Chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực
15 năm xây dựng và trưởng thành, nhưng Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế xứng đáng là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ ngành Du lịch miền Trung - Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh với BGH và Giáo viên nhà trường
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực
Từ buổi sơ khai năm 2000, trường đi vào hoạt động và tuyển sinh đào tạo khóa đầu tiên với 200 học sinh Trung cấp có 3 nghề Lễ tân khách sạn, Dịch vụ Nhà hàng, Chế biến món ăn và 150 học sinh hệ sơ cấp nghề với 4 nghề Lễ tân khách sạn, Dịch vụ Nhà hàng, Chế biến món ăn, Phục vụ Buồng. Cuối năm 2007, Trường trở thành Trường Cao đẳng nghề và năm 2008 bắt đầu tuyển sinh đào tạo 5 nghề ở trình độ Cao đẳng nghề: Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Chế biến món ăn, Quản trị lữ hành, Hướng dẫn du lịch. Năm 2014, Trường đã mở rộng thêm 4 nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng nâng số tổng số nghề đào tạo lên 24 nghề ở cả ba cấp trình độ đào tạo. Ngoài ra, nhà trường xây dựng các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo nhu cầu và đơn đặt hàng của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, dự án trong và ngoài nước.
Nhà trường tập trung chất lượng đào tạo, đến nay, sau 15 năm tổ chức đào tạo, nhà trường đã có hơn 6.568 học sinh, sinh viên tốt nghiệp và hơn 9.658 học viên theo các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn. Các thí sinh của nhà trường tham dự các kỳ thi tay nghề quốc gia, hội thi nghề nghiệp các cấp đã đạt giải cao. Trong đó có 2 thí sinh đạt chứng chỉ tay nghề xuất sắc ASEAN, 04 thí sinh đạt giải Nhì, 6 thí sinh đạt giải Ba và 8 thí sinh đạt giải Khuyến khích ở cấp quốc gia và cấp bộ.
Các khách sạn, doanh nghiệp và các Sở VHTTDL trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kom Tum xem nhà trường là địa chỉ đào tạo tin cậy trong việc ký các hợp đồng đào tạo mới và đào tạo lại nhân viên; tổ chức thẩm định tay nghề cho người lao động hằng năm từ 100 đến 150 người.
Hội thi tay nghề của SV nhà trường năm 2015
Xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất
Từ buổi sơ khai, vào cuối năm 1999 với 6 cán bộ quản lý và 12 giáo viên được tuyển chọn ban đầu thì đến nay số lượng cán bộ công nhân viên của trường lên đến 169 người. 100% giáo viên dạy nghề của trường có chứng chỉ sư phạm dạy nghề và với 24 giáo viên có trình độ thạc sĩ trong nước và 6 giáo viên trình độ thạc sĩ nước ngoài và 2 giáo viên đang làm nghiên cứu sinh. Có 14 giáo viên được đạo tạo nghiệp vụ 1 năm tại Luxembourg; 12 giáo viên có chứng chỉ City&Guilds bậc 1 và 2; 2 giáo viên được công nhận là đào tạo viên chính nghiệp vụ Buồng và Kỹ thuật chế biến món ăn và 2 thẩm định viên nghề Dịch vụ nhà hàng ở cấp độ ASEAN; 28 giáo viên là đào tạo viên của dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam do EU tài trợ và được Hội đồng cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch Việt Nam (VTCB) công nhận trong đó có 5 giáo viên là thẩm định viên.
Cơ sở làm việc và dạy học ban đầu của nhà trường rất nhỏ tại khách sạn Thắng Lợi cũ trước đây. Nhờ có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ, sự đầu tư của Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Dạy nghề; sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan trung ương các sở ban ngành địa phương, các tổ chức quốc tế để đến ngày hôm nay nhà trường có được cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề tốt đáp ứng quy mô đào tạo bình quân 1.800 học sinh, sinh viên. Đặc biệt, sự tài trợ to lớn của Chính phủ Luxembourg với điểm nhấn là công trình trung tâm thực hành nghề khách sạn Villa Huế được mở rộng thành 32 phòng ngủ nhằm đáp ứng tốt hơn cho hoạt động đào tạo gắn với thực tiễn trong nhà trường. Đây có thể nói là cơ hội tốt cho học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên của trường được tiếp cận học tập, phục vụ trong môi trường khách thực.
