Chuyện ít biết về nhà khoa học Lương Định Của (kỳ 3)
…Ít lâu sau cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ gây ra, trước hết ở Quảng Ninh, Hải Phòng và Thanh Hóa. Hà Nội có lệnh di tản. Lương Định Của đưa vợ con về Đông Phương Hồng để học và tránh máy bay…
Cố GS Lương Định Của và các con - ảnh tư liệu
Ông bà có 5 con (ba trai đầu và 2 gái). Anh con cả Lương Định Việt năm ấy đã vào học đại học Nông nghiệp (học nghề của bố). Anh thứ hai Lương Định Đức học trường miền Nam còn 3 anh em cùng vào ở với bố, học trường cấp hai Thọ Hải. Lương Định Thắng học lớp 6. Lương Thị Hoa và Lương Thị Liên học cấp 1. Ba đứa trẻ được gửi trong một gia đình nông dân, ăn cơm độn ngô, sắn và quen dần với sinh hoạt của trẻ nhỏ xứ Thanh. Có bữa hết gạo, phải đi vay nhà hàng xóm, ba anh em con của nhà bác học cũng hát:
“ Thanh Hóa mình ơi
Trung ương gọi lấy mì”
Chiến tranh đã cận kề với cuộc sống của lũ trẻ thành thị về tá túc ở vùng quê Thanh. Ông Của vẫn mải mê với giống lúa mới, với chuyện nước, phân, cần, giống. Và rồi bom đạn đã nổ trên đầu lũ trẻ. Lại trở về Hà Nội lên Vĩnh Phúc. Từ dải đất Thanh ân tình lam lũ mà có nhiều điều ở tuổi các em chưa thể hiểu hết. Cả người lớn cũng vậy, dù đã cùng ăn, cùng ngủ, cùng nghe tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rú trên bầu trời, cùng “ăn cơm bằng đèn, đi cấy sáng trăng”. Người Thanh Hóa quý mến Lương Định Của, nhớ lắm, nhất là khi nghe tin ông đã là người thiên cổ.
Dù việc làm ở Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa... nhưng Lương Định Của vẫn đi khắp hành tinh. Đi Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản...Đi đâu làm gì cũng không quên đem về cho Đông Phương Hồng một gói hạt giống, một vài cây non vừa thí nghiệm thành công.
Bà Nakamura Nobuko, phu nhân của cố GS Lương Định Của, phát biểu tại lễ trao giải thưởng Lương Định Của lần thứ I - ảnh tư liệu
Lại sắp đến ngày giỗ ông, ngày cuối của tháng cuối năm 1975 cách nay gần 50 năm tôi nảy ra ý định định vào thành phố Hồ Chí Minh thăm bà và các cháu. Ở trong này tôi có nhiều học trò và bạn bè. Vào đây không phải lo nơi ăn, nơi nghỉ. Đấy là niềm hạnh phúc của nghề làm người thầy, dù hơn nữa thế kỷ đã qua đi, bụi thời gian không làm phai mờ đi tình nghĩa. Một anh học sinh cũ là Nguyễn Trọng Thuỷ đã để ra mấy ngày tìm kiếm nơi ở và số điện thoại của gia đình nhà bác học quá cố.
Trước mắt tôi là bà Nakamura Nobuko, phu nhân của nhà bác học quá cố. So với lần gặp trước đây mới hơn nửa thế kỷ mà bà đã già đi nhiều. Bà không nhớ, không biết tôi là ai, nhưng bà vẫn tỉnh táo dù ở tuổi 92! Mái tóc đen nhánh bước đi thanh thóat nhẹ nhàng. Khi biết tôi từ Thanh Hóa, từ Thọ Xuân, từ Đông Phương Hồng vào thăm bà thì mọi kỷ niệm từ thời xa xưa ập về. Bà gọi Thắng, Liên ra cùng tiếp khách. Tôi tặng bà cuốn sách vừa mới in với lời đề tựa “ Kính tặng chị Nakamura Nobuko người mà tôi quý mến và trân trọng”. Chị đeo kính và đọc. Rồi cười, có lẽ chị cười vì đã gần trăm tuổi vẫn có người gọi là chị.
