Chuyện về đạo dừa ở Bến Tre - Kỳ cuối: Những lời thú tội
Đoạn kết của con người bất bình thường
Trong một tài liệu mà chúng tôi có được (tài liệu này cũng đang được lưu giữ tại cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre), ông H. một đệ tử thân cận của cậu Hai, nay đã ngoài 80 tuổi, ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, từng thú nhận tội lỗi của mình với bà con và chính quyền địa phương vào sáng ngày 1/10/1988: “Năm 1975, sau khi anh Nam bị trục xuất khỏi Phú Quốc, anh vào Hậu Giang dựng chùa dạy “đạo bất tạo con”, chính quyền địa phương phát hiện, bắt tập trung cải tạo. Sau khi được tạm tha, anh Nam về quê ít lâu sau lại tiếp tục vận động đệ tử dạy “đạo bất tạo con”. Chính tôi đã hiến con tôi cho anh Nam dạy đạo. Sau tôi còn có nhiều gia đình nữa cũng hiến con gái cho anh Nam dạy đạo. Việc làm này chính quyền địa phương không cho phép, gia đình cản ngăn...”.
Về việc làm đài phát thanh, phát các loại băng ghi âm mang nội dung không lành mạnh, không được chính quyền địa phương chấp nhận là phạm pháp. Chưa hết, ông H. còn tự nhận những sai phạm của mình, hứa khắc phục và không dám tái phạm nữa. Còn tội lỗi trong thời gian qua, ông H. mong bà con, chính quyền địa phương tha thứ.
Còn cô cháu gái của cậu Hai là Nguyễn Thị Ứng (Diệu Ứng), từng ứng cử Phó Tổng thống ngày nào cũng thú nhận trước bà con:
“… Cậu Hai kêu gọi quyên góp tiền bạc để xây dựng công trình phúc lợi địa phương, nhưng thật ra đã dùng tiền vào việc mua sắm ghe để dạy “đạo bất tạo con”. Có khoảng 30 người làm đơn đến xin đăng ký để học đạo. Còn việc cậu Hai lập đài phát thanh tôi biết là phạm pháp, can ngăn thì cậu Hai nói mầy không cho tao lập đài phát thanh, dạy đạo, nhất định tao cho mầy đi ở tù...”.
Việc dạy“đạo bất tạo con” của cậu Hai cùng nhiều việc làm sai trái khác đã bị bà con địa phương công khai lên án. Mặc dù cậu Hai và các đệ tử Đạo Dừa ngày đêm tính kế bày trò nhưng cũng không qua được tai mắt của nhân dân. Cuối cùng, cậu Hai và các đệ tử thân tín đành phải ra trước nhân dân nhận tội. Những tưởng “thuốc đắng giã tật”, không ngờ ít lâu sau cậu Hai cùng với những đệ tử trung thành bí mật rời khỏi quê nhà đến cư trú bất hợp pháp ở thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang, tiếp tục hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái thuần phong mỹ tục. Ngày 12/5/1990, Công an Bến Tre phối hợp với Công an thành phố Mỹ Tho kiểm tra, sau đó yêu cầu cậu Hai trở về nguyên quán. Một số đệ tử trung thành của cậu Hai tỏ ra quá khích, có hành vi chống đối, xô đẩy làm cậu Hai ngã từ trên gác xuống đất bị chấn thương. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng cậu Hai giã biệt cuộc đời về bên kia thế giới vào ngày hôm sau, thọ 81 tuổi.
Những kẻ liên quan đến cái chết của cậu Hai, 5 tháng sau được đưa ra trước vành móng ngựa. Kết thúc vụ án cũng là kết thúc cuộc đời của một con người kỳ lạ có một không hai trên dải đất cù lao được mệnh danh là quê hương của xứ dừa.
Riêng cựu ứng cử viên Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Diệu Ứng, trong một lần chúng tôi ghé thăm mới đây thì được biết bà đã mất vào ngày 28 Tết âm lịch năm 2012, tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre, thọ 80 tuổi. Cũng tại đây, khu mộ phần của gia tộc cậu Hai nằm trong khu đất rộng 2.000m2, quanh năm rợp mát bóng dừa. Trong đó có duy nhất một ngôi mộ đứng, xung quanh ốp kiếng chính là mộ phần của cậu Hai. Nghe đâu, ngôi mộ này lúc sinh thời do chính cậu Hai thiết kế cho mình.
Khu đất này hiện được hai người em cùng cha khác mẹ với cậu Hai gìn giữ, trông coi. Ông Lê Minh Trí – Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Bến Tre, cho biết các Công ty Du lịch trong tỉnh đang có kế hoạch tổ chức tour đến khu mộ phần gia tộc khá độc đáo này cho khách tham quan. Còn hiện tại, vào những ngày cuối tuần du khách lẻ vẫn thường hay đến tham quan khu mộ của cậu Hai.
Về nơi lưu dấu một thời
Trước năm 2009, khách thập phương mỗi khi có dịp đi trên phà Rạch Miễu ngang qua cồn Phụng, mấy ai không ngắm nhìn – nơi đây một thời được xem là giang sơn của Đạo Dừa, vang danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Đến nay đã trải qua hơn một một phần tư thế kỷ vẫn còn nguyên vẹn những thắng tích như thuyền Bát Nhã, bát quái đài, núi Thất Sơn, biểu tượng cầu Hiền Lương – sông Bến Hải… Từ xa, nhìn cồn Phụng nhô lên giữa dòng Cửu Long hiền hòa, tạo cho người ta cảm giác thú vị khi hòa mình với cảnh sông nước miền Tây. Cồn Phụng còn cuốn hút du khách bởi những sinh hoạt đời thường của người dân với thiên nhiên, giống như một làng quê miền Tây thu nhỏ của Đồng bằng sông nước Cửu Long.
Đến đây du khách còn được thưởng thức những điệu hò, điệu lý giao duyên, những làn điệu dân ca mang đậm nét văn hóa của miền sông nước Tây Nam bộ - đó là “đặc sản” đờn ca tài tử, uống trà với mật ong, rồi ngả lưng trên những chiếc võng đong đưa dưới bóng mát của vườn cây trái xum xuê bốn mùa trĩu quả… Một làng quê thanh bình vào bậc nhất của Nam bộ.
Đệ tử cậu Hai vẫn còn một vài người sống trên cồn Phụng, nhưng họ không còn theo đạo nữa và đã có cuộc sống ổn định. Trên cồn Phụng hiện có khoảng 30 hộ chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ từ thân cây dừa, hầu hết sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Bắc Mỹ.
Từ nhiều năm gần đây, khu du lịch sinh thái cồn Phụng được đầu tư nâng cấp hệ thống các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vườn thú hoang dã… cùng với quần thể kiến trúc Đạo Dừa. Nhờ đó mỗi năm cồn Phụng thu hút hàng chục ngàn lượt khách tham quan.n
Bài, ảnh: Cao Phương
Gửi bình luận