Cần có đồng phục cho Hướng dẫn viên
Thể hiện sự tôn trọng khách
(Nguyễn Thế Huệ - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký HHDL Quảng Ninh)
Hướng dẫn viên Du lịch (HDV) được coi là Đại sứ du lịch cho một quốc gia, đứng trước du khách để thể hiện phong cách con người và giới thiệu phong cảnh đất nước con người Việt Nam cho khách du lịch, nên việc trang bị đồng phục cho đội ngũ HDV rất cần thiết. Thực tế hiện nay HDV cũng đã được trang bị đồng phục, tuy nhiên chưa có sự thống nhất, mỗi công ty doanh nghiệp trang bị một kiểu, một màu sắc và kiểu dáng khác nhau, thể hiện tính địa phương, không mang tính chuyên nghiệp...
Đồng phục cho HDV nên quy định về màu sắc, kiểu dáng và mùa vụ; cần phải có những cuộc hội thảo bàn riêng về vấn đề đồng phục cho HDV. Tôi rất đồng tình với ý kiến của TS.Nguyễn Minh Phong rằng, đồng phục cho HDV và trang phục tiêu chuẩn của ngành Du lịch rất cần phải được lựa chọn qua các cuộc thi thiết kế toàn quốc một cách nghiêm túc với chất lượng chuyên môn cao.
Hiện nay, Ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, đang từng bước chuẩn hóa các quy định trong công tác đón tiếp và hướng dẫn cho khách du lịch. Ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ của HDV thì vấn đề hình thức cũng được cọi trọng, trong đó có ăn mặc là thể hiện sự tôn trọng khách. Để đảm bảo sự phát triển toàn diện và bền vững trước hết hãy ưu tiên cho củng cố đội ngũ HDV, trong đó rất cần có ngay đồng phục HDV.
Cần thiết vì sự chuyên nghiệp
(Trần Thị Việt Hương - Quyền Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty Du lịch Vietravel)
HDV là một bộ phận rất quan trọng của một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, sự chuyên nghiệp của HDV quyết định từ 40 - 60% tỷ lệ thành công của một chương trình tour. Tại Vietravel, chúng tôi đặc biệt quan tâm xây dựng hình ảnh đội HDV thật chuyên nghiệp trong mắt của du khách. Vietravel hiện có đội ngũ hàng trăm HDV chính thức và cộng tác cho 3 thị trường Inbound (khách quốc tế du lịch Việt Nam), Outbound (khách Việt Nam du lịch nước ngoài) và Nội địa (khách Việt Nam du lịch Việt Nam).
Đối với đội ngũ nhân sự quan trọng này công ty luôn có các bộ đồng phục riêng cho phù hợp. Bộ đồng phục của HDV Vietravel bao gồm áo, nón, cờ, cán cờ và ba lô. Theo chúng tôi, tiêu chí chung trong việc xây dựng đồng phục cho HDV của các công ty du lịch phải lịch sự, đẹp, và có sự khác biệt.
Yếu tố quan trọng của đồng phục là phải phù hợp với tính chất của từng loại hình tour, văn hóa vùng miền - quốc gia, điểm đến, thời tiết... Và đặc biệt là đồng phục HDV của mỗi công ty phải có dấu ấn riêng, không bị lẫn vào nhau để du khách dễ dàng nhận diện HDV của mình khi đến tham quan những chỗ đông đúc…
Dưới góc độ doanh nghiệp lữ hành, chúng tôi cho rằng việc đầu tư xây dựng đồng phục cho đội ngũ HDV là cần thiết. Điều đó không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp của công ty mà còn tạo được ấn tượng với khách hàng qua hình ảnh đội ngũ HDV - những đại sứ của doanh nghiệp, đây cũng chính là kênh quảng bá hình ảnh thương hiệu rất quan trọng.
