Cô Ba xứ dừa, kỳ 2
Kỳ 2: Gương nữ kiệt lưu danh thiên cổ
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về NguyễnThị Định: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta” .
Bộ bàn ghế của bà Ba làm việc trong giai đoạn 1956 - 1958 tại quê nhà Giồng Trôm.
Công trình từ lòng ngưỡng mộ tôn nghiêm
Xã Lương Hòa thuộc huyện Giồng Trôm, nơi bà Ba sinh ra ngày trước thuộc làng quê nghèo nhưng rất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây có dòng sông hiền hòa, thơ mộng cùng tên chảy qua, ngày đêm cần mẫn mang nặng phù sa nuôi dưỡng những hàng dừa rợp bóng. Cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Ba được lớp lớp hậu sanh ví như một vì sao sáng, không chỉ trên quê hương bà mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng ngưỡng vọng bà. Nửa cuối năm 1992, sau một cơn đau tim nặng bà đã ra đi, thọ 72 tuổi, thi hài được an táng tại nghĩa trang TP.HCM. Bà đã được tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước.
Để tri ân những công lao to lớn của bà và lòng ngưỡng mộ tôn nghiêm của những người đang sống, năm 2000, tỉnh Bến Tre tiến hành xây dựng đền thờ nữ tướng anh hùng Nguyễn Thị Định tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa. Đền thờ được xây dựng trên phần đất có diện tích 15.000m2, trong đó có sự đóng góp của nhân dân. Kiến trúc được xây dựng theo tín ngưỡng dân gian: mái cong, lợp ngói… với khung sườn chính là bê tông cốt thép.
Sau ba năm xây dựng đền thờ mới đưa vào phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, vào thời điểm đó toàn bộ khuôn viên chỉ có đền thờ và vài ba công trình phụ trợ khác. Đến năm 2006, trong khuôn viên nhà thờ mới xây dựng thêm nhà triển lãm dùng để trưng bày những hiện vật liên quan trong cuộc đời hoạt động cách mạng của bà. Cùng lúc, Bộ Quốc phòng đúc tặng cho đền thờ bức tượng bán thân bằng đồng của nữ tướng Nguyễn Thị Định. Tượng nặng 1.025kg, cao 1,75m đặt trên bệ đá hoa cương. Tác giả bức tượng là Trung tá Nguyễn Phước Tùng – Bảo tàng Lịch sử quân đội Việt Nam. Khách tham quan đứng từ ngoài nhìn vào: bên trái bức tượng là tám chữ vàng mà Bác Hồ đã dành tặng cho phụ nữ Việt Nam và bà Nguyễn Thị Định rất xứng đáng với 8 chữ vàng ấy: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Phía trên bức tượng là câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bà: “Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Bên phải bức tượng trích dẫn một đoạn câu nói của bà Valentina Nicolacva Terchova: “Ở Liên Xô nhân dân chúng tôi biết rõ, chị là một nữ chiến sĩ xuất sắc, đấu tranh để giải phóng dân tộc Việt Nam…”. Cạnh bên đó là hai câu đối của ông Võ Xuân Sinh – nguyên là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, viết: “Đất Bến địa linh kỳ nữ hiên ngang tỏ rạng tâm hồn Đồ Chiểu; Xứ dừa nhơn kiệt anh thư oai vũ sáng ngời khí phách Trưng Vương”.
Người dân Bến Tre gọi nơi đây là Đền Thờ Bà Ba
Nữ tướng của nhân dân
Tại phòng trưng bày có rất nhiều hình ảnh nổi bậc tạo nên dấu ấn qua từng giai đoạn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của nữ tướng xứ dừa được trưng bày và bảo quản cẩn trọng. Người ta thấy có những bức ảnh ngôi nhà đơn sơ của bà Ba ở lúc sinh thời được họa sĩ Lê Vân khắc họa. Ngôi nhà ấy nằm cạnh dòng sông Lương Hòa hiền hoà, bốn mùa ngọt mát luôn gắn liền với tuổi thơ của bà Ba. Rồi bức ảnh cụ Nguyễn Văn Tiên, thân sinh của bà, quê gốc ở miền Trung. Kế bên là một bức ảnh phác họa lại chân dung gia đình nhỏ của bà, bao gồm bà và chồng là ông Nguyễn Văn Bích cùng người con Nguyễn Văn Minh. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh chiến tranh nên gia đình bà Ba không có cơ hội để chụp với nhau một tấm ảnh kỷ niệm, nên đây chỉ là bức ảnh phác họa lại.
