Chào mừng Năm du lịch quốc gia Quảng Ninh 2018: Quảng Ninh một vùng văn hóa, lịch sử
Mùa Xuân là mùa lễ hội và du lịch văn hóa tâm linh, từ lâu đã là một nét đẹp truyền thống của cộng đồng người Việt. Khách từ Hà Nội về Quảng Ninh dọc theo đường 18 là dọc theo chiều dài của một vùng lịch sử và văn hóa rất đặc sắc ở vùng Ðông Bắc Tổ quốc.
Mùa Thu trên đỉnh Yên Tử
Ngay đầu tỉnh Quảng Ninh, phía tay trái đường đã là Khu di tích cách mạng chùa Bắc Mã, nơi thành lập chiến khu Trần Hưng Đạo, mà ta quen gọi là Đệ tứ chiến khu Đông Triều, từ tháng 6 năm 1945. Đội quân cách mạng của chiến khu này, do danh tướng Nguyễn Bình chỉ huy, đã cướp chính quyền ở tỉnh lị Quảng Yên, tỉnh Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) từ tháng 7 năm 1945, trước cả Lệnh Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh đến 18 ngày. Đi thêm vài cây số nữa là đến xã Thủy An, nơi có làng An Biên, tục gọi là làng Vẻn, quê hương của nữ tướng Lê Chân, thời Hai Bà Trưng, năm 39 - 43. Chính bà đã lập đồn phòng thủ tại vùng biển, khoảng 1900 năm sau được gọi là Hải Phòng. Nơi đây còn có chùa Ngọc Thanh. Khi Hồ Quý Ly soán quyền vương triều Trần, đã đưa vua Trần Thuận Tông về đây bắt phải tu theo đạo giáo, rồi lạ thay, bỏ đói cũng không chết, đánh thuốc độc vào thức ăn cũng không chết, Hồ Quý Ly buộc phải sai người đến thắt cổ, vua mới chết. Nhà Trần đã sụp đổ từ đây, cuối năm 1399.
Đại thi hào Nguyễn Trãi đã đến đây để lại một bài thơ hay là “Quán Ngọc Thanh”. Nguyễn Trãi có một chùm thơ đặc sắc viết về vùng đất sau này là tỉnh Quảng Ninh, mở đầu là bài này rồi mới đến bài thơ họa thơ Phạm Sư Mạnh ở núi Hang Son, thơ viết về chùa Yên Tử và vịnh Vân Đồn, nay là vịnh Hạ Long (có tên này từ năm 1883) và Bái Tử Long. Theo tôi, Nguyễn Trãi viết chùm thơ này khoảng từ năm 1440 đến 1442, khi đi kinh lí vùng biên cương mà ông được vua Lê Thái Tông phục chức cũ và giao thêm chức mới là Tổng quản đạo Đông và đạo Bắc, tức là vùng Hải Dương và Quảng Ninh bây giờ.
Đi tiếp về phía Đông khoảng 5km là cổng Khu Di tích Nhà Trần tại Đông Triều, ngay sát bên tay trái đường 18. Đường vào Khu di tích quốc gia đặc biệt này rất đẹp. Trước hết ở đây có am Ngọa Vân, núi Bảo Đài. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã tu chính là ở đây. Ngài có bài thơ “Núi Bảo Đài” rất hay, có câu (dịch): “Tay nâng ngang ngọn sáo / Ngực đẫm ánh trăng vàng”. Tại am Ngọa Vân, năm 1308, Phật Hoàng đã viên tịch.
Vì Thái Thượng hoàng nhà Trần tu ở Ngọa Vân, nên vua và các quan đầu triều thường đến thăm và hỏi Ngài về cách ứng xử những việc lớn của quốc gia lúc bấy giờ, thành ra vùng này như một vương triều thứ hai của nhà Trần ở phía Đông. Từ đó mà tên Đông Triều ra đời. Phạm Sư Mạnh nhà thơ lớn thời Trần thường tháp tùng “ Quan gia” (vua con đang ở ngôi) đến đây thăm cha và để lại cho di sản thi ca Việt Nam những bài thơ hay nhất trong sự nghiệp thi ca của ông.
