Chuyện về đạo dừa ở Bến Tre - Kỳ 2: Cuộc đời qua lời tiên tri
Từ một “công tử miệt vườn”, ăn chơi xả láng, bỗng chốc muốn dứt áo đi tu kể cũng lạ? Có người đồn đoán là do thất tình. Song, cũng có người cho rằng cậu Hai Nam do làm ăn thất bại nên mới đi tu…
Công tử miệt vườn
Theo người dân ở xã Phước Thạnh, cậu Hai Nam là một công tử miệt vườn, lúc thiếu thời nổi tiếng hào hoa phong nhã, dáng người vừa tầm, ăn nói rất có duyên. Những năm tháng sang Pháp du học, cậu Hai tương tư một cô tiểu thư con nhà quyền quý, nhưng cô tiểu thư dường như không đáp lại tình cảm của cậu Hai Nam. Buồn tình cậu Hai Nam mới về nước.
Cũng có người cho rằng, chính cuộc tình đơn phương đầy mộng ảo với người con gái vương giả trên đất Pháp tan vỡ, đánh dấu khúc quanh bất ngờ trong cả cuộc đời còn lại của cậu Hai Nam. Chưa có cơ sở để khẳng định điều này, nhưng có một lần khoảng 8 năm sau ngày cậu Hai Nam du học trở về, trong lúc giận dỗi gia đình, cậu Hai Nam bỏ nhà ra tận Nha Trang nói là đi tìm minh sư để học đạo. Vì theo lời đồn ngoài ấy có nhiều vị đạo cao đức trọng, nhưng khi ra đến nơi gặp mặt thì không phải như lời đồn đoán. Cậu Hai Nam thất vọng trở về. Đây cũng là lần đầu tiên trong đời cậu Hai Nam khởi mộng con đường đi tu.
Nhiều người còn kể sau khi hãng xà bông đóng cửa, tiếp đến là chuyến ra Nha Trang thất vọng trở về, tính tình cậu Hai Nam bắt đầu thay đổi. Người ta thấy cậu Hai Nam ở nhà nhiều hơn là đến các sòng tài xỉu như thói quen trước đó. Đã hơn một lần cậu Hai Nam đắn đo suy nghĩ, bộc bạch chí hướng của mình với gia đình trước sự lựa chọn một trong hai con đường “Đời” và “Đạo”. Chọn con đường đời thì tiếp tục kinh doanh.
Còn nếu chọn con đường đạo hạnh coi như dứt bỏ tất cả lợi danh, thậm chí vợ con, quyến thuộc đôi khi cũng phải lìa xa. Cũng chẳng hề gì, xưa nay giàu sang danh vọng trên thế gian đôi khi giống như mây trời, tuyết núi. Mọi việc đều là vô thường mộng ảo, cớ sao con người cứ mãi quẩn quanh với con đường danh lợi?
Theo ông Nguyễn Văn Kh, nhà ở xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre, trước năm 1975, từng là đệ tử của cậu Hai Nam, kể về sự quyết tâm tầm sư học đạo của cậu Hai Nam nghe qua giống như có sự sắp đặt trong tiểu thuyết vậy. Số là từ khi cậu Hai Nam có ý định xuất gia, gia đình tỏ ra bối rối với hành động bất ngờ này. Người lo lắng nhất là ông Cai tổng Phúc, đêm ngày ra sức khuyên can, cắt nghĩa sự lợi hại ở đời, nếu đi tu là thất hiếu, không tròn bổn phận làm con, nhất là bỏ lại một người vợ trẻ vô tội, ăn ở có con lẽ nào dứt áo ra đi, làm như thế lỗi đạo can trường. Mặc dù hết mực khuyên can nhưng gia đình cũng biết, một khi lòng người đã tự giác, tự nguyện thì không có một trở lực nào cản ngăn được.
Chán nản với những lời khuyên của gia đình, một hôm cậu Hai Nam nói là qua Mỹ Tho để đáp chuyến xe lửa lên Sài Gòn thăm thú bạn bè cho khuây khỏa. Nhưng vừa đến bến thì xe đã chạy, buồn lòng cậu Hai Nam thả bộ ra hướng cầu Quây. Đi một đỗi cậu Hai Nam bất chợt thấy ông thầy tướng số ngồi bên vệ đường, quần áo nhầu nát, gương mặt hốc hác như kẻ xin ăn. Trước mặt trải một tấm vải viết nắn nót mấy dòng chữ: “Nơi đây xem tay, xem tướng đại tài, biết chuyện vị lai quá khứ”. Cậu Hai Nam bước đến ngồi xuống bên ông thầy tướng số với ý định thử xem tài nghệ của ông ta có đoán được ý của mình không. Cậu Hai Nam lên tiếng đôi lần nhờ ông xem giúp, ông thầy vẫn làm thinh coi như không có người đối diện. Lúc này lòng kiên nhẫn của một “công tử miệt vườn” như cậu Hai Nam cũng đã cạn, liền đứng dậy bỏ đi mà không nói một lời chào.
Lên núi
Cậu Hai Nam quay về nhà trong lòng buồn bực, phần vì chuyến đi chơi bất thành, phần nghĩ đến chuyện ông thầy tướng số chiều nay mà trong lòng cảm thấy không yên. Cách ít ngày sau, cậu Hai Nam kiếm cớ nói với gia đình rằng mình muốn đi Gò Công thăm cha mẹ vợ và ở lại chơi một thời gian. Nhưng kỳ thực, sáng sớm hôm sau cậu Hai Nam qua Mỹ Tho nhưng không về Gò Công mà xuống bến tàu mua vé đi Châu Đốc. Vì trước đây cậu Hai Nam từng nghe người ta đồn rằng ở vùng Bảy Núi rất hiển linh, nơi qui tụ rất nhiều ẩn sĩ nổi danh như Phật thầy Tây An, Ngô Lợi... nên cũng thử đi một lần cho biết.
