Cận cảnh con tàu cổ bị đắm ở Bình Châu
Hành trình khai quật
Vào một ngày đầu tháng 8/2012, khi xác một con tàu chở cổ vật bị đắm gần bờ được phát hiện ngẫu nhiên, vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu bỗng dưng mất đi sự bình yên vốn có. Ngư dân ở đây vốn nổi tiếng trong cả nước về nghề lặn biển. Chính vì thế, một khi các cơ quan chức năng còn chưa kịp nắm thông tin thì họ đã tự phát tổ chức khai thác trái phép. Sức cám dỗ từ giá trị của những cổ vật là rất lớn, khiến cho họ bất chấp luật pháp và cả những nguy hiểm. Việc tự ý khai quật, giành giật, mạnh ai nấy làm đã gây ra một khung cảnh hỗn loạn chưa từng có tại vùng quê này.
Khi nhận được tin báo, UBND tỉnh, các cơ quan chức năng gấp rút vào cuộc. Các lực lượng Biên phòng, An ninh, Cảnh sát cơ động và Cảnh sát Giao thông đường thủy đã lập tức được triển khai để bảo vệ khu vực, tránh cho còn tàu bị xâm hại. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật được đẩy mạnh, để giúp cho người dân hiểu rõ về luật di sản. Các chuyên gia cũng được mời về để đánh giá sơ bộ đối với các hiện vật thu giữ được.
Sau các cuộc họp khẩn cấp, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban chỉ đạo khai quật và giao cho Sở VHTTDL tiến hành các bước cần thiết để tổ chức thăm dò. Thông qua xét chọn đánh giá năng lực, Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã được chọn để cùng với chính quyền thực hiện công tác thăm dò và khai quật. Công tác thăm dò được ấn định tiến hành trong vòng 60 ngày để báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi. Phương án sử dụng thợ lặn, thổi cát và lần lượt đưa hiện vật lên đã được thông qua.
Tuy nhiên, sự quá khích của các phần tử có ý đồ trục lợi cùng với những người dân chưa hiểu rõ pháp luật đã một lần nữa gây ra những khó khăn. Ngày 13/10/2012, rất đông các phần tử quá khích và nhân dân địa phương đã kéo đến khu vực khai quật. Dưới nước thì có hàng chục thợ lặn, trên bờ thì hàng trăm người gây rối, thậm chí tấn công các lực lượng chức năng. Công ty Đoàn Ánh Dương, Sở VHTTDL phải dừng công tác khai quật và thay đổi phương án.
Sau khi các cơ quan chức năng vãn hồi trật tự, công tác chuẩn bị cho phương án mới cũng hoàn tất. Đơn vị thi công đã đưa ra sáng kiến dùng “cừ lá sen” để đóng vây quanh con tàu với chu vi 300m. Các cọc vây này vừa giúp chắn sóng, tránh sự xô dạt hiện vật khi hút cát, thân tàu và các hiện vật phát lộ. Đồng thời, việc khảo sát hiện trạng cổ vật được các thợ lặn tiến hành dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.
Chính sáng kiến này đã tạo ra đột phá và làm nên sự khác biệt có một không hai trong công tác khai quật dưới nước của ngành khảo cổ học Việt Nam. Lần đầu tiên, các nhà khoa học được trực tiếp làm việc với một con tàu đã nằm dưới lòng biển có niên đại ước chừng trên dưới 700 năm.
Ngày 4/6/2013 sau lễ khởi công, việc khai quật được chính thức bắt đầu. Khi nước được hút cạn, những hiện vật cùng với con tàu đã dần lộ diện. Những cổ vật có thể được nhìn, được chạm vào mà không phải qua bất cứ một thiết bị hỗ trợ nào. Những phát lộ đầu tiên đã gây cảm xúc rất mạnh trong mắt những ai được chứng kiến.
Tuy nhiên, công tác khai quật một lần nữa đã phải dừng lại. Thời tiết xấu với gió mùa Đông Bắc bất thường giữa mùa hè đã gây rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Một lần nữa, các thanh cừ lá sen lại phát huy tác dụng, hàng cọc vây quanh đã bảo đảm an toàn công trường khỏi những con sóng hung dữ.
Ngày 19/6, việc khai quật trở lại với không khí hết sức khẩn trương. Các nhà khoa học đã thống nhất phương án khai quật theo từng khoang. Từ mũi đến lái con tàu có tất cả 13 khoang. Rải rác khắp bề mặt của hiện trường rất nhiều những mảnh vỡ, hệ quả của việc tranh giành và khai thác phản khoa học trước đây của người dân và tác động của thủy triều. Một thanh gỗ lớn, được xác định là thanh giằng cột buồm cũng bị kéo ra khỏi thân tàu. Theo như đánh giá ban đầu, các cổ vật đã bị lấy đi khá nhiều, rất nhiều hiện vật còn lại bị bể vỡ.
