Chó trong thành ngữ dân gian
Năm 2018, theo âm lịch (lịch can chi) là năm Mậu Tuất. Năm Tuất lấy Chó làm tượng trưng. Chó là con vật quen thuộc trong đời sống dân gian. Đó là một loại gia súc thuộc nhóm ăn thịt, thường nuôi để giữ nhà hay sử dụng khi đi săn. Trong kho tàng văn học dân gian, có rất nhiều thành ngữ, tục ngữ liên quan tới loài chó: chó ăn đá gà ăn sỏi, chó cắn áo rách, chó cậy gần nhà, chó chê mèo lắm lông, chó đen giữ mực, chó mái chim mồi, chó nằm gầm chạn... Nhân dịp năm mới, ta thử bàn về mấy thành ngữ được coi là “có vấn đề” nhé.
Chó đen giữ mực
Chắc có người thắc mắc, tại sao lại có chuyện chó lại đi “giữ mực” ở đây? Chó nuôi để canh cửa giữ nhà, không cho người lạ hay kẻ gian đột nhập. Giữ nhà tức là canh giữ toàn bộ khu vực địa giới của một gia đình nào đó, thường là nhà cửa, vườn tược mà ở đó có đồ đạc, tài sản, cây cối của gia chủ. Mực là chất có màu hòa tan trong nước dùng để viết, vẽ hoặc in ấn. Các em đi học thường quen thuộc với màu mực tím. Các thầy cô giáo chấm bài thường dùng màu mực đỏ. Còn các cụ đồ Nho thường dùng mực Tàu để viết câu đối (trên giấy đỏ) khi Tết đến Xuân về. Vậy chó đen giữ mực có phải giữ thứ mực kia không?
“Mực” trong câu thành ngữ này chính là mực Tàu, mực đen nhánh dùng để viết chữ Hán nói chung. Người ta dùng bút lông, chấm mực này rồi viết trên giấy dó, giấy bản, giấy hồng điều, trên lụa... Màu đen là màu duy nhất, màu đặc trưng của loại mực chuyên dụng này. Từ “mực” từ đó mà thay đổi, có nghĩa là “màu đen”. “Chó đen”, người Việt ta thường gọi là “chó mực” (như “gà đen” gọi là “gà ác”, “ngựa đen” gọi là “ngựa ô”...). “Chó đen giữ mực” ở đây chỉ là lối nói chơi chữ, rằng đã là “chó đã đen thì lúc nào cũng phải đen”. “Giữ mực” chính là “giữ lấy cái căn cốt, cái riêng biệt về màu sắc” của loại chó này. Giống như “mèo vẫn hoàn mèo”, chó đen rút cục vẫn là chó đen (chó mực) như cái bản chất vốn có của nó. Ta thường nghe nói: “Cái bọn cường hào ác bá ấy, đừng hi vọng chúng thay đổi cái nết “chó đen giữ mực”. Cứ phải đánh đổ chúng thì cuộc sống dân ta mới khác được” (Tổng tập văn học Việt Nam, tập 30A); “Thôi được, mày đã chó đen giữ mực như vậy thì ông cho mày miếng đất bìa làng, vợ chồng đem nhau ra đấy mà ở” (Nguyễn Kiên).
Thành ngữ này như vậy là được dùng với nghĩa tiêu cực, chỉ cái tính cố hữu, không thay đổi bản chất của ai đó, trong mọi trường hợp đều như thế.
Chó cắn áo rách
Câu thành ngữ này làm cho ta hình dung ra một tình cảnh thật đáng thương. Có ai đó đang trong bộ đồ rách rưới, khổ sở thì bất đồ bị con chó (hoặc bầy chó) nào đó xông tới cắn cho tiếp tục tả tơi. Ví dụ: “Cả ngày bán rau, dành dụm được mấy đồng bạc lẻ, bà Hơn khấp khởi mang về định mai nộp tiền cho con thì bị thế nào lội qua mương để trôi mất túi. Thật là “chó cắn áo rách” (Báo Gia Đình Việt Nam).
