Cần có đồng phục cho Hướng dẫn viên?
Quy định đồng phục HDV là chủ trương đúng đắn và cần thiết
(Nguyễn Viết Linh - Giám đốc điều hành Công ty TNHH TM&DL Bạn Đồng Hành)
Dưới con mắt người làm du lịch, tôi thấy được lợi ích từ việc mặc trang phục thống nhất của hướng dẫn viên du lịch (HDV). Rõ ràng, đồng phục HDV giúp dễ kiểm soát đội ngũ này khi chưa có đủ lực lượng chức năng kiểm tra tại điểm tham quan với người không có thẻ hành nghề. Khách hàng cũng dễ nhận biết và hỏi thăm thông tin mình cần. Như HDV ở Cambodia, cũng mặc duy nhất áo hồng, họ có quy định HDV phải trả lời du khách một cách lịch sự khi được hỏi, dù không phải là HDV của khách đó, cứ mặc áo hồng loại đó là HDV.
HDV chính là người đại sứ đại diện cho đất nước và con người Việt Nam, là hình ảnh tiêu biểu của ngành Du lịch Việt Nam. Khi mặc áo và đeo thẻ theo quy định khiến cho hình ảnh Du lịch chuyên nghiệp của Việt Nam được nâng cao, du khách tin tưởng hơn để trao gửi lòng tin vào dịch vụ mang phong cách chuyên nghiệp và đến với chúng ta nhiều hơn. Hơn thế, HDV còn là người bảo vệ quyền lợi của khách hàng, thực hiện cam kết của công ty du lịch hay cơ sở lưu trú… đối với khách hàng. Khi mặc đồng phục, người HDV có thể xem như được TCDL bảo hộ để thực hiện nghề nghiệp, không phải lo không có người bảo hộ hay bị công ty yêu cầu làm trái với cam kết đã có. Mặt khác, HDV mặc đồng phục khi tác nghiệp sẽ được sự giúp đỡ của người dân địa phương, tránh bị tấn công bởi những người xấu; nếu vi phạm pháp luật trên tour cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện, bị tố cáo…
Du khách quốc tế tại Hà Nội - Ảnh: Minh Quân
Cần sự chung tay của các công ty lữ hành
(Nguyễn Tuấn Linh - Công ty TNHH Du lịch MrLinh’s Adventures)
Trước hết chúng tôi xin khẳng định, vai trò của người HDV trong việc trực tiếp quảng bá, giới thiệu về hình ảnh con người Việt Nam đến với du khách; đặc biệt là đối với du khách nước ngoài là không thể phủ nhận. Ấn tượng về hình ảnh “đại sứ” ấy được hình thành trong tâm tưởng của mỗi du khách, trước tiên là trang phục - đồng phục của họ.
Phải thừa nhận rằng ý tưởng đồng phục cho HDV là một ý tưởng rất hay và ý nghĩa. Đó tuy không phải là một ý tưởng mới, rất nhiều công ty lữ hành đã may đồng phục cho đội ngũ HDV của họ với màu sắc và logo của công ty in trên áo. Nhưng đối với đại đa số công ty lữ hành có quy mô nhỏ và vừa khác, đội ngũ HDV chính thức không nhiều; chủ yếu là thuê HDV tự do, việc đồng phục hóa cho HDV là khá khó thực hiện. Dẫu biết ý tưởng là rất hay, mục đích rất rõ ràng tuy nhiên để thực hiện được ý tưởng đó cần có sự ủng hộ của các công ty lữ hành và đặc biệt là toàn thể các bạn đồng nghiệp - HDVđang từng ngày, từng giờ thực hiện vai trò thiêng liêng của mình - đại sứ trực tiếp cho du lịch Việt Nam.
Về kiểu dáng và thiết kế của đồng phục HDV, theo tôi, nên có một thiết kế, kiểu dáng, màu sắc và in logo biểu tượng cho Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nên in thêm logo của mỗi công ty lữ hành mà HDV đó đang làm việc. Vì trang phục của HDV cũng là một kênh marketing hữu hiệu mà các công ty lữ hành đang sử dụng. Với cách này, sẽ hài hòa quyền lợi của tất cả các bên. Đồng phục đối với các HDV tự do nên là đồng phục chung và không có logo của công ty.