Hướng dẫn viên cần mặc đồng phục
Hướng dẫn viên (HDV) du lịch là một nghề như mọi nghề khác. Nhưng lại khác ở chỗ luôn phải tiếp xúc, giao lưu với khách, mà khách thì cả trong nước lẫn nước ngoài, thuộc đủ mọi sắc tộc, màu da trên khắp hành tinh với đủ mọi phong cách, tập tục rất khác nhau. Vậy nên đòi hỏi người làm nghề này phải có khả năng hòa nhập, thuyết phục cao đối với du khách. Khi làm việc với các đoàn du lịch là người Âu, Mỹ và châu Phi, người ta dễ nhận ra HDV Việt Nam. Nhưng nếu khách du lịch là người châu Á thì điều này không dễ bởi người Việt ta có ngoại hình không khác. Vậy nên mặc đồng phục là một yêu cầu rất cần thiết đối với các HDV. Một ý nghĩa nữa cần thấy là mặc đồng phục sẽ tạo cho mọi người thấy hướng dẫn du lịch là một nghề có tính đặc thù rất riêng. Khoác lên mình bộ đồng phục, bản thân các HDV sẽ ý thức được điều này, thêm tự hào và thấy rõ trách nhiệm của mình trong công việc.
Đồng phục có thể thống nhất một màu sắc, một kiểu dáng trang phục cho tất thảy mọi người làm nghề HDV du lịch ( nam và nữ), có thể từng công ty lữ hành có quy định trang phục riêng trong đơn vị mình. Ở trường hợp thứ hai sẽ in lô-gô (biểu trưng) của mỗi đơn vị để dễ phân biệt với các công ty khác. Dù theo cách nào thì đồng phục cho HDV du lịch cũng phải bảo đảm được các yếu tố đẹp, trang trọng, lịch sự, văn hóa, vừa có tính chất hiện đại để hòa nhập lại vừa mang đậm tính dân tộc để có màu sắc riêng. Đồng phục lại phải phù hợp với nam hoặc nữ, với thời tiết từng mùa và với tính chất du lịch. Ví như du lịch thể thao, leo núi thì trang phục phải gọn, nhẹ, tiện cho việc hoạt động, leo trèo; du lịch trên biển thì phải khác với du lịch tại các đền, chùa, chốn tâm linh lại cần sự trang nghiêm… Như vậy, mỗi HDV cần có không chỉ một bộ đồng phục cho công việc của mình. Dẫu nhiều bộ với nhiều phong cách để phù hợp với nhiều tính chất du lịch như đã nói thì đồng phục đều phải thể hiện được sự tôn trọng khách và gây cảm giác thẩm mỹ cho họ mới có thể khiến họ có thiện cảm với HDV.
Hiện nay, do chưa có quy định đồng phục nên các HDV du lịch ăn mặc khá tùy tiện và không ít trường hợp vận trang phục cẩu thả, luộm thuộm. Tình trạng HDV nữ mặc quần ngố, quần soóc, thậm chí quần bò rách hoặc váy quá ngắn và áo phông khoét cổ rộng, áo 2 dây…vẫn thường xuyên diễn ra. Họ đã ăn mặc cứ như đi pic-nic với bạn bè cùng trang lứa. Ngược lại, có bạn lại vận áo quần cũ kỹ, nhàu nát rồi đi dép không có quai hậu, tạo nên hình ảnh xấu xí, nghèo nàn trong mắt du khách. Cần nhớ rằng du khách – cả nội địa lẫn quốc tế - luôn là những tập hợp người thuộc đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp với rất nhiều tâm tính khác nhau. Nếu khách trẻ tuổi, cùng trang lứa với các HDV thì có thể thông cảm, không để ý. Nhưng số nhiều hơn là những đối tượng khác sẽ khó chấp nhận và cho rằng mình không được tôn trọng. Như vậy vô tình các HDV đã làm xấu đi hình ảnh của ngành Du lịch Việt Nam và rộng hơn là hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà chúng ta đã dày công tạo dựng trong nhiều năm qua.
Vậy nên đã đến lúc, nếu không nói là đã muộn, cần quy định các HDVDL cần phải mặc đồng phục.Việc này hoàn toàn nằm trong tầm tay của ngành Du lịch, không có gì khó khăn.n
Nguyễn Nguyễn (Hà Nội)
Gửi bình luận