Chuyện về đạo dừa ở Bến Tre - Kỳ 3: Tầm sư học đạo
Lên núi bái sư
Cũng xin nhắc lại, sau khi chia tay ông thầy tướng số dưới chân núi Tượng, cậu Hai Nam đi một mạch lên đỉnh núi thì trời quá ngọ. Trên đỉnh núi ngoài An Sơn Tự còn có con voi đá phủ phục không ai biết có tự khi nào. Lúc này vào khoảng thượng tuần tháng 3 năm 1943, vùng này đang vào cao điểm mùa khô, chung quanh núi đồi xác xơ trơ trọi.
Núi Tượng còn có tên Liên Hoa Sơn, một trong 7 ngọn núi chính nằm trong dãy Thất Sơn huyền bí thuộc tỉnh An Giang. Núi Tượng cao 145m, dài 600m, rộng 400m, thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn. Phía tây giáp kinh Vĩnh Tế, Đông giáp chợ Ba Chúc đêm ngày nhóm họp lao xao. Ngày nay, bên cạnh núi còn có nhà mồ tập thể chứa hơn 1.000 bộ hài cốt là nạn nhân trong vụ thảm sát của Pôn Pốt vào những năm 1978 – 1979. Ở hai đầu núi còn có chùa Phi Lai và Tam Bửu với kiến trúc cổ mang đậm nét của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Ngô Lợi, tức Đức Bổn sư sáng lập năm 1868. Vùng đất này được khai mở có hơn 250 năm, gắn liền với nhiều địa linh nhân kiệt, danh lam thắng tích… không phải nơi nào cũng có được.
Trụ trì An Sơn Tự lúc bấy giờ là Hòa thượng Thích Hồng Tôi đã ngoài 70 tuổi. Một vị chân sư được đồng đạo trong vùng cho là đức cao đạo trọng. Ngoài Hòa thượng chùa còn có gần 10 tăng ni, phật tử ngày đêm phụng sự Phật pháp.
Buổi chiều hôm ấy, có lẽ cậu Hai Nam là khách lạ duy nhất nên được Hòa thượng tiếp đón ân cần. Hòa thượng còn ngỏ ý mời cậu Hai Nam ở lại nghỉ ngơi và vãn cảnh chùa. Trong khi đó có một vài phật tử trong chùa thấy cậu Hai Nam ăn mặc có phần lôi thôi, bụi cát đầy người ra vẻ bèo nhèo nên tỏ ý xem thường. Cậu Hai Nam nghĩ: “Ở ngoài đời còn có người này người khác, trong đạo chắc cũng vậy thôi. Ngày hôm nay ta là khách, Hòa thượng là chủ. Chủ đã có lời mời thì ta ở lại”.
Sau 2 ngày lưu lại An Sơn Tự, bước sang ngày thứ 3, cậu Hai Nam xin gặp Hòa thượng và bày tỏ ý nguyện muốn quy y đầu Phật.
Nghe qua Hòa thượng không tỏ ý ngạc nhiên mà rằng: Trong lúc xuân thì tranh đấu lợi danh, một trí thức Tây học như con hà cớ gì muốn xuất gia đầu Phật?
Cậu Hai Nam: Mọi việc trên thế gian hữu hình thì hữu hoại. Đâu có chi là trường cửu, mọi người rồi cuối cùng cũng gửi thân dưới lòng đất lạnh. Chỉ có đạo mới trường tồn vĩnh cửu. Vì lẽ đó con thiển nghĩ muốn tìm lối thoát để cứu cánh cho bản thân…
Hòa thượng: Con còn trẻ mà biết giác ngộ như vậy là tốt. Nhưng người muốn xuất gia trước tiên phải hội đủ ít nhất 5 điều kiện, đó là: Được sự đồng ý của cha mẹ; vợ, con (nếu có) phải bằng lòng; không bị ai thưa kiện; không bị ma quỷ nhập xác; không tham gia cơ quan chính trị - quân sự… Con có đáp ứng được không?