Vả lại, lâu nay tuyến đường sông từ Mỹ Tho chạy xuống miệt An Giang không mấy an ninh, chính quyền thường xuyên khuyến cáo hành khách hạn chế đi lại, về phía chủ tàu cũng e ngại nên hàng tuần chỉ có 1,2 chuyến xuất bến. Bỗng dưng hôm nay có chuyến tàu Thuận Hà đi Châu Đốc cậu Hai Nam coi đó là duyên lành.
Trong lúc chờ tàu xuất bến, cậu Hai Nam rảo bước tìm xem trên tàu có ai quen với mình không, bất ngờ cậu Hai Nam gặp lại ông thầy tướng số hôm nào. Cậu Hai Nam liền bước đến chào, thầy tướng số ngó qua rồi mỉm cười, đưa ba ngón tay chỉ xuống khoang tàu, ngầm ám chỉ ông đã ngồi đây trong ba ngày để chờ cậu Hai Nam đến. “Đáng khen cho cậu cất công đi tìm núi non để tu tập”, câu đầu tiên ông thầy tướng số nói ra khiến cho cậu Hai Nam lạnh gáy. Cậu Hai Nam thắc mắc: Tại sao ông thầy tướng biết được mục đích chuyến đi của mình? Trong khi đó những hành khách có mặt trên tàu nghe ông thầy tướng số nói thế bất chợt cười rộ, nói: Bộ vó thầy này coi bảnh trai quá mà tu hành gì được, chắc ông đoán lạc quẻ rồi. Ông thầy tướng nghe vậy liền bảo cậu Hai Nam cứ mở vali ra cho mọi người xem, trong đó còn có một bộ đồ vạt khách và xâu chuỗi 18 hạt. Mặc dù ông thầy tướng nói đúng nhưng cậu Hai Nam không đủ can đảm mở vali cho mọi người xem, cốt che giấu ý định xuất gia của mình. Thấy cậu Hai Nam chần chừ, nhiều hành khách tỏ ra nghi ngờ cậu Hai Nam, buông lời khiếm nhã: Thầy đây có tướng ăn chơi, hào hoa phong nhã, đâu giống người lên núi tầm sư học đạo như ông thầy tướng nói.
Nghe thế, ông thầy tướng nhắc thêm lần nữa cậu Hai Nam mới chịu mở vali, quả đúng như vậy. Lúc này những hành khách chứng kiến đều sửng sốt, khen ông thầy tướng đoán chẳng khác nào “Quỉ cốc tiên sinh”, còn cậu Hai Nam thì đổ mồ hôi hột.
Sáng sớm hôm sau tàu chạy tới bến Châu Đốc, cậu Hai Nam xách vali lên bến xe hỏi đường vô Bảy Núi. Vừa đến bến xe, cậu Hai Nam đã thấy ông thầy tướng số ngồi sẵn trên chiếc xe lôi tự lúc nào. Cậu Hai Nam hỏi xe chạy đi đâu? Anh phu nói xe vô Bảy Núi. Cậu Hai Nam bước lên ngồi cạnh ông thầy tướng số, bụng nghĩ thầm đây là việc lạ, xuống tàu cũng gặp, lên xe cũng gặp. Xe chạy một đỗi qua khỏi Tịnh Biên hai bên đồng ruộng bao la, lúa chín vàng rực, trước mặt núi cao chót vót, xa xa thấy những hàng cây thốt nốt giăng ngang để phân định biên giới Việt – Miên. Ông thầy tướng số nói với cậu Hai Nam đường vô Bảy Núi hãy còn xa, phần lộ xấu, trời lại sắp mưa đi không kịp sẽ thêm khổ, chi bằng tìm chỗ tá túc qua đêm sáng mai vô sớm. Nghe có lý, cậu Hai Nam bảo anh phu xe dừng lại, ngó lên trời bỗng chốc thấy mây đen bay cuồn cuộn, sấm chớp liên hồi, kế có trận cuồng phong nổi lên bụi cát mịt mù, mưa như thác đổ. Đến lúc này cậu Hai Nam mới thật sự tin lời ông thầy tướng số, nói đâu trúng đó.
Sau một đêm tá túc ở một nhà trọ ven đường, sáng sớm hôm sau khi sương mù còn bao phủ, cảnh vật núi rừng đìu hiu, nhiều nhà chưa thức giấc. Đường vô núi không một bóng người lai vãng. Cậu Hai Nam nóng lòng muốn đi vô núi cho sớm, từ giã ông chủ nhà trọ, lên xe nhắm Thất Sơn trực chỉ. Xe chạy mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới vô tới ngã ba dưới triền núi. Ông thầy tướng cho biết đây là núi Tượng, trên núi có An Sơn Tự nếu thầy ghé đây thì bảo xe dừng. Cậu Hai Nam nghe nhắc đến núi Tượng lòng mừng khấp khởi, vội bước xuống xe móc tiền trả luôn cho ông thầy tướng số. Trong lúc chia tay kẻ đi người ở, ông thầy tướng số nói: Chúc thầy vô núi được bình yên, nhưng tôi cũng xin nói với thầy một câu để làm kỷ niệm. Thầy đi đây là để dọ đường đi nước bước rồi cũng trở về chứ chưa tu hành được đâu. Kỳ sau thầy mới có thể lên ở luôn đôi ba năm hành đạo.
Mặc cho ông thầy tướng nói vậy, cậu Hai Nam vẫn làm thinh và lẳng lặng đi vô núi một mình.
Cao Phương
Gửi bình luận