Trẩy hội Yên Tử
Đất phát tích của vương triều Trần là ở Thái Bình. Các vua Trần băng hà cũng táng ở đây. Quân Chiêm Thành thường theo đường biển lẻn vào vùng duyên hải Thái Bình nhằm đào phá trộm các lăng tẩm của các vua Trần, nên Trần Nghệ Tông đã cho di dời nhiều mộ vua Trần từ Thái Bình về Đông Triều, đặt dưới vùng đất rất đẹp, phía Nam dưới chân núi Bảo Đài, phía gần đường 18. Từ đó, đây là quê hương thiêng liêng thứ 3 của nhà Trần, sau Nam Định và Thái Bình. Nơi này có Đền Sinh mới xây lại khoảng vài chục năm nay, thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, người có công lớn trong cả 3 lần phá tan quân Nguyên, đạo quân xâm lăng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Cùng với Hưng Đạo Đại Vương là tượng thờ các vua Trần. Hiện nay, khu di tích này đã được sửa sang rất trang nghiêm thành kính, xứng đáng với lòng tôn kính của các thế hệ người Việt đối với triều đại hiển hách bậc nhất trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam.
Từ Đông Triều đi về phía Đông 10km, là mỏ Mạo Khê, nơi Chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh được thành lập từ năm 1929. Đồng chí Hạ Bá Cang ( Hoàng Quốc Việt) đã về làm công nhân, vô sản hóa ở đây. Các đồng chí lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ là Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Đức Cảnh cũng thường qua đây để chỉ đạo phong trào công nhân mỏ. Liền với Mạo Khê là Tràng Bạch, nơi hòn than đầu tiên được người đi rừng bất ngờ phát hiện, khi kê một cái nồi nấu ăn trưa trên 3 hòn đá đen và hòn đá bất ngờ bốc cháy đỏ rực. Tổng đốc Tôn Thất Bật báo cáo về kinh thành Huế, và đầu tháng 1 năm 1840, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã ban một đạo sắc cho phép trấn Hải Yên (tức tỉnh Quảng Ninh ngày nay) được thuê dân khai thác than đá. Ngành than và người công nhân mỏ Việt Nam đầu tiên, đã ra đời từ đây, từ cánh rừng này, cách đường 18 khoảng hơn 1km về phía tay trái. Không biết từ bao giờ, nơi tìm thấy hòn than đầu tiên ấy, người dân mỏ đã dựng một cái miếu để thờ cúng. Cái miếu ấy đã được công nhận là di tích lịch sử và văn hóa cấp tỉnh.
Từ đây đi tiếp về phía Đông khoảng 7km là chùa Hang Son, TP Uông Bí, nơi có bài thơ kiệt xuất của Phạm Sư Mạnh, đời Trần và bài thơ họa rất xuất sắc của Nguyễn Trãi, đời Lê. Đi khoảng 7km nữa là chùa Ba Vàng và chùa Trình. Chùa Ba Vàng gần đường, phía tay trái, xây mới khoảng hơn 10 năm nay trên phế tích của chùa cũ, quy mô và sự hoành tráng có lẽ vào loại nhất vùng Đông Bắc. Và chùa Trình, ngay sát đường, nơi đặt Trụ sở của Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh, ngôi chùa đầu tiên của cả hệ thống chùa, thuộc Khu danh thắng nổi tiếng Yên Tử - di tích quốc gia đặc biệt từ nhiều năm nay, cùng với vịnh Hạ Long và trận địa cọc Bạch Đằng.