Cậu Hai Nam: Bạch thầy con đáp ứng được, nhưng… chỉ còn có một điều là… con đã có vợ, có con mà trước khi đi lên đây chưa hỏi qua ý kiến.
Hòa thượng: Như thế là chưa được, nợ duyên chưa mãn phần, con về thu xếp xong rồi lên đây quy y cũng không quá muộn.
Cậu Hai Nam còn nghe Hòa thượng Thích Hồng Tôi giảng giải thêm nhiều điều khuyên răn về cái lý đạo duyên của nhà Phật. Cậu Hai Nam lấy làm tâm phục nên không dám hỏi han gì thêm mà tự an ủi chắc là mình chưa có cơ duyên với nhà Phật! Bất giác cậu Hai Nam nhớ lại lời ông thầy tướng số nói cách đây mấy hôm lúc chia tay dưới chân núi: “Kỳ này thầy đi chỉ để dò la địa cảnh rồi trở về, đôi ba năm sao mới trở lại đây tu được”. Nay sự thể quả linh ứng, âu cũng là cơ duyên, lẽ trời chưa đến với mình.
Cơ duyên
Sáng sớm hôm sau, khi núi rừng còn hoang lạnh, sương mù còn ướt đẫm lối đi, cậu Hai Nam buồn bã bước vào hậu liêu từ giã Hòa thượng để ra về. Trong giây phút chia tay, kẻ đi buồn bã còn người ở lại cũng ngậm ngùi. Thay cho bước chân đưa tiễn, Hòa thượng căn dặn: Ngoài năm điều trên đây, người xuất gia còn phải tập tâm từ bi nhân đức, biết thương yêu giúp đỡ đồng loại, không tham, sân, si, tự cao, ngả mạng… còn phải giữ mình đúng giới luật của người xuất gia. Bạch Hòa thượng, con đến đây là quyết xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần nên con đâu còn sợ cực khổ hay xác thân đói lạnh, miễn sao trí tuệ được khai thông, thấu hiểu được giáo lý của Phật pháp là điều mong mỏi của con. Dẫu biết rằng lòng từ tâm của con sẵn có nhưng, nghiệp trần còn đa mang, con nên về sống với gia đình đôi ba năm cho duyên nghiệp mãn phần rồi lên đây cũng không muộn. Và con cũng nên nhớ, việc tu hành là một quá trình dài vô hạn định, phải trải qua nhiều kiếp nhiều đời mới mong ngộ thông chân lý. Nghe vậy cậu Hai Nam đành cúi đầu cảm tạ Hòa thượng mà không dám nài nỉ gì thêm.
Từ trên núi xuống triền, hơi núi bốc lên một màu trắng xóa, trên cành tiếng xào xạc của bầy khỉ đai con giỡn hớt. Cảnh núi rừng thâm u giữa miền sơn cước, dễ gợi lên trong lòng người nỗi niềm thất vọng khi cất bước ra đi.
Cậu Hai Nam trở về nhà sống với vợ con coi như không có chuyện gì xảy ra.
Chừng 4 tháng sau nhân một ngày Rằm tháng 7, cậu Hai Nam bày tỏ ý định của mình với cha mẹ, vợ con là muốn dựng một cái am để ngày đêm thanh tịnh vì muốn “rũ sạch bụi trần”. Mặc dù gia đình hết sức can ngăn nhưng cũng đành bất lực, chỉ ít ngày sau một cái am bằng lá dừa nước được dựng lên cách nhà chừng 500m, kể từ đó cậu Hai Nam ở hẳn trong am.
Giữa cõi đời vật chất tranh đấu hơn thua, vợ con đang mặn nồng đầm thắm, bỗng dưng người ta thấy ông Bác vật lánh đời vào am, dân trong làng cho đó là chuyện lạ nên không ngớt lời bàn tán xôn xao. Người cho rằng cậu Hai Nam thất vọng một việc gì đó lớn lao lắm nên mới vứt áo đi tu. Cũng có người nghĩ thực tế hơn, cho rằng cậu Hai Nam “ăn chơi đã đời”, gieo nhiều tội lỗi nên giờ đây lánh đời để sám hối ăn năn. Còn người nhạy cảm với thời cuộc thì cho cậu Hai Nam “giả dạng” để mưu đồ quốc sự.
