Câu chuyện dài về nước mắm Phan Thiết - Kỳ 3: Nhà hát “Huyền thoại Làng Chài”
>>Kỳ 1: Tiến sĩ bên Tây về ta làm nước mắm
>>Kỳ 2: Kỳ 2: Kỳ thú thăm Bảo tàng nước mắm Làng Chài Xưa
Câu chuyện dài về nước mắm Phan Thiết - Kỳ 3: Nhà hát “Huyền thoại Làng Chài”
Với dải bờ biển dài 192km, lâu nay Bình Thuận - tỉnh cực Nam Trung bộ với thành phố nước mắm Phan Thiết, cách Tp. Hồ Chí Minh 200km về phía Bắc, vẫn tự hào là "vương quốc resort" của cả nước. Ngoài cát vàng biển xanh và nhiều loại hải sản tươi ngon từ ngư trường rộng lớn, Bình Thuận còn có những điểm nhấn tham quan đáng kể như Tháp nước kiến trúc đẹp cao 32m do Hoàng thân Lào Xuvanuvông thiết kế; Bộ xương cá voi dài 22m trưng bày ở dinh Vạn Thủy Tú; Ngọn hải đăng Kê Gà bằng đá cao 100m; Tượng Phật nằm dài 49m trên núi Tà Cú soi bóng xuống biển Hàm Thuận Nam; Bãi đá Cổ Thạch nhiều hình hài màu sắc; là tỉnh có hơn 3 vạn hecta thanh long, hơn 100 lễ hội văn hóa dân gian...
Nhà hát Huyền thoại Làng Chài (Fishermen Show) ra đời chỉ để phục vụ một vở diễn duy nhất, mỗi tuần sân khấu sáng đèn bốn lần
Tuy nhiên, khoảng 5 triệu du khách đến Bình Thuận mỗi năm, đêm về hầu như không có gì giải trí đáng kể, cho tới khi nhà hát Huyền thoại Làng Chài (Fishermen Show) ra đời. Không khỏi bất ngờ khi được biết đây là nhà hát đầu tiên tại Việt Nam được xây dựng chỉ để phục vụ một vở diễn duy nhất, mỗi tuần sân khấu sáng đèn bốn lần.
Với Fishermen Show, Lễ hội truyền thống Nghinh Ông Nam Hải của vạn chài Thủy Tú đã được sân khấu hóa đầy ấn tượng. Nội dung show diễn đề cao sự cần cù hăng say lao động, dũng cảm đối mặt với phong ba bão táp của những người dân chài bền bỉ chinh phục biển cả, tình yêu đôi lứa mãnh liệt, vẻ đẹp giản dị của nền văn hóa đa sắc tộc, và nỗi khát khao mưu cầu hạnh phúc của ngư dân. Để khán giả tiện theo dõi, dưới chân sân khấu có phụ đề bằng các thứ tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung.
Sự hấp dẫn, cuốn hút của Fishermen Show được tạo nên bởi tài năng của ekip đạo diễn, biên kịch, biên đạo múa. Họ nắm bắt, dàn dựng, phô bày được vẻ sinh động, quyến rũ của đời sống cư dân ven biển, thể hiện bởi dàn diễn viên trẻ đẹp trên sân khấu nhạc nước hiện đại, được lập trình tái tạo cảnh biển cả và làng chài với hàng trăm ống phun nước kỹ thuật số công nghệ 2D và 3D. Hàng nghìn bóng đèn LED 256 màu không ngừng tạo hiệu ứng ánh sáng, đồng bộ cùng hệ thống âm thanh khi chơi vơi huyền ảo, khi dữ dội thét gào, khi ngọt ngào òa vỡ. Cảnh nông dân về làng trên chiếc cộ bò, có đôi bò thật vạm vỡ kéo ngang khán phòng, khiến khán giả thích thú về sự đan xen hài hòa giữa mộng và thực.
Biết bao mồ hôi của các vũ công, dân chài, các nghệ nhân dệt, gốm, trống, kèn đã thấm vào sàn sân khấu
Anh Trần Ngọc Dũng cho biết, từ lâu đã ấp ủ mơ ước giới thiệu được vẻ đẹp của sự giao thoa văn hóa giữa các Làng Chài và Làng Chăm. Sau nhiều năm học hành, đến nhiều nước, tận mắt xem các show diễn văn hóa rất ấn tượng, vừa tốt cho du lịch, vừa gìn giữ trân trọng giá trị văn hóa địa phương, anh quyết tâm quay về đầu tư nhà hát Fishermen Show cho quê mình.
Như một cái duyên, khi anh gặp biên đạo múa Trần Ly Ly - “con nhà nòi nghệ thuật” cũng đã từng tu nghiệp ở Úc và Pháp, đồng cảm trong từng góc nhìn, lại may mắn vì Bình Thuận sẵn có một lớp vũ công đương đại chuyên nghiệp đã tốt nghiệp trường múa chính quy tại Tp. Hồ Chí Minh. Họ đã bỏ ra gần 1 năm ròng để kết hợp nhuần nhuyễn các huyền thoại về làng chài Phan Thiết với ý tưởng dàn dựng, xây dựng nhà hát, các kỹ thuật của sân khấu như nước, giàn đu bay, cát bay, mua bò, chăm bò, luyện bò… Biết bao mồ hôi của các vũ công, dân chài, các nghệ nhân dệt, gốm, trống, kèn đã thấm vào sàn sân khấu...
Fishermen Show là nhà hát lớn 1.200 ghế, đúng chuẩn phục vụ du lịch đầu tiên tại Việt Nam với các yếu tố: Sân khấu cố định với các kỹ thuật, kỹ xảo dành riêng cho vở diễn; diễn thường xuyên hàng tuần tại “thủ đô resort” Mũi Né. Một số du khách các nước nhận xét: Fishermen Show không hề thua kém các show trong khu vực như Angkor Smile, Siam Pyramid, hay các show văn hóa ở châu Âu, Mỹ… Họ ngạc nhiên khi tại tỉnh nhỏ 1,2 triệu dân Bình Thuận, lại có nhà hát kết hợp được 3 trong 1: Độ tinh xảo của nghệ thuật kết hợp vũ đương đại chuyên nghiệp với hát sống, và nhạc cụ truyền thống; Độ sâu của bản sắc văn hóa địa phương thể hiện bởi diễn viên nghệ nhân toàn bộ là người bản địa; Độ “giải trí” với những kỹ thuật, kỹ xảo sân khấu khi kết hợp với cát, nước, âm thanh, ánh sáng, nghề thủ công, giàn đu bay… để đạt độ mãn nhãn, phấn khích cho khán thính giả.
Ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết: Dự án văn hóa Làng Chài Xưa tại Phan Thiết đi vào hoạt động đã tạo thêm sản phẩm du lịch có chiều sâu và là một trong những điểm nhấn góp phần quảng bá du lịch Bình Thuận.
Dự án vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa truyền thống, vừa khuyến khích các làng nghề phát triển; tạo không gian phù hợp cho giới trẻ vừa tham quan tìm hiểu, vừa học được nhiều điều bổ ích về những giá trị tốt đẹp của con người và làng nghề nơi đây.
Vinh Cường
(còn nữa)
Gửi bình luận