Chùa Tứ Kỳ
Chùa Tứ Kỳ là tên gọi theo địa danh của thôn trước đây, tên chữ là Linh Tiên Tự (Chùa Linh Tiên). Chùa hiện nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Tứ Kỳ là một làng Việt cổ, nằm phía Nam kinh thành Thăng Long, một vùng đất có lịch sử tạo dựng và phát triển sớm, một vùng đất hiểm yếu, án ngữ đường thủy phía Nam kinh đô Thăng Long.
Chùa Tứ Kỳ ngày nay mang đậm phong vị kiến trúc tôn giáo truyền thống
Chùa Tứ Kỳ cũng như các chùa làng khác trong vùng thờ Phật theo phái Đại thừa, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những di vật văn hóa hiện còn trong chùa, cùng bộ tượng trong chùa và các công trình kiến trúc hiện còn là những căn cứ minh chứng về nguồn gốc lịch sử, sự biến động đổi thay của ngôi chùa trong lịch sử dân tộc.
Chùa Tứ Kỳ được xây trên khu đất rộng liền kề quốc lộ I, con đường huyết mạch nối liền hai miền Bắc Nam, có quy mô bề thế khang trang so với một số ngôi chùa khác trong vùng. Các công trình kiến trúc của chùa được quy hoạch tập trung theo chiều sâu, trong không gian rộng, những nếp nhà cổ ẩn mình dưới những tán cây bốn mùa xanh tốt tạo cho cảnh quan của chùa thêm sự thâm nghiêm.
Cổng tam quan của chùa xây hai tầng, bố cục kiến trúc theo chiều dọc nhìn ra đường quốc lộ 1A. Cổng làm kiểu vòm cuốn tạo bởi hệ thống các cột trụ biểu, tầng dưới trổ ba cửa vòm cuốn, tầng trên xây kiểu bốn mái, chồng diêm, chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao đều đắp các hình rồng đuôi xoắn; hàng cột phía ngoài xây kiểu trụ diên, đỉnh hai trụ lớn đắp hình bốn chim phượng đầu quay bốn hướng, đuôi chụm vào nhau tạo thành trái giảnh cách điệu. Thân trụ tạo gờ nổi, trên ghi đôi câu đối chữ Hán. Qua cổng tam quan dẫn vào khu sân vườn được bố cục hài hòa với các công trình kế tiếp...
Tòa thượng điện ba gian một đầu nối với gian giữa tiền đường xây chạy dọc về phía sau. Nội thất bốn hàng chân, vác vì kèo đỡ mái kết cấu vì kiểu “chồng rường”, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Nhà tổ ba gian kiểu thường hồi bít đốc, ở phía sau chùa. Điện thờ Mẫu có mặt bằng hình chữ đinh gồm 5 gian tiền bái và hai gian hậu cung, xây kiểu tường hồi bít đốc. Gian bên phải nhà Mẫu đắp hình thạch động đặt các tượng hậu; gian giữa chính điện ban thờ đặt tượng ngũ vị tôn ông, phía trong ban thờ Tam Thánh Mẫu; gian bên trái đặt tượng Đức thánh Trần Triều và ba tấm bài vị thờ các vị phu nhân hậu thời Lê. Phía bên phải tòa tam bảo xây một ngọn tháp Phật có kích thước 9 tầng… Những công trình kiến trúc hiện nay là sản phẩm của những lần đại trùng tu vào những năm gần đây nhưng mang đậm phong vị kiến trúc tôn giáo truyền thống.
Chùa Tứ Kỳ là một trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của một cộng đồng dân cư và là nguồn sử liệu quý giá mang giá trị lịch sử về sự tồn tại của làng cổ Tứ Kỳ. Đây cũng là nguồn sử liệu góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của đạo Phật phái thiền tông trên vùng đất phía Nam Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 18-19.
Chùa Tứ Kỳ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia năm 1995.
Nhật Minh
Gửi bình luận