Chuyện về cựu Hoàng Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm lập mưu truất phế, Kỳ 2
Kỳ 2: Cựu hoàng đưa chính quyền Sài Gòn ra tòa án Paris
Sau khi Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm truất quyền, đã bị tịch thu gia sản bằng sắc luật 17/57, trong đó, có ngôi nhà số 89 Avenue de Villiers, Paris, được cựu hoàng Bảo Đại mua vào năm 1949, người đứng tên bất động sản này là Vĩnh Thuỵ (tức Bảo Đại). Về sau, chính quyền Sài Gòn cho rằng khi đó cựu hoàng không phản kháng, vậy coi như mặc nhiên đã thừa nhận.
Công văn Tổng trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc nhắc lại yêu cầu trao trả ngôi nhà số 89 của Bộ Ngoại giao Pháp cho cựu hoàng
Cựu hoàng đòi nhà!
Sáng sớm 16/2/1974, từ lâu đài Thorence ở Cannes cựu hoàng Bảo Đại bước ra cùng một phụ nữ người Pháp là luật sư Eliette Lascar và thừa phát lại là cộng sự của bà ở văn phòng René Fauchois. Cả ba lên xe đi thẳng đến ngôi nhà số 89 Avenue de Villiers, Paris, yêu cầu người gác cổng mở cửa cho họ vào (từ đây xin gọi ngôi nhà 89). Người gác cổng ngôi nhà chính là nhân viên sứ quán của chính quyền Sài Gòn. Gã nhân viên bị bất ngờ và bối rối khi thấy sự xuất hiện của cựu hoàng và luật sư của ông, liền gọi điện cho cảnh sát đến can thiệp. Sau khi nghe cảnh sát trưởng, giải thích cựu hoàng cùng với hai tuỳ tùng ra về.
Vốn dĩ ngôi nhà 89 thuộc quyền sở hữu của cựu hoàng từ năm 1949, đã bị sắc luật 17/57 của Ngô Đình Diệm tịch thu cùng với An Định Cung và một số gia sản khác vào cuối năm 1957. Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ cuối 1963, chính quyền Sài Gòn đã mở cuộc thăm dò phản ứng của dư luận trong và ngoài chính giới ở Pháp có thể xảy ra, nếu yêu cầu chính phủ sở tại cho thi hành sắc luật này. Cuộc thăm dò được thực hiện nhiều năm, đến tháng 3/1973, sứ quán của chính quyền Sài Gòn ở Paris đã gửi bản phúc trình dài 6 trang về Sài Gòn. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến một số ý kiến của giới luật gia Pháp chuyên về nhà phố. Cho rằng trên phương diện pháp lý, tài sản này hiện do sứ quán chiếm ngụ, có quyền đặc miễn ngoại giao và tài phán nên cựu hoàng không thể nhờ tòa án Pháp đòi lại được. Tuy nhiên, nếu chính quyền Sài Gòn khởi tố để xin công nhận quyền sở hữu của mình tức là tự bỏ “quyền đặc miễn trừ” để công nhận thẩm quyền của tòa án. Nếu bị thất kiện thì có thể bị trục xuất như một công dân bình thường.
Trong khi đó, dư luận báo chí phương Tây tỏ ra đặc biệt quan tâm đến từng bước đi của cựu hoàng. Họ cho rằng cựu hoàng là người cô thế, mang thân phận lưu vong, đã bị truất phế gần 20 năm mà chính quyền Sài Gòn vẫn còn gây khó dễ. Hơn nữa, thủ tục xin thi hành một bản án của một quốc gia tại một quốc gia khác thường vẫn phức tạp và gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi thực tế bất động sản nói trên bị chính quyền Sài Gòn chiếm ngụ từ 1957, nên họ chưa vội đưa vấn đề ra tòa án mà cố giữ nguyên trạng để chờ thời cơ thuận lợi hơn, vì nhận thấy việc tranh chấp có tính cách chính trị hơn là pháp lý. Nhưng kể từ khi cựu hoàng và luật sư (LS) của mình đến đòi lại nhà thì đại sứ Nguyễn Duy Quang mới dọn về ở, còn trước đó ngôi nhà có một thời gian dài bỏ không.
Vào một chiều đầu tháng 4/1974, sứ quán Sài Gòn ở Paris đón tiếp ông Mathivet - Phó Giám đốc Nha nghi lễ (Bộ Ngoại giao Pháp), đến cho hay cựu hoàng Bảo Đại đã khiếu nại lên Thủ tướng Messmer và thỉnh cầu Thủ tướng can thiệp để đòi lại ngôi nhà của ông. Thủ tướng Messmer có chỉ thị cho Bộ Ngoại giao tìm giải pháp khả dĩ để giải quyết thỏa đáng vấn đề này. Bộ Ngoại giao Paris đã ủy nhiệm cho ông Mathivet đến sứ quán của Sài Gòn để trao đổi trước khi gửi công hàm chính thức.
Đại sứ Nguyễn Duy Quang trả lời ông Mathivet, rằng, ngôi nhà 89 thuộc vào số tài sản bị tịch thu bởi sắc luật 17/57, của Ngô Đình Diệm. Do đó quyền sở hữu thuộc về chính quyền Việt Nam cộng hòa.
