Chuyện về đạo dừa ở Bến Tre - Kỳ 4: Lập "Trung tâm Đạo Dừa" tại Bến Tre
Có được “bảo vật”, cậu Hai Nam quyết tâm xuống núi, biến giang sơn cồn Phụng – một cù lao nằm giữa sông Cửu Long thành “Trung tâm lãnh đạo”, thu hút đệ tử, khách thập phương lui tới.
Nguồn gốc tên “Đạo Dừa”
Từ ngày được sư phụ tặng “bảo vật”, cậu Hai Nam nghĩ chắc sư phụ thấy đạo hạnh của mình thấu đạt đến cảnh giới cao siêu của Phật pháp. Nếu không thì sư phụ chẳng tặng “báu vật” quí giá như vậy? Có khi nào sư phụ tặng cho ta chiếc bình bát ngầm khuyến khích mình xuống núi gieo duyên kết phước?
Cậu Hai Nam nghĩ mãi cũng không sao thấu hiểu thâm ý của thầy. Một hôm sau khi đi khất thực trở về, cậu Hai Nam vội vàng đến gặp sư phụ bày tỏ suy nghĩ của mình và xin thầy cho xuống núi. Sư phụ qua nghe miễn cưỡng, nói: Đạo hạnh của con lâu nay cũng đã tinh tấn, con cũng nên xuống núi để giúp đời. Cậu Hai Nam nghe sư phụ nói như vậy trong lòng lấy làm ưng lắm, vội vã thu xếp hành trang chờ ngày lành tháng tốt xuống núi.
Năm 1948, tức 3 năm sau ngày được Hòa thượng Thích Hồng Tôi nhận làm đệ tử, cậu Hai Nam về làng Phước Thạnh, ngồi hành đạo gần 2 năm ở mé sông Cửu Long.
Năm 1950, cậu Hai Nam trở về khu đất nhà nằm cạnh quốc lộ 60, dùng ống nhựa và thân cây dừa dựng bát quái đài cao 14 thước. Trên đài lót tấm ván chừng 1m2, cắt 4 góc gọi là bát quái đài. Ban ngày ngồi bên dưới, đêm đến cậu Hai Nam choàng manh áo lên ngôi trên đài nói là hành đạo và mỗi năm chỉ tắm một lần vào ngày Phật đản. Với kiểu hành đạo kỳ lạ, người hiếu kỳ đến xem ngày càng đông. Nhưng do cậu Hai bị cấm khẩu từ lúc còn trên núi Tượng, nên ai hỏi cậu Hai Nam chỉ viết giấy trả lời.
Cũng trong thời gian này, cậu Hai Nam tự xưng là Thiên nhơn Giáo chủ Thích Hòa Bình và tuyên bố tôn thờ cả ba tôn giáo: Nho, Phật và Chúa. Từ đây, cậu Hai Nam “khai sáng” ra một thứ đạo “tổng hợp” gọi là “tôn giáo hòa đồng”.
Cũng trong thời gian này, cậu Hai Nam lấy đạo danh Đạo Vừa (tức vừa phải, trung dung nhưng do cách phát âm của người Nam bộ gọi thành “Đạo Dừa” như đã nói ở phần trước) và cố gắng phô trương hình ảnh của mình. Một người với thân hình nhỏ thó, da vẻ nhăn nheo, gương mặt teo tóp trông như đứa trẻ lên 10. Cũng từ đây, đạo danh Đạo Dừa bắt đầu được nhiều người trong vùng biết tới.
Tuy vậy, Đạo Dừa thật ra không phải là một giáo phái như nhiều người lầm tưởng, “Đạo” (có nghĩa là đường) ở đây là đường lối tu hành của một “công tử” Tây học muốn làm việc khác người mà thôi. Bởi Đạo Dừa không hề có kinh kệ hay bất kỳ giáo lý nào. Đạo Dừa cũng không gõ mõ tụng kinh, chỉ tham thiền và tưởng niệm. Còn ăn uống thức ăn chủ yếu là các loại trái cây chứ không phải quanh năm ăn dừa, uống nước dừa như người đời đồn đại.
