Chuyện về một doanh nhân yêu nước
Giữa thế kỷ 19, sau khi thực dân Pháp chiếm xong Nam Kỳ, hàng loạt cuộc khởi nghĩa của nông dân liên tiếp diễn ra khiến chính quyền thực dân mất ăn, mất ngủ. Lúc bấy giờ ở Nam Kỳ xuất hiện một cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ của lãnh tụ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi lãnh đạo.
KHỞI NGHĨA Ở MỸ THO
Ngô Lợi có tên tự là Ngô Tự Lợi, người trong đạo tôn ông là Đức Bổn Sư, hay còn gọi là ông Năm Thiếp. Ông sinh 1831, mất 1890, sinh thời ông nhận mình người quê Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Từ nhỏ đã tự học kinh sách và đến năm 20 tuổi (1851), ông viết Bà – la – ni kinh dài 223 chữ Hán, mang nội dung xưng tán Quán Thế Âm Bồ Tát để khuyên người đời tu niệm, sau này trở thành quyển kinh quan trọng của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.
Tương truyền, năm 37 tuổi, vào ngày mồng 5 tháng 5 năm Đinh Mão (1867), ông bỗng nhiên bất tỉnh. Sau 7 ngày 7 đêm, ông tỉnh lại và “nói chuyện tu thân”, khuyên người đời làm điều lành, lánh điều dữ.Cũng bởi ông “thiếp” đi vào ngày mồng 5 tháng 5, và thỉnh thoảng có những cuộc đi thiếp như thế, nên người đời gọi ông là Năm Thiếp.
Năm 1872, Ngô Lợi đến cù lao Ba (nay thuộc huyện An Phú, An Giang) nằm ở đầu nguồn sông Hậu sinh sống, truyền đạo và chữa bệnh. Đến cuối năm 1876, ông cùng một số người vượt sông về vùng bán sơn địa Thất Sơn. Đoàn người do ông lãnh đạo đã khai hoang trên 12.000 ha đất nằm trong khu vực núi Tượng (nay thuộc thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang), lập nên 4 làng mới: An Hòa, An Thành, An Lập và An Định; cùng lúc ông dựng chùa, khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Cũng tại đây ông quy tụ được một số nghĩa quân cũ từng tham gia các cuộc khởi nghĩa kháng pháp của Trương Định, Quản cơ Trần Văn Thành, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân… về tham gia lao động sản xuất, chuẩn bị tiếp tục kháng Pháp. Cuộc khởi nghĩa đầu tiên nổ ra ở Mỹ Tho năm 1878, nhưng do lực lượng nghĩa quân còn non yếu, nên bị quân Pháp nhanh chóng dập tắt. Hai ông Võ Văn Khả và Lê Văn Ong bị Pháp bắt và xử chém một năm sau đó. Bấy giờ Ngô Lợi cùng một số nghĩa quân trốn thoát về làng An Định, lấy núi Tượng làm căn cứ kháng chiến nhiều năm sau đó.
Thực dân Pháp không bắt được Ngô Lợi, bởi ông có hành trạng rất bí mật, một phần do tín đồ rất cảnh giác, bảo vệ. Mỗi khi hay tin bọn mật thám vây ráp, các tín đồ giả bộ phao tin loan tin nhằm đánh lạc hướng bọn chúng. Chẳng hạn, Ngô Lợi ở núi Tượng, tín đồ nói ông đang ở Mỹ Tho, Sa Đéc. Vùng đất ĐBSCL lúc bấy giờ còn nhiều hoang vu, nơi mà thực dân Pháp ít ngó ngàng tới được các lãnh tụ khởi nghĩa chọn lập “căn cứ địa” cho công cuộc kháng Pháp.Vùng núi Tượng ở Thất Sơn nằm trong số này. Để tạo ra sự an toàn tuyện đối, Ngô Lợi đưa ra sáng kiến có phần táo bạo là cho bổn đạo đứng ra xin phép chính quyền lập làng, lấy tên là An Định. Bên ngoài vẫn sinh hoạt làm ăn bình thường như canh tác ruộng rẫy, khai phá đất đai sản xuất… khiến cho quan chủ tỉnh Châu Đốc lúc bấy giờ không tỏ ra hoài nghi, trái lại rất hài lòng và coi đó là một thành công trong việc cai quản địa hạt của mình.
Chùa Tam Bửu - Phi Lai, An Giang, nơi thờ cúng doanh nhân Ngô Lợi.