Bạn chắc đã từng đến Yên Tử. Ở đây có một pho tượng thiên tạo trông rất giống một nhà sư, mà truyền thuyết nói đó là Yên Kỳ Sinh, một nhà sư và cũng là một thầy thuốc, được Tần Thủy Hoàng phái về phương Nam tìm thuốc trường sinh bất tử cho mình. Ông đến đây thì biết tin Tần Thủy Hoàng đã mất, và ít lâu sau, Tần Nhị Thế, con Thủy Hoàng cũng qua đời, nhà Tần sụp đổ, nên ông ở lại đây luôn và sau đó chết hóa thành đá, một tảng đá đứng nguyên khối giống người tu hành đến kì lạ. Dãy núi linh thiêng này từ đó mang tên ông. Tôi có đọc một cuốn sách Trung Hoa chép về việc này, nhưng ghi ông về Bột Hải, vùng biển có nhiều tiên, vì ông theo đạo Lão, tu tiên, để tìm thuốc trường sinh, chỉ đạo Tiên mới có, và chết trên biển ở Trung Hoa vào cuối Tần đầu Hán. Bây giờ, gần tượng thiên tạo Yên Kỳ Sinh là tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông hùng vĩ, ngự trên tòa sen, mới dựng khoảng chục năm nay. Đây có lẽ là bức tượng về Ngài đẹp nhất, lớn nhất Việt Nam, đặt ở vị trí linh thiêng nhất của dãy núi Yên Tử, trên đường lên đỉnh cao nhất là chùa Đồng, cao hơn 1000m. Truyền thuyết nói rằng, chuông (chiêng) ở chùa Đồng rất thiêng, chỉ đánh 3 tiếng là tiết trời thay đổi. Tôi đã 1 lần mạo muội làm việc đó, sau khi thắp hương và xin phép các Ngài, thường thì người canh chùa không cho phép du khách tự làm. Quả thực sau đó chừng 10 phút, một cơn mưa ào tới và gió Đông Bắc nổi lên ào ào. Chỉ chừng 3 phút rồi thôi, sắc trời lại mơ hồ xanh như cũ. Tôi ghi lại điều này là rất thực, và không bình luận gì thêm. Khoảng 20 năm lại đây, Công ty Tùng Lâm đảm nhận việc tu sửa và nâng cấp các cảnh quan của dãy chùa này, trên cơ sở tôn trọng tối đa môi trường của cánh rừng thiêng, đã dựng lên 2 hệ thống cáp treo phục vụ du khách lên xuống dễ dàng và xây dựng tôn tạo đường đi, các cảnh quan, xây Cung Trúc Lâm, vườn thuốc Nam, nhà nghỉ dưỡng và các công trình kiến trúc khác, hiện đại nhưng vẫn cổ kính, đậm bản sắc Việt Nam, làm cho danh thắng Yên Tử có tầm vóc của một khu danh thắng quốc tế.
Từ đường vào Yên Tử đi về phía Đông 10km, rẽ phải 10km nữa là đến trận địa Cọc Bạch Đằng, ở thị xã Quảng Yên, nơi đánh chìm hàng trăm chiến thuyền quân Nguyên, năm 1288, kết thúc cuộc kháng chiến chống xâm lăng vĩ đại của dân tộc, giữ vững nền hòa bình muôn đời sau cho nước Đại Việt. Ở đây có đền thờ Trần Hưng Đạo, có miếu Vua Bà, vua là do nhân dân phong cho bà hàng nước, theo truyền thuyết, đã mách cho Hưng Đạo Vương ngày giờ lên xuống của con nước triều, để Ngài bày trận địa cọc và tính giờ khai hỏa cho cuộc phản công.
Qua cầu sông Chanh sang bên Hà Nam (Nam sông Bạch Đằng), là vùng quê có nhiều nét văn hóa rất đặc sắc, đặc biệt có Lễ Rước Người thượng thọ 80, 90 tuổi, sáng ngày mồng 7 Tết, ra đình Tổng của các xã, để thắp hương lễ Tổ tiên, những vị tiền bối thiêng liêng từ vùng Thăng Long, về đây đã trên 600 năm, đắp đê lấn biển lập làng xã.
Xuôi về TP Hạ Long, là vịnh Hạ Long, “Kỳ quan đất dựng giữa trời cao”(câu thơ dịch của Nguyễn Trãi), nơi du khách quốc tế đến thăm ngày càng đông. Ngày 3/1 vừa qua, mở đầu năm du lịch 2018, tàu Saigontourist, mang theo 1879 du khách Trung Quốc đã đến TP Hạ Long. Ở đây có vòng quay mặt trời lớn nhất Đông Nam Á, có khu giải trí cao cấp, có nhiều khách sạn 5 sao, đẳng cấp quốc tế để phục vụ các yêu cầu của khách. Một TP du lịch sôi động, sang trọng, mới mẻ từng ngày, làm hài lòng và ngạc nhiên ngay cả các du khách từng qua lại Hạ Long.
