi với phóng viên Báo Du lịch, một thành viên của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, với những kiến thức đã có, bản thân ông không tin có đàn Kính Thiên trên núi Cái Hạ xưa do Vua Đinh Tiên Hoàng xây dựng. “Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng thẩm định lại để tránh sai sót về văn hóa”, vị chuyên gia văn hóa này nói.
Phước Hà
Gửi bình luận