Một hôm cậu Hai Nam thấy lòng buồn bực, rời am về thăm nhà nhạc gia ở Gò Công cho khuây khỏa. Về ngày hôm trước, hôm sau cậu Hai Nam nói năng bất thường, lúc tỉnh lúc mê, khiến gia đình vợ ai cũng lo sợ. Gia đình liền rước lương y về bắt mạch, tối đến mời nhà sư tụng kinh cầu nguyện, nhưng vô hiệu. Gia đình cho rằng, cậu Hai Nam bị điên nên nhốt trong phòng. Bị nhốt cậu Hai Nam càng quậy dữ, lúc nào cũng nói năng lảm nhảm và ai hỏi đến thì bảo đó là “thiên cơ”, khiến gia đình hết sức hoang mang.
Mấy ngày sau đó cậu Hai Nam được cha vợ đưa lên Chợ Lớn tìm danh y chạy chữa. Tại đây, vào một đêm mất ngủ cậu Hai Nam cứ dùng tay vặn chiếc đèn dầu lúc tỏ, lúc mờ suốt cả đêm – nói làm như vậy là để “thâu nhận âm dương”. Làm những người theo chăm sóc cậu Hai Nam cũng mất ngủ theo.
Cậu Hai ở Chợ Lớn chữa trị bằng Đông y được chừng 3 tháng thì bình phục, về nhà. Về nhà được hơn tuần lễ, cậu Hai van lơn gia đình cho mình được xuất gia, vì cơ duyên đã tới, nếu trễ một ngày là một ngày thân xác bị khổ đau. Gia đình biết không thể ngăn được cái tính bất thường của cậu Hai nên thuận tình để cậu ra đi.
Ông H. nay đã 87 tuổi, em cùng cha khác mẹ với cậu Hai Nam hiện làm phận sự hương quả của gia tộc ở xã Phước Thạnh, Châu Thành, Bến Tre cho biết, trước sự kiên quyết của cậu Hai Nam gia đình không thể can ngăn nổi nên đến ngày mồng 3 tháng 9 năm 1945, cậu Hai Nam khăn gói lên núi Tượng lần thứ hai.
Lần đi này được Hòa thượng Thích Hồng Tôi, trụ trì An Sơn Tự thâu nhận làm đệ tử. Cậu Hai Nam tu theo hạnh đầu đà – đây là cái hạnh khổ cực nhất trong Phật giáo: ăn ngọ, ngủ ngồi, đi chân đất, đi đứng nằm ngồi đều phải niệm Phật tâm. Đôi tháng đầu cậu Hai Nam ngồi ở hiên chùa hành đạo, sau mới đến ngồi trên tảng đá bên cạnh cột phướn suốt 3 năm liền, ngày đêm tịnh khẩu. Hằng ngày đi khất thực, thọ trai bằng hoa quả, ngũ cốc một lần đúng ngọ. Đặc biệt mỗi năm chỉ tắm một lần vào ngày Phật Đản. Có một hôm, trong lúc đang tịnh thì Hòa thượng đến tặng cho cậu Hai Nam chiếc bình bát mà trước đó được nói là lưu truyền qua ba vị tổ của An Sơn Tự. Hòa thượng nói: “Con có cơ duyên với Phật pháp, vậy con nên nhận gìn giữ báu vật này để dùng mỗi bữa trong lúc độ ngọ”.
Không biết Hòa thượng thấy đạo hạnh của cậu Hai ra sao? Tương lai thế nào mà đem tặng chiếc bình bát? Nhưng kể từ ngày cậu Hai thọ lãnh chiếc bình bát đi đâu cũng mang theo, cho đó là báu vật quí giá của đời tu sĩ…
Cao Phương
Gửi bình luận