Canh Phi
Con Phi - một loài nhuyễn thể có hình dáng thuôn dài, thuộc họ nhà Trai nước ngọt, ở Thanh Hóa rất nhiều, nhất là khoảng từ tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Con Phi mua về rửa sạch, có người đem luộc vừa đủ độ mở miệng thì bóc lấy ruột để riêng sau đó lọc nước và chế biến. Nhưng tôi thường thấy mẹ làm Phi khi còn sống, bà dùng mũi dao tách miệng Phi, lấy ruột để riêng và hứng nước ngọt từ con Phi gạn lọc lại để để nấu. Mẹ nói, Phi làm sống ăn sẽ giòn, ngọt hơn luộc chín, nhưng phải nhớ khi rửa ruột Phi phải nhẹ tay tránh làm vỡ “gạch” Phi trên đầu nó (có người tưởng lầm là bẩn mà nặn hết đi, ăn sẽ mất ngon). Làm xong Phi, gạn nước Phi vào nồi bắc lên bếp đun sôi, sau đó gia giảm mắm muối vừa miệng rồi mới thả ruột Phi vào cho sôi lên khoảng một phút là bắc ra, để sôi lâu quá ruột phi sẽ quắt lại ăn không ngon và dai. Trước khi bắc canh xuống, cho hành lá, mùi tàu (ngò gai) vào nồi canh, làm bốc mùi thơm dậy đất, chỉ cần ngửi thấy mùi thơm đó cái nóng trong người sẽ gần như tiêu tan hết. Canh để nguội, lúc gần ăn vắt chút chanh tươi vào vừa đủ chua, tôi dám chắc, ai một lần được thưởng thức sẽ nhớ mãi trong đời. Đó là nấu canh, con Phi còn được chế biến ra nhiều món ngon khác như Phi thuôn hành răm, món này dân nhậu uống cả ngày không say. Phi xào mướp, hành hoa, nấu canh rau vân vân, có đến hàng chục món, món nào cùng ngon, cũng mới lạ, hấp dẫn, ăn một lần nhớ đến ngàn năm.
Lại chuyện về con Phi. Ở Thanh Hóa khá nhiều nơi có con Phi, nhưng chỉ có một địa điểm sinh ra loài này đặc sắc nhất là khu vực Cầu Sài thuộc huyện Hậu Lộc. Chẳng hiểu có phải vùng cửa sông nước triều lên xuống hằng ngày ở khu vực này có mang theo chất vi lượng gì không mà con Phi ở đây vừa lớn, lại vừa trắng, giòn, ngọt không nơi nào sánh kịp. Phi Cầu Sài khi trước (lúc tôi khoảng 5 đến 6 tuổi), nhớ như in hình ảnh mấy mẹ, mấy chị thanh niên gánh toong teng đôi thùng gỗ, loại 20 lít đựng đầy ruột Phi trắng ngần, đem rao khắp phố, tiếng “ai...ơ..i...Phi” tôi thấy như vẫn còn lẫn khuất đâu đó trong thinh không. Khi có người mua, người bán Phi dùng cái bát sành nông lòng (lúc đó bát sứ của ta chưa được đẹp như bây giờ), đong cho người mua. Người mua, người bán nhẹ nhàng thanh thoát cười nói ra chiều thỏa mãn lắm, đâu có cái cảnh chọn lựa, nâng lên đặt xuống, cân điêu, đong thiếu như bây giờ. Lại trở về một chút quá khứ. Chả là con Phi Cầu Sài từng được dân gian gán cho cái tên nhưng xem ra cũng hợp lý vì loài thực phẩm này khá độc đáo, ngon bổ, lành, hấp dẫn người lớn trẻ con, đó là: “Phi tiến”, dân ta có quan niệm là, cái gì ngon đều được liệt vào dạng “tiến Vua”. Ở Thanh Hóa, tôi thấy có đến mấy loại sản vật được mang danh này đó là “Mía tiến”, thứ Mía thân đỏ thẫm hồi nhỏ tôi cũng từng được thưởng thức nó giòn, ngọt, mắt mía mềm, nhai xong bã vụn như thuốc lào, dân trong vùng còn gọi là mía thuốc. Mía đó ở vùng Kim Tân huyện Cẩm Thủy, đã lâu tôi không còn thấy nữa rồi. Rồi Cà Giáng, loại cà bát màu xanh cùi dày, mỗi quả to cỡ gần bát ăn cơm. Được người dân muối nén đá tảng đến khi chín cắt trái cà ra ăn với canh cua, trông lát cắt ngọt thấy cùi trái cà trông như miếng thạch trong suốt màu hổ phách, cắn vào giòn tan, đậm đà hương vị đồng quê. Loại cà này ở Làng Giáng, huyện Vĩnh Lộc cũng được gọi là “cà tiến”, nhưng đến nay cũng không thấy. Và còn nhiều, nhiều sản vật dân dã nhưng hấp dẫn khác được gán với cái tên “tiến” nằm trong dân chưa được khai thác để phục vụ sự hiếu kỳ và sành điệu của người muôn phương mỗi lần đến xứ Thanh. Riêng con Phi, tôi nghĩ nếu được tiến Vua thì quả là hãnh diện cho người xứ Thanh lắm, bởi có một món đặc sản tồn tại từ lâu lắm rồi mà đến nay vẫn nguyên giá trị.
Hè này mời bạn về quê Thanh để thưởng thức món canh Phi hấp dẫn như tôi vừa thuật ở trên.
Gửi bình luận