Chuyện về đạo dừa ở bến tre - Kỳ 6: "Sứ mệnh thiên định"
“Bất chiến tự nhiên thành”
Lúc bấy giờ ở cồn Phụng, cậu Hai Nam đang ngồi trên thuyền bát nhã, mắt lim dim nghe đài phát thanh Sài Gòn tường thuật vụ tự thiêu và được bình luận là: “chấn động trong giới Phật giáo và chính quyền Miền Nam”, Bất ngờ có một nhóm nhân viên cảnh sát xuất hiện, bắt cậu Hai Nam giải thẳng lên Sài Gòn. Tra khảo độ tuần lễ, sau đó chở về giam ở Kiến Hòa. Đương lúc nằm trong khám thì ở Sài Gòn có tiếng súng nổ, cuộc đảo chính của nhóm sĩ quan trẻ đã kết liễu anh em ông Diệm, nhờ đó mà cậu Hai được trả tự do.
Ngày 5/11/1963, tức 5 ngày sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, cậu Hai Nam cùng với cô cháu gái là Diệu Ứng lên Sài Gòn mở cuộc họp báo với hy vọng được gặp Quốc trưởng Dương Văn Minh và Thủ tướng Nguyễn Ngọc Thơ để bàn giải pháp hòa bình “thiên định”, song chẳng ai ngó ngàng đến. Buồn bã cậu Hai Nam quay về giang sơn cồn Phụng tiếp tục thiền định, quán tưởng sự đời.
Cũng trong thời gian này, tại “đất” Đạo Dừa, cậu Hai Nam cho xây dựng mô hình nước Việt Nam, ở giữa là cầu Hiền Lương nối liền hai miền Nam – Bắc. Chính giữa cầu cậu Hai Nam cho ghi câu: “Bất chiến tự nhiên thành”. Hầu hết ai cũng biết câu này là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nhưng chắc mấy ai, kể cả cậu Hai Nam biết câu sấm giảng trên ngụ ý nói gì, linh ứng vào thời điểm nào và “thành” ra sao?
Chưa hết, cậu Hai Nam tiếp tục gửi thư yêu cầu chính quyền Sài Gòn cho phép mình cùng với vài đồ đệ được ra Hà Nội để thảo luận hòa bình. Và cam kết nếu thất bại tự mình sẽ cho nổ bom tự sát. Dĩ nhiên hành động hoang tưởng thì làm sao được chính quyền Sài Gòn chấp nhận.
Nhưng cậu Hai Nam nào chịu ngồi yên, năm 1964, chính quyền mới vẫn không muốn cậu Hai rời khỏi cồn Phụng, lúc nào cũng cho người giám sát. Thế nhưng, cậu Hai Nam vẫn bạo gan thành lập phái đoàn gồm 72 đạo, diệu mặc áo màu dà, đầu chít khăn đi ra tận miền Trung nói là để cầu nguyện cho hòa bình. Trước chuyến đi, cậu Hai Nam cho báo chí Sài Gòn biết sẽ ghé qua chùa Linh Mụ (Huế) mượn chiếc Đại Hồng Chung để gióng lên cầu nguyện cho đất nước thanh bình, cho cha gặp được con, cho vợ gặp được chồng và miền Trung khỏi gặp nạn lụt lội hàng năm. Nhưng sự cuồng vọng của cậu Hai Nam không thực hiện được, vì chiếc Đại Hồng Chung là bảo vật của chùa nên không sư nào dám cho mượn. Trong chuyến đi này phái đoàn của cậu Hai Nam mang theo một chiếc xuồng ba lá, dân chúng thấy lạ hỏi cắc cớ: Xuồng sao lại bơi được trên mui xe Lambrette?
Cậu Hai Nam trả lời: Năm nay là năm Giáp Thìn, miền Trung sẽ có bão lụt lớn, nước lên tận mái nhà, xuồng bơi trên ấy.
Nhiều tờ báo lúc bấy giờ “giật gân”, cho đăng hình chiếc xuồng mà cậu Hai Nam chở ra Quảng Trị, kèm theo đó là bài bình luận về lời “tiên tri” này.
Độc đáo hơn, phái đoàn của cậu Hai Nam đến quì gối giữa lằn ranh chia đôi trên cầu Hiền Lương suốt 2 giờ đồng hồ, đánh 18 tiếng chuông nói là để thức tỉnh lương tâm và tự tình dân tộc.
“Đại Khám Đường”
Nhân đây cũng xin nói cồn Phụng có lúc thu hút trên 500 Đạo, Diệu ăn ở tại đây, đa số là những người còn trẻ, trong tuổi quân dịch. Hằng năm, cậu Hai Nam đứng ra xin chính quyền cho các đạo tới tuổi quân dịch được hoãn dịch (không đi lính). Chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ cho rằng đạo của cậu Hai Nam không có giấy phép nên chỉ chấp nhận cho 25 ông đạo được hoãn dịch. Các đạo không có giấy hoãn dịch chỉ có thể quanh quẩn trên cồn Phụng chứ không dám ra ngoài. Được hỏi tại sao không xin phép chính quyền hợp thức hóa để dễ điều hành chùa Nam Quốc Phật và phổ biến đạo pháp sâu rộng trong quần chúng? Cậu Hai Nam cho biết đại ý: “Không quan niệm làm công việc đạo hạnh là phải xin phép. Ngày trước Chúa Giê Su và Phật Thích ca đâu có xin phép ai để đi giảng đạo?”.
Đấu tranh cho đường lối tu hành là chuyện của cậu Hai, còn thi hành luật pháp dĩ nhiên đó là nghĩa vụ của chính quyền Ngụy, bằng chứng là ngay sau đó chính quyền tỉnh Kiến Hòa tổ chức “bố ráp”, “tóm” một số đệ tử của cậu Hai vì lý do trốn quân dịch. Thế là một cách ôn hòa và độc đáo, cậu Hai Nam biến chùa Nam Quốc Phật – Giang sơn của Đạo Dừa thành “đại khám đường” giam giữ hơn 500 tù nhân. Ngày 7/12/1971, cậu Hai Nam xuống lệnh cho vẽ trên lưng áo của các Đạo hai chữ “tu tù”, bên dưới đánh số thứ tự màu trắng. Ý của cậu Hai là kể từ nay giang sơn Đạo Dừa trở thành “đại khám đường” (rồi), xin chính quyền đừng bắt bớ nữa. Bắt bớ làm gì cho vô ích, nuôi tốn cơm, ở tốn chỗ, vì ở đây họ cũng đã là tù nhân rồi.
Cậu Hai còn viết giấy cam kết chịu trách nhiệm trước ông tỉnh trưởng Kiến Hòa về “sứ mệnh thiên định” của mình với hơn 500 tù nhân như sau: “Kể từ nay nếu đạo nào chịu hy sinh, giam mình trong “đại khám đường” đạo đức tinh thần, làm công dân thế giới, bất chiến, bất bạo động do Thiên Nhơn lãnh đạo (tức cậu Hai Nam) thì không còn bị bắt bớ nữa. Còn đạo nào cãi lời ra khỏi đây thì sẽ bị diều tha, ó xới…n
Cao Phương
Gửi bình luận