Chuyện về cựu Hoàng Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lập mưu truất phế, Kỳ cuối
Kỳ cuối:Phiên tòa kết thúc trong im lặng
Như đã thông báo từ trước, phiên tòa đăng đường vào sáng ngày 10/1/1975, không có sự thay đổi đáng kể nào.
Cuộc đấu lý giữa các luật sư
Hai LS. Baudelot, Guibal và cố vấn Trần Thành Quan được sứ quán Sài Gòn ở Paris đưa đến văn phòng ông chánh án từ khá sớm. Trong khi cựu hoàng đi cùng với luật sư của ông là bà Eliette Lascar và một cộng sự của bà cũng có mặt vài phút sau đó.
Mở đầu cuộc tranh luận có phần tế nhị, LS. Eliette Lascar đã lần lượt đưa ra nhiều chứng cứ như bằng khoán nhà đất, chứng từ liên quan đến việc nộp thuế… tất cả đều mang tên Vĩnh Thuỵ, tức Bảo Đại. Bà cho rằng sắc luật 17/57 của chính quyền Sài Gòn tịch thu tài sản của cựu hoàng không thể áp dụng trên đất Pháp. Sứ quán Sài Gòn tại Paris từ năm 1957 cho đến thời điểm phiên tòa diễn ra đã chiếm ngụ vô quyền bất động sản này. Ngôi nhà số 89 kể từ lúc cựu hoàng sở hữu nhưng, do hảo ý nên cựu hoàng đã để cho nguyên Cao ủy Phủ Việt Nam tại Pháp sử dụng làm tư thất. Và, sau đó hết nhiệm kỳ đáng lý được giao trả cho cựu hoàng đã bị tiếp tục chiếm ngụ mà không có sự ưng thuận của cựu hoàng. Để chứng minh việc này, LS. Eliette Bascar đã xuất trình một bức thư bằng Pháp ngữ của cựu Cao ủy vào thời kỳ đó là Bửu Lộc mà bà cho biết vừa nhận được nên chưa kịp nạp vào hồ sơ vụ việc. Bức thư này cũng là thư trả lời cho cựu hoàng mà trước đó cựu hoàng đã gửi cho ông Bửu Lộc. Nội dung bức thư chobiết ngôi nhà số 89 đã được cựu hoàng giao cho cựu Cao ủy sử dụng từ 1949 đến khi hết nhiệm vụ vào năm 1954.
Phản bác lại lời trình bày của luật sư cựu hoàng, cố vấn sứ quán của Sài Gòn là Trần Thành Quan trình lên ông chánh án, rằng, đáng lý sứ quán không cử người đến dự phiên tòa vì thủ tục tống đạt Triệu hoán trạng không hợp lệ. Nhưng khi biết được chính ông chánh án trực tiếp thụ lý vụ việc, để đáp lại sự chú trọng này và để tránh việc kéo dài thủ tục nên đương sự đã được sứ quán cử đến cùng với hai LS. Baudelot và Guibal.
Tiếp theo đó, LS. Baudelot đã nêu lên các lý lẽ mang tính khước biện với sự kiểm duyệt của sứ quán trước đó. LS. Baudelot cho rằng, trong trường hợp này nên áp dụng điều 31, Hiệp ước Vienne (1961) về quyền đặc miễn tài phán mà chính quyền Sài Gòn tham gia vào 1973. Hơn nữa vị trưởng nhiệm của sứ quán đã chấp hữu căn nhà nói trên nhân danh quốc gia kể từ khi có sắc luật tịch thu tài sản 1957. Như vậy điều kiện đặc miễn hội đủ và không thể đưa vị trưởng nhiệm ra trước tòa. Hơn nữa, trước phiên tòa khẩn cấp hôm nay không thể nại một sự tranh chấp quan trọng mà xin thi hành những biện pháp tạm. Đồng thời nói rằng cho đến thời điểm này nguyên đơn không chứng minh có sự khẩn cấp khi xin trục xuất người chiếm ngụ. Vì trên thực tế không có gì là khẩn cấp, các sự việc liên quan đến ngôi nhà đã xảy ra từ gần 20 năm qua mà không có sự nguy hại diễn tiến. Để kết luận, LS. Baudelot xin tòa khẩn cấp tuyên bố vô thẩm quyền và để nguyên đơn khởi tố về chánh vụ trước tòa án dân sự.
Sau khi nghe hai bên tranh luận, ông chánh án cho rằng đây là vụ tranh tụng hết sức tế nhị, và, nguyên đơn cho biết chính quyền Sài Gòn đang xem xét một giải pháp để dàn xếp vậy hai bên có đồng ý đình phiên tòa lại để sứ quán xin xác nhận sự kiện trên hay không?