Thành ngữ “chó cắn áo rách”, dùng để ví tình trạng của ai đó đã nghèo khổ, cùng cực lại tiếp tục bị mất của, bị thiệt hại. Thật là họa vô đơn chí. (Tai họa không chỉ đến một lần mà đến dồn dập, hai ba lần nữa). Tình cảnh này bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian, lưu truyền khá rộng rãi ở vùng Phù Lưu Tế, Nam Định.
Truyện kể về hai cha con họ Đoàn làm nghề phó cối. Đây là nghề đóng cối xay đất - một dụng cụ cho các gia đình nông thôn xay lúa (sau đó cho cối giã thành gạo để nấu cơm). Bố con ông Đoàn Tiến trong một ngày làm việc cật lực ở thôn nọ thì trời đã sẩm tối. Đêm xuống, thời tiết vào Đông mưa lạnh, họ phải về nhà gấp. Ông Tiến và con chỉ có một chiếc áo tơi che chung. Song mưa to quá, họ đành tạm trú vào một cái lều bên đường. Loay hoay thế nào gió to thổi bay chiếc áo tơi rồi dạt vào cổng một nhà gần đó. Lũ chó nhà này rất hung dữ. Chúng xông ra và cắn nát chiếc áo mưa của hai bố con. Tội nghiệp, mất áo che mưa và cũng là áo che thân cho khỏi rét, ông Đoàn Tiến cùng cậu con trai nhỏ, rét run rồi lủi thủi đi về trong mưa lạnh. Câu thành ngữ tuy ngắn gọn nhưng làm cho ta hiểu và cảm thông cho những tình cảnh éo le ở đời của những người nghèo khó, vất vả.
Chó mái chim mồi
Không hiểu sao, thành ngữ “chó mái chim mồi” lại dùng để chỉ những kẻ trước đây chuyên làm mật thám, chỉ điểm, tay sai cho kẻ địch làm hại nhân dân.
Trước hết, ta hãy xem xét nghĩa đen của hai từ này. “Chim mồi” là một loại chim mà người ta thuần dưỡng để làm mồi nhử chim khác mắc bẫy. “Cò mồi” cũng là một loại như vậy. Nhưng “chó mái” là gì? “Mái” trong tiếng Việt thường dùng để chỉ một số con vật giống cái, như gà mái, chim bồ câu mái, con ngan mái... Không ai dùng chó mái để chỉ chó cái. Phải chăng đó là cách đọc biến âm của “chó má”, vốn là một từ chỉ chó nói chung? Nhưng như thế, từ này đặt cạnh “chim mồi” (chỉ một loại chim cụ thể) lại không chỉnh về cấu trúc (một từ có nghĩa khái quát, một từ có nghĩa cụ thể) . Theo một số nhà nghiên cứu, đây là sự đọc trệch âm của “chó máy chim mồi”. Với cách cắt nghĩa “máy là động từ chỉ hành động ai đó ra hiệu cho kẻ khác làm điều gì đó theo ý mình”, như máy nhau trốn học đi chơi, máy mắt làm hiệu, máy cho bọn trẻ tìm đường rút lui,... Ở một số địa phương, “chó máy” chính là loại chó dùng để đánh hơi, chỉ điểm cho chủ đi săn thú, tìm kẻ gian hay trẻ lạc. Chó máy đồng nghĩa với chó săn. Chính vì vậy mà câu này còn có biến thể khác là “chó săn chim mồi”. Nhưng nghe “chó mái chim mồi”, ta vẫn cảm nhận một sắc thái riêng biệt, vì nó là lạ, nghe có vẻ “vô lí”. Nhưng chính cái lạ đó lại làm nên sự hấp dẫn riêng của câu thành ngữ này. Có lẽ hành động của những kẻ bán nước hại dân, chuyên làm tay sai cho thực dân, đế quốc cũng giống như hành vi của lũ chó máy, chim mồi và dân gian đã tận dụng nét nghĩa này để “cấp” cho câu thành ngữ trên. n
PGS. TS PHẠM VĂN TÌNH
Gửi bình luận