Chùa Thiên Niên
Chùa Trích Sài tức chùa Soài, tên chữ Thiên Niên cổ tự, tọa lạc góc phố Lạc Long Quân, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chùa nằm ven bờ Tây Hồ Tây, nơi Trích Sài giáp Xuân La, cả hai đều là những làng cổ của Kẻ Bưởi.
Phủ thờ mẫu trong chùa Thiên Niên
Theo tấm bia trong chùa ghi lại, đời Hồng Đức (1470 - 1497) một cung nữ Champa do vua Lê Thánh Tông mang về từ phương Nam là Phạm Thị Ngọc Đô đã cùng 24 thị tỳ rời kinh thành ra sống ở ven Hồ Tây. Vua ban cho họ 80 mẫu đất thôn Trích Sài để lập trang Thiên Niên, ý muốn được bền vững lâu dài. Tương truyền các bà đã dựng chùa và miếu ở đây, lại truyền nghề dệt lĩnh và dạy cách trồng dâu, nuôi tằm cho dân.
Đến đời Minh Mạng (1820 - 1841) ngôi chùa tại trang Thiên Niên được xây lại và mang tên Thiên Niên cổ tự. Từ năm 1893 trở đi chính thức có sư trụ trì. Trong chùa hiện còn một tấm bia đá ghi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ năm (1709) là minh chứng xưa nhất cho thấy chùa ít ra cũng đã tồn tại qua hơn ba thế kỷ từ thời Lê trung hưng đến bây giờ.
Đầu thế kỷ 21, chùa Thiên Niên tổ chức trùng tu nhân dịp chuẩn bị Đại lễ mừng sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếp theo, sư trụ trì đã cho sửa hướng và sắp xếp lại vị trí các công trình trong khuôn viên. Cổng tam quan mới khá đồ sộ và mở về hướng Tây ra vỉa hè đường Lạc Long Quân, thuận tiện cho du khách tới thăm. Qua cổng tam quan mới, bước vào một sân dài chạy thẳng về hướng Đông, bên trái là khu vườn thứ hai. Bên phải cổng có phủ thờ Mẫu mới xây, gồm hai tòa nhà 5 gian 2 dĩ nằm song song với nhau thành hình chữ “Nhị”. Trước mặt phủ là một sân rộng áp vào nhà hậu cung sâu 3 gian của tòa tam bảo.
Tòa Tam bảo của chùa nhìn qua một sân nhỏ và vườn cây thẳng ra hồ Tây. Bên trái tiền đường là một sân nhỏ khác và toà nhà Tổ 5 gian, vẫn quay mặt về hướng nam như cũ. Sau lưng nhà Tổ có một khu vườn với 8 ngôi tháp mộ của các sư Tổ (trùng hợp với tên Bát Tháp).
Chùa Thiên Niên hiện lưu giữ 34 pho tượng tròn, ghi niên đại từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Lại có một nguồn tư liệu quý bao gồm 7 bia đá, tấm cổ nhất được dựng vào năm 1709. Một tấm bia do nhà sư Phan Văn Tựu soạn khắc vào năm 1901 cho biết vào cuối đời Lê, có quan Thái bảo Đà Quốc công Mạc Ngọc Liễn đã giúp tu sửa lại chùa và cúng ruộng hậu; trong nhà Tổ, ở ban thờ bên trái có tượng của ông.
Ngày mồng 5 tháng Giêng hằng năm, dân làng Trích Sài lại tổ chức tế lễ tưởng niệm bà Tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô, dù nay không còn ai nối nghề dệt tay. Trang ấp nay đã thành phố xá nhưng bóng chùa Thiên Niên vẫn nhắc nhở chúng ta nhớ về truyền thống văn hóa phong phú xưa kia của một vùng ven Hồ Tây. Chùa Thiên Niên được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích văn hóa quốc gia năm 1992.
Nhật Minh
Gửi bình luận