Tôi hỏi chị:
- Chị còn nhớ gì về Thanh Hóa, về Đông Phương Hồng?
Chị cười và rút từ ngăn kéo tặng tôi cuốn sách “Cơn gió thổi từ Hà Nội” vừa được xuất bản ở cả hai nước Nhật Bản và Việt Nam. Và chị lấy bút ra viết: Nakamura Nuboko. Người Nhật dùng hai thứ chữ và đều gọi là Quốc ngữ. Bốn chứ “trung thôn tiến tử” không có nghĩa gì cả, cũng như ta đã viết: Mạnh đức tư cưu, Mã lâm khoa phu...
Chị kể về cuộc viếng thăm Thanh Hóa lần đầu:
- Khi cho các cháu vào Thanh Hóa tôi thật không yên tâm. Hãy tưởng tượng một con gà mẹ khi người ta lấy mất đàn con. Ba cháu năm ấy mới 11, 8 và 6 tuổi. Vài tuần sau ba các cháu có việc về Hà Nội. Cả đêm không ngủ. Anh Của toàn kể chuyện về Đông Phương Hồng, về Thọ Xuân, về Thanh Hóa, về các con. Anh ấy kể:
“Mọi việc suôn sẻ so với tưởng tượng trước đấy. Ban đầu anh cũng lo lắng cái này cái kia, nhưng bây giờ đã ổn và sẽ không còn điều gì lo lắng cả. Bây giờ anh cùng các con ở nhờ một căn nhà nông dân không có đứa trẻ nào. Họ đều tốt bụng. Nhất là hai ông bà già yêu thương bé Liên như cháu của mình. Liên ngủ ngay trên giường của bà ấy đấy”.
“Không thể tin được con Liên nó ngoan như thế”.
“ Vừa rồi bé Liên bảo bố mua cho nó một con gà mái. Anh bảo nó rằng chỗ này là nhà của người khác, không thể nuôi gà được chứ. Khi nào con lớn lên mà một mình làm được tất cả mọi việc thì bố sẽ mua cho con gà nhé. Nói thêm thì bây giờ bố bận rộn lắm, không có thời gian nuôi con gà đâu, con ạ. Liên cãi lại nói: Con muốn nuôi gà, hằng ngày cho con gà ăn cái mồi. Con muốn làm như ông bà chủ làm, nó năn nỉ mãi không nghe lời bố. Hôm sau ông già tươi cười nói với cháu Liên. Liên ơi ông cho con gà mái này. Hôm nay nhờ cháu nuôi các con gà con nhé, có mồi ở trong này. Ông nói thế đưa cái hộp nhỏ đựng mồi cho gà ăn. Chắc là ông bà nghe chuyện hai bố con nói về nuôi con gà. Hơn thế nữa, ông bà cho Liên mỗi ngày một quả trứng, nói là quả trứng này, con gà mái của cháu đẻ đấy Liên ạ”...
Tôi đã đến thăm căn nhà mà Lương Định Của và các con đã sống thời đó. Tôi cũng đã gặp lớp cán bộ Đông Phương Hồng thời đó, họ là những người có tình có nghĩa, nhưng tiếc là hầu hết đã đi về cõi vĩnh hằng. Có người sau là Chủ tịch huyện, Bí thư Đảng ủy xã. Chỉ còn lại hai người. Nguyễn Thị Vẻ và Lê Văn Lung. Hơn nửa thế kỷ rồi còn gì nữa, nhưng những chuyện về nhà bác học Lương Định Của thì vẫn còn như mới hôm qua, ngày kia… (Còn nữa)
Lê Xuân Kỳ
Gửi bình luận