Bên bờ di sản thế giới, TP Hạ Long phần phía Đông, có núi Bài Thơ rất nổi tiếng. Năm 1930, cờ Đảng đã được cắm ở vách núi này, báo hiệu một kỷ nguyên mới đã ra đời. Ở đây, vách đá chân núi phía Đông, có bài thơ cổ của vua Lê Thánh Tông, được khắc vào vách đá núi, tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (tháng 3/1468). Một ngôi đền nhỏ vừa mới được dựng lên, sắp khánh thành, để bảo vệ và tôn vinh bài thơ bất hủ này. Và tại gò đất chân núi Tây Nam, phía bên kia, là Khu Văn hóa Núi Bài Thơ, xây dựng chủ yếu bằng tiền xã hội hóa, khánh thành dịp kỉ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (2013), có điện thờ vua Lê Thánh Tông và 2 vị quan đứng đầu văn võ, từng giúp vua Lê dựng đời thịnh trị thái bình là Thân Nhân Trung và Nguyễn Đức Trung. Thân Nhân Trung là tác giả câu văn bia nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, Nguyễn Đức Trung là Điện tiền chỉ huy sứ, chức vụ tương đương như Trần Thủ Độ ở thời Trần, từng được vua cử về trấn An Bang (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) đánh thắng giặc khi chúng tràn vào, sau đó được vua Lê Thánh Tông phong cho làm Tổng trấn An Bang.
Đi về phía Đông non 30km là TP mỏ Cẩm Phả, quê hương cuộc đình công vĩ đại của hàng vạn thợ mỏ năm 1936, mà khẩu hiệu của cuộc đình công đó: “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta sẽ thắng” còn có ý nghĩa thời sự đến tận bây giờ. Du khách đến thăm đền Cửa Ông, một di tích vừa được công nhận cấp đặc biệt của quốc gia. Theo bia đá còn lại, khắc sau năm 1853 ở thời Nguyễn, thì ngôi đền này xây lên chỉ để thờ có 1 người là Hoàng Cần, một danh tướng của địa phương, có công đánh giặc cướp ở thời Trần. Khoảng đầu thế kỷ XX, đền được đưa từ dưới thấp lên cao ở vị trí hiện nay, thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, sau khi anh của Ngài là Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn (hai con trai của Trần Hưng Đạo, có công theo cha đánh giặc Nguyên ở mặt trận trung tâm, từ Thăng Long lên Lạng Sơn, bảo vệ kinh thành của vương triều), được chủ Hội thuyền người Bắc Ninh đưa lên thờ ở Bến Đoan, lúc ấy còn ở trên biển, nay ở trung tâm TP Hạ Long, năm 1913. Năm 1994, đền Cửa Ông được trùng tu, có một gian thờ cả gia đình Trần Hưng Đạo và các môn khách nổi tiếng của Ngài. Đây là một điều rất đặc biệt, không nơi nào có. Gần đây, ngôi đền này đưa lại Hoàng Cần vào thờ, làm cho di tích trở về đúng với nguyên bản của nó, có chiều sâu hơn của lịch sử. Ngôi đến ngày càng rộng lớn, khang trang, có tầm vóc và quy mô xứng với lòng ngưỡng mộ của người dân, không chỉ ở địa phương.
Từ Cẩm Phả qua cầu Vân Đồn khoảng hơn 10km là đến thị trấn Cái Rồng, trung tâm huyện Vân Đồn mà trước đây gọi là huyện Cẩm Phả. Ở đây có chùa Cái Bầu, Thiền viện Trúc Lâm. Một vùng non nước thật tuyệt mĩ.
Đi về miền Đông, qua đền thờ Miếu Ông, Miếu Bà ở huyện Tiên Yên, du khách đến với TP Móng Cái, nơi có đền Xã Tắc tại biên giới Việt - Trung mới dựng lại khoảng hơn 20 năm nay, trên phế tích cũ, thăm Đình Trà Cổ, ngôi đền cổ rất đẹp, trầm tĩnh và trang nghiêm, dựng thời vua Lê Thánh Tông, một kiến trúc thuần Việt. Đây chính là cột mốc biên giới muôn đời về văn hóa và tinh thần của nước Đại Việt: “Trời Nam muôn thuở non sông vững /Yển vũ, tu văn, dựng nước này” (câu thơ dịch thơ Lê Thánh Tông, khắc vào núi Bài Thơ năm 1468).
Như vậy, chỉ dọc theo một tuyến đường ở một tỉnh, chúng ta đã đi suốt chiều dài của lịch sử đất nước 2000 năm, từ thời Hai Bà Trưng đến nay, trong đó các giá trị lịch sử và cách mạng đan xen nhau, tạo thành một truyền thống vô cùng hài hòa, tốt đẹp, hàm chứa những bài học muôn thưở sâu sắc về nhân nghĩa và đạo lý Việt Nam. Đó chính là sức mạnh để chúng ta từng đánh thắng giặc ngoại xâm và ngày nay, xây dựng một nước Việt Nam mới, giàu mạnh và văn minh.
TRẦN NHUẬN MINH
Gửi bình luận