KHÁNG PHÁP Ở CĂN CỨ NÚI TƯỢNG
Pháp ráo riết truy lùng Ngô Lợi, chúng dùng mọi thủ đoạn nhưng không thể.Bởi ông được tính đồ ra sức bảo vệ. Điều đặc biệt là tên thuộc hạ đắc lực của Đốc Phủ sứ Trần Bá Lộc là Hai Phép lãnh trách nhiệm theo dõi Ngô Lợi, cuối cùng cũng bị cảm hóa và theo kháng chiến.
Tức tối, Pháp nhiều lần tổ chức ruồng bố. Chỉ trong 12 năm (1876 - 1888), Pháp đã đến đốt phá, bắt bớ, tra tấn tù đày người dân ở làng An Định cả thảy 7 lần. Đây là thời kỳ được Đạo Tứ Ân Hiếu nghĩa xem là “pháp nạn”.
Lúc này phong trào Cần Vương đã được phát động và được nhiều địa phương hưởng ứng. Để đủ sức đánh Pháp, năm 1885, Ngô Lợi đã phối hợp với nghĩa quân của Hoàng thân Si – Vatha (Campuchia), nổi dậy đánh chiếm hai bên bờ kênh Vĩnh Tế và làm chủ cả vùng Tịnh Biên rộng lớn. Sự liên minh kháng Pháp Ngô Lợi – Si – Vatha lan rộng đến tận vùng Hà Tiên, nhiều viên chức xã ác ôn, làm tay sai cho Pháp bị nghĩa quân tiêu diệt. Quan chủ tỉnh Châu Đốc lấy làm hối hận vì không nghe lời cảnh báo của Giám đốc Nội an ở Sài Gòn. Y cay cú mở nhiều cuộc hành quân vào làng An Định, bắt dân chúng để điều tra lý lịch và nhận ra rằng dân làng không phải là người gốc Châu Đốc, mà là dân tứ xứ qui tụ về đây. Và kết luận rằng 158 dân đinh làng An Định toàn là dân bất hảo, chống đối sự khai hóa của người Pháp. Họ ra vẻ làm ăn chí thú để qua mắt chính quyền, chờ cơ hội để khởi loạn…
Ngày 2/6/1886, quân Pháp mở cuộc hành quân lớn sang Campuchia, Ngô Lợi được tin đem quân quay về núi Tượng, nhưng hỡi ôi nhà cửa, chùa chiền ở An Định đã bị Pháp đốt phá, chỉ còn lại những đống tro tàn.
Một năm sau, 1887, quân Pháp do thiếu tá Peiqnaux ở Châu Đốc chỉ huy cùng với hai cộng sự là Trần Bá Lộc và Trương Văn Keo kéo quân vào An Định một lần nữa. Cuộc hành binh diễn ra từ ngày 13 – 29/5, quân Pháp mới tràn được vào làng, chúng cho đốt sạch nhà cửa, chùa chiền, tàn phá ruộng rẫy, bắt đi 1.990 người tra tấn để tìm Ngô Lợi. Cuối cùng Pháp xử bắn 8 người, đày 13 người ra Côn Đảo, số còn lại bị cưỡng bức trở về quê hương bổn quán. Tuy vậy có số ít người hồi hương, số còn lại tiếp tục lẩn tránh sang các vùng khác nuôi chí hướng kháng Pháp.
Năm 1888, Ngô Lợi bị bắt nhưng trốn thoát được nhờ vào sự che chở của nhân dân. Ngày 13/10/1890, Ngô Lợi mất vì bệnh tại thôn An Hòa, gần núi Tượng, lúc 59 tuổi. Ngô Lợi mất tưởng chừng phong trào kháng chiến bị tan rã, nhưng thực tế cho thấy truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm chưa bao giờ nguội tắt.
Lịch sử sơ thảo huyện Tri Tôn năm 2002, nêu bật: Ngô Lợi là người phương Nam, tham gia kháng Pháp với thời gian khá lâu, ít thất bại, không bị bắt, viên tịch lúc tuổi cao. Đây cũng là nét đáng tự hào trong hơn 100 năm đánh Pháp của dân tộc nói chung và nhân dân An Giang nói riêng.
Trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã có những đóng góp đáng kể, có những cá nhân và tín đồ được phong tặng các danh hiệu cao quí: 21 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 380 gia đình liệt sĩ, … đặc biệt có 600 tín đồ là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hằng năm, tại Khu di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia chùa Tam Bửu – Phi Lai đều tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm ngày doanh nhân Ngô Lợi mất. Và tại TP. Long Xuyên, có một con đường được đặt tên ông.
Bài, ảnh: Cao Phương
Gửi bình luận