Chuyện tế nhị có nên nói không? Kỳ 3
Kỳ 3: “Thoải mái như ở nhà”- ý tưởng hay ở Đà Nẵng đã và đang lan tỏa
“Thoải mái như ở nhà” - Comfort as home đã và đang được người dân, du khách và các địa phương đánh giá rất cao về tính hiệu quả khi triển khai vào thực tế. Và sau khi Đà Nẵng phát động nhân rộng thì nhiều địa phương đã và đang nghiên mô hình này để triển khai, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, khi trao đổi với PV Báo Du lịch xung quanh ý tưởng và sự lan tỏa của chương trình này.
Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, người đưa ra ý tưởng dự án “Comfort as home”.
- Ông có thể nói rõ hơn từ đâu mà Hiệp hội doanh nghiệp quận Hải Châu có ý tưởng về việc triển khai mô hình nhà vệ sinh công cộng “Comfort as home”?
Nó xuất phát từ chính thực tiễn của cuộc sống trong một cuộc đi chơi cùng gia đình những người bạn ở nước ngoài mới về ở đường Bạch Đằng, tuyến đường du lịch đẹp nhất của TP. Đà Nẵng. Trong khi vui chơi thì bỗng nhiên các bạn mình lại vội thu dọn ra về tôi cũng không hiểu tại sao. Hỏi ra mới biết mấy đứa nhỏ đau bụng muốn đi vệ sinh mà tìm nhà vệ sinh công cộng xung quanh không thấy nên đành phải đưa đứa nhỏ về nhà cho nó“xả” thế là cuộc vui đành kết thúc. Từ sự việc này tôi đã đặt ra vấn đề nếu người dân và du khách họ lâm vào hoàn cảnh như những đứa nhỏ thì “xả” ở đâu bây giờ hay lại nín để về khách sạn. Và nhiều tuần suy nghĩ vấn đề này và nghiên cứu nhiều mô hình toilet trên khắp thế giới và cuối cùng mới bật ra ý tưởng, sao mình không vận động các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh, các quán cà phê,… sử dụng nhà vệ sinh phục vụ khách hàng và nhân viên để cho người dân và du khách dùng khi họ có nhu cầu giải quyết nỗi buồn nhưng không có thu phí.
Và trong cuộc họp của Hội doanh nghiệp quận Hải Châu có cả Chủ tịch UBND quận, tôi đã đề xuất ý tưởng chương trình này và đã được hoan nghênh, chấp thuận cho triển khai. Và sau khi hoàn thành đề án, ban quản lý dự án,… đã bắt đầu triển khai chính thức ở quận Hải Châu trước lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng năm 2015 hơn 1 tháng, thu hút 100 đơn vị doanh nghiệp tham gia tương đương với 100 nhà vệ sinh.
- Để đưa chương trình vào thực tế thì bản thân ông và những người thực hiện có gặp những khó khăn gì hay không?
Khi thấy chương trình này hay thì truyền thông vào cuộc rất rầm rộ nhưng chỉ được một thời gian lại lắng xuống trên nhiều phương diện. Bởi lẽ, chương trình này lúc đó thiếu sự vào cuộc của địa phương… và để mặc cho doanh nghiệp tự bơi. Lúc đó bản thân tôi và những anh chị em trong hiệp hội vẫn quyết tâm kiên trì tìm mọi cách để đưa chương trình này tiếp tục và nhân rộng ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Và chúng tôi phải đi hô hào vận động anh em từng cái logo cho đến từng đồng một để trang trải thêm chi phí cho quá trình đi vận động các đơn vị doanh nghiệp tham gia,…
Hai năm sau khi Sở Du lịch vào cuộc và chúng tôi đã đề nghị nhân rộng chương trình này ra trên địa bàn toàn thành phố. Nhưng sau đó chỉ tập trung làm cho 3 quận nội thành trước (Hải Châu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) vì 3 quận này có lượng du khách đến đông đảo nhất. Ngày 19/11/2017, chính thức truyền thông nhân rộng chương trình này và con số đơn vị doanh nghiệp tham gia chương trình Comfort as home lên gần 500.
Mô hình nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa ở TP. Đà Nẵng đang lan tỏa ra các địa phương.
- Vậy, ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của chương trình này khi đưa vào thực tế?
Theo như khảo sát của chúng tôi ở thực tế đối với người dân và du khách thì họ đánh giá rất cao. Vì đây là một dự án cộng đồng quá nhân văn và mang ý nghĩa về bảo vệ môi trường. Nó không chỉ giải quyết vấn đề tế nhị cho con người mà còn đảm bảo được nét đẹp văn hóa văn minh đô thị của thành phố du lịch…Vì khi mình biết chăm sóc du khách từ những cái nhỏ bé như thế này cho du khách thì sự cảm mến của du khách dành cho chúng ta là rất tốt. Qua đó, nó sẽ đem đến một hình ảnh đẹp trong mắt du khách về một Việt Nam văn minh thân thiện và mến khách.