Nghề HDV du lịch rất khó để sử dụng đồng phục
(Th.s Đoàn Hương Lan - Giảng viên - Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội)
Đồng phục là quan trọng, là cần thiết và cũng phần nào thể hiện được văn hóa giao tiếp hay hình ảnh của một quốc gia, một doanh nghiệp và chắc chắn khi sử dụng đồng phục sẽ tạo được thiện cảm cho khách hàng. Đặc biệt là sự tin tưởng và có sự phân biệt rõ ràng với các đối tượng khác. Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng có thể sử dụng đồng phục được.
Nghề HDV du lịch rất khó để sử dụng đồng phục với những lý do dưới đây:
1. Nghề hướng dẫn viên có thời gian tiếp xúc và làm việc với khách hàng dài ( ít nhất 24h và có thể kéo dài đến cả tháng) và liên tục cho cùng một đối tượng ( nếu so sánh với các nghề khác hoàn toàn khác biệt). Trong suốt quá trình hướng dẫn, phục vụ khách, HDV cùng đoàn sẽ tiếp xúc lẫn nhau trong nhiều bối cảnh khác nhau. Lúc trên xe, lúc tại điểm tham quan, tại buổi giao lưu trong khán phòng, tại địa điểm ngoài trời hay thậm chí trên bãi biển, sông hồ...Cho nên, HDV cũng cần thay đổi trang phục của mình liên tục sao cho phù hợp với từng buổi tham quan hay từng nội dung của chương trình du lịch.
2. Phải làm việc và di chuyển liên tục với nhiều loại địa hình khác nhau: Ví dụ: HDV hướng dẫn cho 1 tour du lịch 3 ngày 2 đêm: Hà Nội – Hạ Long – Cát Bà. Theo chương trình này, HDV vừa phải di chuyển bằng ô tô, tàu thủy, địa hình vừa đi đường bộ, đường biển và leo rừng. Nếu HDV mặc đồng phục sẽ bị gò bó, không thoải mái để làm việc do nguyên nhân kiểu dáng hay chất liệu vải không phù hợp với thời tiết. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe của HDV trong quá trình làm việc.
3. Đồng phục chỉ làm tăng thêm chút ít thiện cảm của khách du lịch chứ không làm tăng chất lượng dịch vụ của chuyến đi. Thường khách đi du lịch với tâm lý thoải mái, phóng khoáng trong suy nghĩ và chi tiêu nên họ rất ít quan tâm đến trang phục của HDV bởi bản thân họ cũng ăn mặc khác cuộc sống thường nhật, trừ những trường hợp ăn mặc thực sự không phù hợp ( quá hở hang hoặc không phù hợp với địa hình di chuyển như mặc váy đi rừng, leo núi, trèo thác...). Cái mà khách du lịch thực sự quan tâm đến HDV chính là thái độ làm việc, trình độ chuyên môn của HDV trong suốt quá trình phục vụ khách.
4. Nếu doanh nghiệp thực sự muốn sử dụng đồng phục cho HDV chuyên nghiệp, chỉ phù hợp với buổi đón khách tại các điểm đón như sân bay, nhà ga, bến tàu thủy ( áo dài với khách nước ngoài (đối với nữ), áo thun đồng phục công ty Lữ hành cho khách nội địa). Tuy nhiên, có những trường hợp đón khách từ sân bay hay bến cảng, HDV lập tức đưa đoàn di chuyển tới các điểm tham quan xa thì sẽ không phù hợp cho việc sử dụng áo dài truyền thống với nữ (ví dụ: đón khách từ sân bay Nội Bài, HDV đưa khách xuống thẳng Hạ Long).
5. Đồng phục chỉ phù hợp cho thuyết minh viên tại điểm vì họ chỉ ở một chỗ, quãng thời gian làm việc ngắn (Lưu ý: Trong Luật Du lịch, thuyết minh viên là những người thuyết minh tại các điểm tham quan, bảo tàng, nhà trưng bày. Họ không được gọi là HDV).
6. Tôi tin rằng, HDV luôn biết cách trang phục sao cho phù hợp nhất với từng đối tượng khách, từng buổi tham quan hay từng chương trình trong mỗi tour du lịch. Họ luôn ý thức mình là người đại diện cho hình ảnh của đất nước, của doanh nghiệp hay của vùng miền, nên họ sẽ luôn sử dụng những trang phục đẹp, lịch sự và phù hợp với hoàn cảnh. Đồng phục dành cho HDV chuyên nghiệp thực sự không cần thiết.
Gửi bình luận