Sau khi hội ý với đại sứ Quang, LS. Baudelot đại diện cho sứ quán Sài Gòn xin ông chánh án cho đình phiên xử lại 2 tuần. LS. Eliette Lascar đại diện cho cựu hoàng cũng không phản đối.
Như vậy là ngày thứ 6, 24/1/1975, đại diện hai bên sẽ trở lại tòa để cho biết quan điểm của mình.
Cựu hoàng Bảo Đại và phu nhân người Pháp trong những năm cuối đời ở Paris
Phiên tòa kết thúc trong im lặng
Ngày 13/1/1975, Sứ quán Sài Gòn ở Paris đã gửi về bản phúc trình dài vằn vặt về phiên tòa đã qua, đồng thời thông báo phiên tòa đã được đình lại hai tuần để hai bên cung cấp thêm chứng lý. Sau khi nhận được bản phúc trình, Bộ Ngoại giao đã chỉ thị ngay cho sứ quán, trong phiên tòa tới các luật sư không nên tranh luận về nội dung hiện vụ, mà chỉ nên nêu vấn đề liên quan đến quyền đặc miễn tài phán của sứ quán Sài Gòn, theo điều 31, của Hiệp ước Vienne về liên lạc ngoại giao. Điều 31 đã quy định: nhân viên ngoại giao được hưởng quyền đặc miễn tài phán trong những vụ kiện liên quan đến bất động sản mà nhân viên này chấp hữu nhân danh quốc gia bổ nhiệm để thi hành nhiệm vụ được giao phó. Do vậy, luật sư của sứ quán có quyền yêu cầu ông chánh án áp dụng thông lệ này. Ở điểm này sứ quán có một bất lợi là đã ra trước phiên tòa ngày 10/1/1975, e rằng tòa án có thể căn cứ vào sự kiện này để nói rằng sứ quán đã từ bỏ quyền đặc miễn tài phán. Mặc dù vậy, Bộ Ngoại giao cũng tỏ ra lo sợ thật sự, nên ngay sau đó đã chỉ thị tiếp cho sứ quán ở Paris thảo một công thư khẩn gửi trực tiếp cho ông chánh án để trình bày riêng. Công thư nói là trong vụ này sứ quán được hưởng quyền đặc miễn trừ, còn sự xuất tịch trước tòa chỉ là một cử chỉ chứng tỏ sự tôn trọng đối với cơ quan tư pháp nước sở tại. Chứ tuyệt đối không có nghĩa là sứ quán khước từ quyền đặc miễn tài phán. Kèm theo đó là “mật chỉ” cho sứ quán Sài Gòn không xuất tịch trước phiên tòa ngày 24/1 tới.
Từ đây có thể có hai giả thuyết được đặt ra cho những người quan tâm đến phiên tòa, đặc biệt là giới ký giả phương Tây. Rằng, phiên tòa ngày 24/1, tuyên bố vô thẩm quyền. Điều này sẽ là một thắng lợi cho chính quyền Sài Gòn, tuy nội vụ vẫn chưa giải quyết xong. Giả thuyết thứ hai, rằng phiên tòa cứ thụ lý và với sự vắng mặt đại diện của chính quyền Sài Gòn, tòa tuyên án trục xuất, trong trường hợp này Đại sứ Quang vẫn không bị trục xuất vì có thể nêu lên quyền đặc miễn chấp hành bản án, chiếu theo điều 31, Hiệp ước Vienne.
Tuy Tổng trưởng Ngoại giao Vương Văn Bắc đã chỉ thị cho sứ quán Sài Gòn ở Paris không tham dự phiên tòa nói trên, nhưng sau khi Thủ tướng Trần Thiện Khiêm biết chuyện đã ra lệnh triệu tập ngay hội đồng nội các và đi đến quyết định: Vụ việc đã được đưa ra tòa án nên chính quyền Sài Gòn không đặt vấn đề điều đình với cựu hoàng nữa, mà chấp nhận lập trường và quyền đặc miễn tài phán. Đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao chuẩn bị bản tin về vấn đề này để phổ biến công khai trong ngoài nước nhằm trấn an dư luận.
Ngày 24/1/1975, ông Chánh án Vassogne Tòa án đại thẩm Paris đã căn cứ vào Hiệp ước Vienne để bác bỏ đơn xin trục xuất của cựu hoàng Bảo Đại. Như vậy cựu hoàng đã thất bại và luật sư của ông cho biết sẽ xem xét có thể kháng cáo án lệnh khẩn cấp nói trên ra trước tòa dân sự.
Ba tháng sau phiên tòa cựu hoàng thất kiện, chính quyền Sài Gòn sụp đổ, vụ kiện đương nhiên cũng chấm dứt…
Gửi bình luận