Cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu là cần thiết
Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đánh giá: Thời gian qua, các chương trình biểu diễn nghệ thuật còn có những bất cập từ phía những nhà tổ chức và người biểu diễn, như sử dụng trang phục, hóa trang không phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc, nghệ sĩ biểu diễn có những biểu hiện thiếu văn hóa; sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn… đã xảy ra, gây những bức xúc trong dư luận xã hội, tác động xấu đến thẩm mỹ nghệ thuật. Các trường hợp vi phạm được phát hiện, cơ bản đều được các cơ quan quản lý nhà nước xử lý nghiêm, tuy nhiên còn thiếu công cụ để kiểm soát, chủ động điều tiết đối với những người biểu diễn trực tiếp.
“Để nhà quản lý có công cụ quản lý các ca sĩ, người mẫu tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; để “vàng, thau không lẫn lộn” các ca sĩ, người mẫu thể hiện năng lực, cống hiến vì nghệ thuật, vì khán giả đã đến lúc, đã cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề cho ca sĩ, người mẫu, như là “giấy thông hành” để họ mang nghệ thuật đến với công chúng” - Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - Nguyễn Đăng Chương đã trình bày tóm tắt dự thảo Đề án cấp chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đề án đã nêu rõ tiêu chí để được cấp chứng chỉ hành nghề gồm: có tư cách đạo đức xuất hiện trước công chúng; có năng lực nghệ thuật để trình diễn trước công chúng; chưa từng bị thu hồi chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, đề án cũng chỉ ra quyền lợi và nghĩa vụ đối với người được cấp chứng chỉ hành nghề cũng như trình tự thủ tục, hồ sơ cấp chứng chỉ này.
NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với người mẫu, nghệ sĩ là cần thiết và đề án này thể hiện rõ là một công cụ quản lý đối với nghệ sĩ, người mẫu. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét, đánh giá cả trách nhiệm của người tổ chức sản xuất, giám đốc nghệ thuật của các chương trình chứ không chỉ xem xét đối với nghệ sĩ, người mẫu. “Đối tượng này có cấp chứng chỉ hành nghề hay không?”, NSND Trần Bình đặt vấn đề. Cũng về vấn đề, NSND Lê Ngọc Cường cho rằng, cần quản lý tốt người đứng đầu các cơ quan quản lý, đơn vị tổ chức chương trình, phạt nặng những bầu sô vi phạm, quản lý chặt người mẫu, ca sĩ tự do, vũ đoàn, các đơn vị nghệ thuật xã hội hoá, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu thì sẽ hạn chế được những sai phạm. Do đó, cần thiết phải cấp thẻ hành nghề cho cả những đối tượng này.
Cũng thống nhất quan điểm cần thiết phải cấp thẻ hành nghề, NSƯT Lê Chức nhấn mạnh, văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực tinh tế, đưa yếu tố chân, thiện, mỹ đến với công chúng, do vậy chứng chỉ hành nghề cũng chỉ là một việc làm để quản lý điều đó. Điều quan trọng những người làm công tác biểu diễn phải có ý thức cao hơn thì mới chuyển tải điều đó đến cho công chúng. NSƯT Lê Chức cũng cho rằng, chữ “nghệ sĩ” hiện nay đang bị hiểu quá rộng và bị lạm dụng, cứ bước lên sân khấu là được gọi là nghệ sĩ. Đó là điều chua xót!
Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc bổ sung: Chứng chỉ hành nghề nên có thời hạn, tính toán tiêu chí đối với các đối tượng cụ thể. Cấp chứng chỉ hành nghề cũng phải có mức phí nhất định, chứ không nên “miễn phí” như trong dự thảo đề án nêu. Bên cạnh đó, các trường hợp ca sỹ trẻ (dưới 18 tuổi), hát hay, chưa qua đào tạo trường lớp, nhưng khi đi biểu diễn cũng có cát-xê rất cao thì như thế nào, có quản lý đối tượng này hay không?
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn ghi nhận các ý kiến trao đổi, đóng góp của các đại biểu. Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo đề án cả về nội dung và hình thức, tiếp tục xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Gửi bình luận