Cũng tại phòng trưng bày, có một tiêu đề thu hút khách tham quan đó là bức ảnh di tích lịch sử đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam. Đây là di tích lịch sử cấp quốc gia nằm ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, Bến Tre. Bức ảnh phác hoạ lại bối cảnh vào thời điểm tháng 4/1946, bà Nguyễn Thị Định cùng đoàn đại biểu miền Nam trong đó có GS. Ca Văn Thỉnh, BS. Trần Hữu Nghiệp đi trên chiếc thuyền đánh cá nghi trang từ cửa biển Thạnh Phong ra Phú Yên, rồi từ đó lên xe ra Hà Nội. Bằng lòng quả cảm, trí thông minh, bà cùng với các đồng chí của mình chuyển thành công vũ khí về Nam bằng con tàu Mũi đỏ Gò Công. Tàu Mũi đỏ Gò Công là tàu sử dụng tay chèo và cánh buồm chứ không phải thuyền máy như bây giờ. Sau này có nhiều chuyến tàu vận chuyển vũ khí cũng cập bến Thạnh Phong – tiền thân của đoàn tàu không số sau này.
Tuy nhiên để bám đất, bám dân gây dựng phong trào cơ sở trong giai đoạn “ấp chiến lược”, bà Ba gần như hoạt động bí mật và phải ẩn náu nhiều nơi. Thế nên, hình ảnh ngôi chùa cổ Minh Sư của huyện Giồng Trôm, nơi bà Ba từng có lần ẩn náu trong những thời khắc khó khăn của cách mạng miền Nam cũng có mặt ở đây. Trong giai đoạn này, không những người lớn biết bảo vệ bà Ba mà các em nhỏ cũng biết bảo vệ bà. Một bức ảnh khác phác họa lại cảnh hai chị em Thành và Công đập vỡ nồi tấm heo, che kín nắp miệng hầm bảo vệ bà Bà. Đó là vào một ngày cuối tháng 12/1959, tại nhà anh chị Tư ở huyện Châu Thành, Bến Tre. Bà Ba sau chuyến đi công tác về ghé ở nhờ tại đây. Nhà anh chị Tư có 2 đứa con là Thành (14 tuổi) và Công (8 tuổi). Do đêm hôm trước đi công tác về khuya, nên sáng hôm sau bà Ba lên nhà nghỉ cho mau bình phục sức khỏe thì bất ngờ “đánh động” có địch đến. Bà Ba vội nhảy xuống hầm ẩn náu. Trong lúc vội vã, bà đóng nắp miệng hầm không kín. Hai chị em Thành và Công đang chơi gần đó thì phát hiện nắp hầm bị hở. Thành là một đứa trẻ rất thông minh, khi chợt thấy có một nồi tấm heo trên bếp gần đó, đã vội hất nồi tấm xuống đất bể văng tung tóe che kín miệng hầm, đồng thời quay qua tát cho em Công một cái thật đau và quát lớn: mày hư quá làm bể nồi tấm heo, cha mẹ về đánh đòn đau cho coi. Công không biết chuyện gì bất ngờ xảy ra, đau quá khóc tức tưởi. Ngay lúc đó, bọn giặc xông vào thấy cảnh hai chị em đánh nhau vì nồi tấm heo bị vỡ, chúng ngán ngẩm rồi bỏ đi. Bà Ba đã thoát chết trong gang tấc. Bà khen hai chị em Thành và Công rất thông minh và dũng cảm đã cứu được bà.
(Kỳ 3: Cô Ba Đồng Khởi và đội quân tóc dài)
Cao Phương
Gửi bình luận