Năm 1963, đây là cao trào của chính sách gom dân, lập ấp chiến lược dưới thời Ngô Đình Diệm. Làng Phước Thạnh của cậu Hai Nam thuộc vùng giải phóng, nên thường xuyên bị giặc bắn phá. Nhận thấy địa điểm hành đạo nơi đây càng lúc trở nên bất lợi, cậu Hai Nam rời làng Phước Thạnh đến cồn Phụng dựng chùa Nam Quốc Phật. Cồn Phụng lúc này có tên là cồn Tân Vinh, diện tích 28 ha (nay phù sa bồi đắp lên đến 50 ha), nằm giữa sông Cửu Long, một bên là Tiền Giang, một bên là cửa ngõ đi vào Bến Tre. Dân trên cồn quanh năm sống an bình, làm vườn và ngày nay còn có thêm nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng với các sản phẩm làm bằng cây dừa. Đây là một trong 4 cồn nằm trên cùng một khúc sông được đặt tên theo quan niệm tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng. Tên cồn Phụng có từ khi cậu Hai Nam đến dựng chùa. Trong lúc xây dựng, thợ xây nhặt được cái chén có hình con chim phụng từ đó cậu Hai Nam đặt tên là cồn Phụng. Sau này còn có tên là cồn ông Đạo Dừa, do cậu Hai Nam đến đây xây chùa Nam Quốc Phật và truyền bá Đạo Dừa.
Để quảng bá hình ảnh Đạo Dừa, cậu Hai Nam cho mua một chiếc xà lan cả trăm tấn về làm thuyền bát nhã hay còn gọi là chùa nổi, neo ở đầu cồn cho mọi người qua lại trên phà Rạch Miễu nhìn thấy cậu Hai Nam tu trên sông nước. Tiếp đến, cậu Hai Nam cho xây số tháp, bát quái đài cao 18 thước, núi Thất sơn, cầu Hiền Lương, bánh xe luân hồi, thập tự giá cùng nhiều biểu tượng tôn giáo khác
Nếu như ở kinh thành Huế có 9 cái đỉnh, gọi là cửu Đỉnh, mỗi cái biểu tượng cho một vị vua khả kính. Ở đây, cậu Hai Nam chỉ cho làm một cái đỉnh nhưng gọi là Cửu đỉnh và cũng có ý nghĩa như vậy. Cửu đỉnh của cậu Hai được ghép khéo léo từ những mảnh sành sứ với nhiều nét hoa văn tinh xảo, được đặt trên lưng rùa miệng ngậm cây gươm báu, gọi là “Thần Quy tải đỉnh”. Ở sân cầu nguyện, cậu Hai Nam cho xây dựng 9 con rồng, tượng trưng cho 9 cửa của dòng Cửu Long. Theo cậu Hai sân rồng còn là nơi hội tụ của “năm châu bốn bể” về đây phụng sự cho Thiên nhơn giáo chủ Thích Hòa Bình.
Tất cả công trình kiến trúc được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Huỳnh Văn Đại – tự Hoàng Đại, sinh năm 1900, tại Quảng Trị, được cho là từng tham gia thiết kế một số công trình kiến trúc ở Kinh thành Huế vào những năm 1920. Năm 1963, ông được cậu Hai Nam mời về đây phụng sự.
Cậu Hai Nam còn nói mình là Minh Mạng tái sinh(!) nên cho làm một chiếc ngai vàng đặt giữa cặp ngà voi cao 2,30m, nặng 60kg, đường kính chỗ lớn nhất 43cm, đặt ở chùa Nam Quốc Phật dùng làm nơi tiếp khách. Chiếc ngà voi này được cho là lớn nhất Việt Nam, nghe đâu của một thương gia ở Chợ Lớn vì quí mến cậu Hai Nam nên lặn lội qua tận Thái Lan mua về tặng. Hiện, chiếc ngà voi trưng bày tại Khu du lịch cồn Phụng.
Đạo Dừa cầu nguyện gì?
