Chuyện ít biết về nhà khoa học Lương Định Của (kỳ cuối)
…Bà Nobuko kể một câu chuyện thú vị về một người cán bộ Đông Phương Hồng như sau:
Bà Nakamura Nobuko viết cảm tưởng vào sổ lưu niệm tại Nhà tưởng niệm Lương Định Của tại Sóc Trăng năm 2012- ảnh tư liệu
“Vào một ngày chủ nhật mùa Xuân năm 1973, có một khách đến nhà chơi. Ông ấy dáng người cao và béo khỏe, đội mũ cối, mặc áo đại cán. May mà ngày đó anh Của cũng về Hà Nội, tôi thì sau khi mời ông ấy uống trà rồi trở về phòng mình. Người khách đó nói chuyện vui vẻ với thời gian rất lâu mới về nhà. Sau khi tiễn ông ấy, anh Của mang một gói quà to đến, tươi cười nói: “Cho mama cái này”. Trong cái đó có rất nhiều trứng.
Anh Của hỏi: “Em nghĩ vị khách vừa về là ai”?
“Ông ấy là con trai chủ nhà các con chúng ta ở nhờ hồi ấy đấy. Anh cũng nhớ cảnh nghèo hồi đó, nên khi ông ấy cho mình nhiều trứng, anh chợt buông miệng: “Cái này thì hãy mang về cho các con của anh đi”. Thế là ông ấy cười khanh khách. Trong vòng gần chục năm qua, làng đó trở nên giàu có và ông ấy trở thành người lãnh đạo.
- Tuyệt vời nhỉ!?
- Hiện nay ông ấy làm việc ở hợp tác xã, ngoài ra gia đình của ông ấy còn nuôi hàng trăm con gà vịt. Ông ấy bảo: Hiện nay chúng tôi không còn nghèo như trước đây.
- Thế thì quà này là vô giá không thể mua được bằng tiền, anh nhỉ? Nhưng em hỏi anh là thành lập hợp tác xã vì sao những người nông thôn lại giàu lên?
Anh Của có vẻ khó diễn tả, nhưng giải thích như thế này:
“Vấn đề giàu lên không thể nói một cách đơn thuần là do hợp tác xã hay không, mà thứ nhất là nếu nông dân không có sự hứng thú (động cơ thúc đẩy) thì không thể giải quyết được vấn đề. Hợp tác xã mà có người lãnh đạo để cho nông dân cảm hứng thì sẽ giàu lên”.
- Nếu thế mà hợp tác xã chưa có sự cảm hứng sẽ ra sao hả anh?
- Thì ngày càng nghèo đi thôi. Vì thế nên trách nhiệm của người lãnh đạo trong hợp tác xã rất nặng nề. Bởi vì người lãnh đạo ấy phải lấy được lòng dân.
.jpg)
Nhà tưởng niệm Bác sĩ Nông học Lương Định Của tại trung tâm thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng- ảnh tư liệu
Bà kể về những năm tháng sống và làm việc trên quê chồng, trên đất nước Việt Nam và coi đây là những ngày hạnh phúc nhất.
Bà rời Nhật bản năm 1952 với ý định về Việt Bắc, nơi có Bác Hồ và Trung ương Đảng nhưng vì trục trặc phải về Sài Gòn. Liên lạc của Thành ủy đã tìm đường đưa cả gia đình (là hai vợ chồng và hai con trai Việt và Đức) ra chiến khu. Ông bà đã từng mặc áo lính đi trong đội hình của sư đoàn 330 ra Bắc tập kết. Bà làm việc ở Đài Tiếng nói Việt Nam, phát thanh viên tiếng Nhật. Bà là người hạnh phúc nhất trên đời khi được đọc bản tin chiều 30 tháng 4 năm 1975:
“Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã thắng lợi hoàn toàn! Thành phố Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng!
Tiếng pháo chúc mừng thắng lợi to lớn trong giây phút này vang dội khắp Thủ đô Hà Nội và trên cả nước. Bất kể người già trẻ hay trai gái, ai ai cũng xuống đường chia sẻ thắng lợi. Họ đang chúc mừng đại thắng lợi của dân tộc. Nhân dân Việt Nam anh hùng bất khuất muôn năm!
Nhân dịp này, nhân dân Việt Nam xin được chia sẻ niềm vui vô bờ bến đến bạn bè quốc tế. Nhân dân Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành tới các bạn và anh em quốc tế năm châu. Các bạn thính giả thân mến, chúng tôi mong muốn các bạn, cùng nhau chúc mừng sự thắng lợi to lớn này”.
Ôi mong chờ biết bao ngày hôm nay! Chúng tôi vẫn còn sống để được đón ngày hôm nay, được hưởng trọn vẹn niềm vui to lớn này. Nhưng tôi không biết đã có bao nhiêu người đã ngã xuống, không được hưởng ngày vui hôm nay. Họ đã hy sinh cả tính mạng của mình cho đất nước hôm nay được tự do, độc lập.
Bà về hưu năm 1980 và vào thành phố Hồ Chí Minh với con cháu. Làm giáo viên tiếng Nhật rồi về Nhật Bản thành lập công ty. Việc kinh doanh không thuận lợi, bà lại về Việt Nam sống thanh thản giữa lòng con cháu.
Sáng chiều bà đọc báo, viết sách, nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, đọc báo, xem đài truyền hình NHK và vẫn giữ quốc tịch Nhật Bản.
Tôi hỏi bà:
- Đang sống ở Nhật Bản sung sướng, sao ông bà lại về Việt Nam sống những năm tháng khó khăn, gian khổ?
- Thuyền theo lái, gái theo chồng. Về Việt Nam để được sống, chiến đấu cùng dân tộc Việt Nam.
Còn ở Nhật sung sướng ư? Không phải! Những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai, Nhật Bản là nước đại bại trận, phải đầu hàng với lời tuyên bố: Chúng tôi chấp nhận đầu hàng không điều kiện. Người Nhật hai tay bị trói để bên thắng trận tùy ý quyết định số phận của kẻ bại trận.
- Bà suy nghĩ thế nào là hạnh phúc?
- Niềm hạnh phúc là gì? Dù giàu tới đâu, nhưng không phải đã có hạnh phúc. Tôi nghĩ: Nói về một người hạnh phúc thật sự có phải là người có niềm tin tưởng được đối mặt với bản thân mình? Tôi đang nghĩ: Theo sự suy nghĩ ấy, tôi có thể ngồi được ghế cuối cùng trong bậc thang hạnh phúc…
Lê Xuân Kỳ
Gửi bình luận