- Người dân vẫn còn e dè nếu sau 22 giờ tối trên đường đi chơi về và hơi thở có mùi bia rượu liệu các nơi dán logo “Comfort as home” có cho họ đi nhờ hay không?
Các nhà vệ sinh theo dự án này đều miễn phí và người ta không có phân biệt được người sử dụng đó có dùng rượu bia hay không. Nhưng hai bên phải ứng xử với nhau bằng cái văn hóa giao tiếp thân thiện, người đi nhờ phải chào hỏi làm ơn cho tôi đi nhờ nhà vệ sinh. Còn người cho phép đi nhờ phải dùng văn hóa thân thiện để ứng xử với người dân hay du khách vào đi nhờ. Đặc biệt, người đi nhờ khi sử dụng nhà vệ sinh cần có ý thức giữ gìn vệ sinh chung để đảm bảo khi mình sử dụng xong người khác cũng có thể sử dụng được.
Thời gian tới thì chương trình này sẽ được định hướng và nhân rộng ở đâu và như thế nào?
Chúng tôi cũng phát triển 1 ứng dụng thông minh dành cho điện thoại có tên Comfort as home, để khi du khách muốn “giải quyết nỗi buồn” tìm các nhà vệ sinh công cộng nhanh nhất có thể truy cập vào ứng dụng này. Nó sẽ hiện lên các địa điểm nhà vệ sinh gần nhất và chỉ đường đi đến đó nhanh nhất cho du khách.
Ở Đà Nẵng sẽ tiếp tục nhân rộng chương trình này ra các quận, huyện và phấn đấu đến hết năm 2018 này sẽ có 1000 cái nhà vệ sinh, trong chương trình Comfort as home.Trong đó, 3 quận trung tâm như Sơn Trà, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn thì mỗi quận sẽ đảm nhiệm khoảng 200 nhà vệ sinh. Còn 4 quận, huyện còn lại sẽ đảm nhiệm mỗi quận, huyện 100 cái. Để phục vụ tốt nhất nhu cầu của du khách và người dân.Và tôi tin tưởng rằng với văn hóa doanh nghiệp cùng với tấm lòng rộng mở của người dân thành phố Đà Nẵng, chúng tôi sẽ hoàn thành mục tiêu này.
- Sau khi TP. Đà Nẵng phát động nhân rộng chương trình này vào tháng 11/2017, thì tiếp sau đó địa phương nào đã triển khai ?
Không phải sau khi nhân rộng chương trình này ở Đà Nẵng thì các địa phương khác mới biết. Bởi vì, tôi là giám đốc doanh nghiệp phụ trách 17 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nên ra Huế hay các địa phương nào trong các hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp cùng lãnh đạo ở địa phương đó thì cũng dành ra một ít thời gian để chia sẻ về chương trình nhà vệ sinh Comfort as home này. Và khi các lãnh đạo cũng như doanh nghiệp ở các địa phương nghe về chương trình này họ rất thích, từ đó muốn mình chia s ẻ và hỗ trợ để địa phương họ triển khai chương trình này.
Huế là địa phương đầu tiên tiếp thu mô hình Comfort as home và triển khai. Nhưng cái hay của địa phương này khi triển khai chương trình này là các đơn vị sự nghiệp đi đầu hưởng ứng sau đó tuyên truyền kêu gọi toàn xã hội tham gia. Và chương trình này hiện nay đã c ó hơn 100 nhà vệ sinh theo hình thức xã hội hóa này.
Và tiếp sau đó thì Hội An (Quảng Nam) đã bắt tay vào vận động triển khai chương trình này. Ngay sau khi triển khai thì đã có đến trên 64 đơn vị doanh nghiệp tham gia. Tiếp đến các tỉnh, thành phố như: Nha Trang, Gia Lai, Hà Tĩnh, Nghệ An… cũng đang nghiên cứu để triển khai.
Điều tôi mong muốn là chương trình nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa không chỉ ở Đà Nẵng mà ở các tỉnh, thành phố khác cần được tuyên truyền quảng bá rộng rãi không chỉ trong nước và phải quảng bá ra nước ngoài. Và thông tin chương trình này cần đồng hành cùng các cuộc xúc tiến quảng bá của du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, sẽ giúp du khách quốc tế biết đến đất nước ta có một chương trình rất nhân văn và con người Việt Nam rất thân thiện và mến khách.
Phước Quang
Gửi bình luận