Ngoài ra, Trường tiếp tục được Bộ VHTTDL đầu tư công trình “Trung tâm thực hành và thẩm định kỹ năng nghề” tại cơ sở 2 Nam Vỹ Dạ với số vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 65 tỷ đồng. Công trình đang xây dựng và dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2017. Trường cũng được Bộ cấp kinh phí xây dựng dự án tiền khả thi phát triển cơ sở 3 khoảng 20ha tại khu vực Động Sầm, Thị xã Hương Thủy nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai...
Đại sứ Mỹ tại VN tham gia nấu bún bò Huế
Mở rộng hợp tác quốc tế và gắn kết với doanh nghiệp du lịch
Trong suốt các năm học vừa qua, Trường đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến tham quan làm việc, trao đổi kinh nghiệm, hội thảo và ký kết hợp tác. Trường cũng đã vinh dự đón tiếp Đại công quốc Luxembourg, Chủ tịch vùng Poitour Charentes (Cộng hòa Pháp) đến ký kết hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế và tài trợ dự án Prodetour với sự hỗ trợ Trường thành lập một số nghề đào tạo mới về di sản du lịch. Ký kết hợp tác với nhiều trường đào tạo về Du lịch ở Luxembourg, Pháp và Vương quốc Bỉ. Đặc biệt nhà trường và Trường Đại học Ayutthaya, Thái Lan đã hợp tác trong đào tạo và tiến hành rà soát chương trình đào tạo để tiến đến thống nhất việc công nhận tín chỉ lẫn nhau, mở ra cơ hội tốt cho việc trao đổi sinh viên trong hoạt động đào tạo.
Cuối năm 2014 trong chuyến đến thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã đánh giá cao những nỗ lực dạy và học của BGH và tập thể giáo viên, sinh viên với những thành tựu cơ bản của nhà trường trong thời gian qua, xứng đáng là chiếc nôi đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch cho các tỉnh miền Trung Tây Nguyên. Trường được lựa chọn vào danh sách các trường tập trung đầu tư trở thành trường chất lượng cao đến năm 2020 theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ; là 1 trong 6 trường Cao đẳng nghề được lựa chọn xây dựng mô hình quản lý tiên tiến, đầu tư đồng bộ theo hướng tiếp cận chuẩn khu vực ASEAN và Quốc tế. Trường đã được Bộ VHTTDL phê duyệt đề án phát triển Trường giai đoạn 2014 đến 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo nhà trường trong thời gian sắp tới cần nỗ lực phấn đấu đạt được mục tiêu:
1. Trở thành cơ sở dạy nghề trình độ đại học, vừa nghiên cứu, vừa đào tạo theo hướng đa nghề, đa cấp, đa lĩnh vực, liên thông từ kỹ năng nghề đến đại học thực hành, đào tạo một số nghề đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế. Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo chất lượng cao.Trở thành cơ sở đào tạo nghề có uy tín đẳng cấp ở khu vực Đông Nam Á và thế giới; có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
2. Sứ mệnh của nhà trường là đóng góp vào sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao, tay nghề đạt chuẩn khu vực Đông Nam Á và quốc tế; nghiên cứu khoa học và cung cấp các dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu xã hội.
3. Tầm nhìn đến năm 2020, Trường trở thành cơ sở dạy nghề trình độ đại học, trung tâm nghiên cứu ứng dụng có uy tín trong khu vực Đông Nam Á về đào tạo kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ trong lĩnh vực du lịch.
Trường Cao đẳng nghề Du lịch Huế đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.Các cá nhân và tập thể được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ VHTTDL. Bộ LĐTB&XH, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng thưởng những phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng, Bằng khen của các Bộ, ngành, UBND, Huy chương vì sự nghiệp phát triển du lịch.
Diệu Vũ - Thúy Hiền
Gửi bình luận