Ông Mathivet ghi nhận cuộc trao đổi trên, nhưng nói thêm rằng chính quyền Sài Gòn nên có biện pháp hành chính nào đó thỏa đáng để khỏi rơi vào trình trạng tế nhị trước chỉ thị của Thủ tướng Messmer. Bộ Ngoại giao Pháp đã cử một viên chức cấp cao đến trình bày quan điểm nội vụ. Đồng thời cũng không đặt vấn đề trên khía cạnh pháp lý mà chỉ muốn dùng phương thức hành chính và ngoại giao. Vì trước đó Bộ Tài chính Sài Gòn có yêu cầu sứ quán xin chính quyền sở tại công nhận quyền sở hữu của quốc gia trên bất động sản này. Lúc đó Bộ Ngoại giao Pháp cho biết, nếu chính quyền Sài Gòn chính thức yêu cầu, Chính phủ Pháp sẽ để cho cơ quan tư pháp xét sự yêu cầu đó mà không bảo đảm kết quả có thuận lợi hay không. Chính quyền Sài Gòn khi đó đã tham khảo ý kiến của luật gia Emmanuel Blanc và Guibal - cố vấn pháp luật của sứ quán. Theo ý kiến của hai luật gia này thì trên phương diện pháp lý, bất động sản số 89 tuy do cựu hoàng đứng tên nhưng hiện do trưởng nhiệm dùng làm tư thất. Trường hợp này có đặc miễn ngoại giao và đặc miễn tài phán nên cựu hoàng không thể đưa nội vụ ra tòa án Pháp xin trục xuất người chiếm ngụ.
Ngay sau đó tại “phủ đầu rồng” một công văn tối mật của Thủ tướng VNCH được báo cáo khẩn cấp lên Tổng thống Thiệu rằng, ngôi nhà 89 thuộc quyền sở hữu của quốc gia kể từ khi có sắc luật 17/57, do đó không thể có chuyện trả nó lại cho cựu hoàng. Đây là vấn đề thuộc về phạm vi giải quyết giữa chính quyền Sài Gòn với cựu hoàng, nếu xét thấy cần thì cử sứ giả sang Paris để dàn xếp riêng với cựu hoàng.
Phiên tòa đặc biệt
Những tưởng sự việc đã được dàn xếp êm thấm thì bất ngờ đến ngày 8/1/1975, lãnh sự của Sài Gòn ở Paris nhận được triệu hóan trạng của LS Eliette Lascar gửi thẳng cho người trưởng nhiệm, yêu cầu đến hầu phiên tòa khẩn cấp ngày 10/1/1975, về việc cựu hoàng xin trục xuất ra khỏi ngôi nhà số 89, với lý do chiếm ngụ vô quyền. Đồng thời còn yêu cầu tòa án không cho hưởng quyền đặc miễn tài phán căn cứ vào điều 31 của Hiệp ước Vienne, ngày 18/4/1961, về liên lạc ngoại giao mà chính quyền Sài Gòn đã tham gia vào 10/5/1973.
Phiên tòa đặc biệt này diễn ra tại văn phòng ông chánh án tòa đại thẩm Paris, thay vì được đăng đường như các vụ kiện khẩn cấp khác và do vị thẩm phán xử khẩn cấp thường lệ chủ tọa. Sự việc này cho thấy cơ quan tư pháp chú ý đặc biệt đến vụ kiện. Ngay trong đêm, sứ quán của Sài Gòn nhận chỉ thị từ chính quyền yêu cầu LS Guibal và cố vấn Trần Thành Quan khẩn trương tiếp xúc với LS Baudelot - thủ lĩnh đoàn luật sư vừa mãn nhiệm và là một luật gia có tên tuổi về các vấn đề nhà phố và luật lệ quốc tế ở Paris, đồng thời đầy đủ uy tín để đại diện cho chính quyền Sài Gòn ra hầu tòa.
Cựu thủ lĩnh LS Baudelot đã cùng hai đại diện của sứ quán nghiên cứu cặn kẽ các khía cạnh vụ kiện và đề nghị nên dự phiên tòa để trình bày các khước biện, thay vì phản đối thủ tục đưa sứ quán ra tòa là không hợp lệ để đình hoãn vụ kiện; vì làm như vậy có thể gây ấn tượng không hay khiến ông chánh án cho rằng về pháp lý sứ quán không nắm vững phần thắng nên tìm cách trì hoãn. Mặc khác, sứ quán đã tìm mọi cách tiếp xúc với ông Henri Bolle, Phó Giám đốc chính trị phụ trách về Đông Dương tại Bộ Ngoại giao Pháp. Trong cuộc gặp này sứ quán của Sài Gòn cho biết ngôi nhà 89 thuộc tài sản bị tịch thu theo sắc luật 17/57, từ đó đến nay cựu hoàng không phản kháng coi như mặc nhiên đã thừa nhận. Đồng thời sứ quán Sài Gòn thỉnh cầu ông Henri Bolle nên giữ thái độ vô tư và hãy để cơ quan tư pháp hoàn toàn tự do phán quyết....
Cao Phương
Gửi bình luận