Từ khi về cồn Phụng, cậu Hai Nam sinh hoạt theo một thời khóa biểu nhất định. Sáng, 6 - 13 giờ, trong 7 tiếng đồng hồ này cậu Hai Nam ngồi kiết già trên chiếc ghế kê phía sau đuôi thuyền Bát nhã. Bên cạnh kê cái bàn, trên đó có cái cân và vài cái nồi, tô, rổ đựng ngũ cốc, trái cây: bí, khoai, bắp, cam, đậu xanh, cà chua, đu đủ…Tự tay cắt, gọt từng thứ để chế biến mỗi ngày 1,2kg thức uống tổng hợp để nuôi cơ thể 36kg của cậu. Nguyên liệu trước khi pha chế được đệ tử nấu chín bằng nước dừa. Cậu Hai Nam chỉ tiếp khách vào buổi chiều, nhưng bất ngờ có khách cậu Hai Nam cũng tiếp. Đối với khách nào cũng vậy, cậu Hai Nam tiếp bằng cách ngồi yên một chỗ. Lúc cần, cậu Hai Nam xé vội tờ giấy viết mấy dòng trả lời nếu như ông Đạo “thông ngôn” (đệ tử Đạo Dừa: nam gọi là Đạo, nữ gọi là Diệu - PV) không diễn tả hết ý của mình.
Chiều, 13 – 18 giờ, cậu Hai Nam ngồi trên thuyền Bát nhã lim dim cầu nguyện, trông có vẻ siêu thoát. Khách thập phương và các Đạo, Diệu thường lui tới trong thời gian này.
Tối, 18 – 19 giờ, thời gian này các Đạo, Diệu cầu nguyện tại hội trường Hòa Bình còn cậu Hai Nam ngồi tịnh trên đỉnh núi Thất sơn nhân tạo, phía dưới là Cửu trùng đài. Cậu Hai di chuyển từ thuyền Bát nhã lên bằng cây cầu đặc biệt gọi là đại cầu Hòa - Cộng (được tưởng tượng là cầu Hiền Lương), dài 52m. Trước khi vào núi Thất sơn, cậu Hai Nam không quên dừng lại nơi quả địa cầu và quay ba vòng. Cậu Hai Nam giải thích hành động này là “Sứ mệnh thiên định, đem lại hòa bình cho thế giới”.
Từ 19g tối, cậu Hai Nam cầu nguyện cho hòa bình đất nước. Sau đó, cậu Hai soạn thảo kế hoạch vận động hòa bình, tranh cử, chương trình điều hành chùa Nam Quốc Phật, kiểm soát kế hoạch thu chi… đến 6 giờ sáng thì sửa soạn bữa uống thường nhật.
Trong khi đó các Đạo, Diệu mỗi ngày phải quỳ cầu nguyện giữa trời 4 tiếng đồng hồ, chia là 4 thời: sáng, trưa, chiều và khuya. Trước khi cầu nguyện, Đạo, Diệu đưa tay làm dấu thánh theo đạo Thiên chúa, sau đó chấp tay theo đạo Phật. Kinh cầu nguyện do chính cậu Hai Nam soạn, được cho là cầu nguyện để có hòa bình thống nhất chứ chẳng có ý nghĩa gì khác.
Ngoài thời gian cầu nguyện bắt buộc, các Đạo, Diệu được chia thành nhiều ban làm việc gọi là làm “công quả”: Ban hành chánh kiểm soát, chụp ảnh, đưa đò, làm rẫy, làm ruộng, đi chợ, liên lạc, quét dọn, tiếp tân, ấn loát… với hơn 500 con người lúc nào cũng cúc cung tận tụy với cậu Hai Nam.
Nhiều người tự hỏi tiền bạc đâu mà cậu Hai Nam nuôi sống cả một giang sơn to lớn với chừng ấy con người ở cồn Phụng?
Qua tìm hiểu, giang sơn cồn Phụng có hai khu vực: xóm Trường Trai và chùa Nam Quốc Phật. Các Đạo, Diệu sống với gia đình ăn, ở tại xóm Trường Trai. Còn các Đạo, Diệu sống một mình ăn, ở tại chùa Nam Quốc Phật. Nhưng không phải Đạo, Diệu nào cũng ăn bám của chùa. Trong số hơn 500 con người ở đây, có khoảng 100 người “ăn bám” của chùa, số còn lại có gia đình khá giả họ tự lo ăn uống. Có người ăn ngọ một bữa/ngày, có người dùng hai bữa tùy theo điều kiện và sức khỏe. Có người ăn cơm, có người ăn rau trái, nhưng toàn chay lạt. Trong khi hàng ngày nguồn hoa lợi thâu vào từ đò máy, chụp hình, hỷ cúng… từ khách thập phương là rất lớn.
Cao Phương
Gửi bình luận