Từ khoang số 6 đến khoang số 8, được cho là các khoang sinh hoạt của thủy thủ đoàn, đã phát hiện những hiện vật vốn là vật dụng cá nhân, sinh hoạt của các thuyền viên. Bên cạnh đó, các thông tin hiện vật cũng cho biết trước khi bị đắm con tàu đã bị cháy.
Từ khoang số 9 đến cuối con thuyền, các mảng kết dính đã giúp bảo vệ những hiện vật khỏi sự xâm hại của những người khai thác trái phép trước đó. Vì vậy ở những khoang này các hiện vật còn nguyên vẹn khá nhiều. Một số bể vỡ do xung chấn nhưng các mảnh vỡ hầu như vẫn nằm tại vị trí ban đầu. Ngay cả những vật liệu dùng để chống sốc trước đây được chèn giữa các lớp hiện vật vẫn được bảo quản khá tốt bởi nước biển. Có thể nhìn được rõ những cọng rơm cỏ còn kẹt lại ở giữa những lớp đĩa bằng sứ.
Thông điệp từ làng biển
Khi những hiện vật còn nguyên vẹn, có giá trị cao được đưa lên, sự hồ hởi cũng như niềm vui lan tỏa khắp công trường. Tất cả hiện vật đều được gói một cách cẩn thận bằng nilon chống sốc và chứa trong các thùng chuyên dụng. Các thùng chứa hiện vật sau đó được vận chuyển về Bảo tàng tỉnh để tiến hành các bước xử lý, phân loại tiếp theo nhằm phục vụ nghiên cứu. Suốt cả quá trình khai quật, vận chuyển hiện vật luôn được sự bảo vệ nghiêm ngặt bởi các lực lượng chức năng.
Đến ngày 30/6/2013, công tác khai quật cơ bản hoàn tất với toàn bộ hiện vật gốm sứ được đưa ra khỏi con tàu. Ban chỉ đạo khai quật tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả. Tổng cộng thu được 268 thùng cổ vật, có 91 thùng hiện vật còn tương đối nguyên vẹn, với số lượng 4.000 hiện vật và 177 thùng hiện vật bị vỡ. Các cổ vật tìm được trên tàu có nhiều loại tiền đồng. Phân tích sơ bộ đã phát hiện được 19 loại tiền khác nhau. Các loại tiền này xuất hiện từ thế kỷ thứ 13 trở về trước. Về đồ gốm sứ, gồm các loại gốm men nâu, men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men trắng xanh, đồ gốm men màu. Sưu tập cổ vật trong tàu phong phú về chủng loại, có giá trị nhiều mặt về kinh tế và văn hóa, trong đó có những hiện vật sẽ đóng góp đặc biệt quan trọng vào kho tàng di sản gốm sứ thế giới.
Riêng về con tàu cổ, sau khi hút cạn bùn cát, xác tàu lộ rõ với chiều dài từ đuôi tàu đến phần mũi tàu còn lại là 20,5m, chiều ngang rộng nhất của tàu là 5,6m, thân tàu được chia làm 13 khoang, có 12 vách ngăn.
TS. Nguyễn Đình Chiến, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhận xét: Có thể khẳng định, men nâu da lươn xuất hiện từ thời điểm cách đây 700 năm. Bản thân chiếc tàu đắm, theo đánh giá của các nhà khảo cổ, cũng là một hiện vật quý hiếm vào bật nhất từ trước đến nay của ngành khảo cổ Việt Nam cũng như thế giới.
Theo các nhà khảo cổ, đây là cuộc khai quật con tàu cổ thứ 6 trong vùng biển Việt Nam và là hiện tượng mới chưa từng có trong khai quật khảo cổ dưới nước. Kết quả khai quật đã đóng góp vào việc nghiên cứu con đường tơ lụa (trên biển) ở biển Đông trong nhiều thế kỷ trước. Hiện trạng con tàu là một hiện vật cổ quan trọng rất có giá trị vào việc nghiên cứu tàu cổ trên thế giới.
TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cho biết, trong số hàng ngàn cổ vật được trục vớt, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra khá nhiều chi tiết mới lạ về hoa văn, gốm sứ và kỹ thuật đóng tàu của người xưa. Nếu như với các con tàu được khai quật trước đây, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc với các đồ gốm sứ men nâu, men da táo, màu vàng chanh, ô liu… với nhiều loại hoa văn chìm nổi như: hoa lam, sen, cúc… thì đã làm được với việc khai quật con tàu này. “Con tàu đã cung cấp đầy đủ dữ liệu cho các nhà nghiên cứu về gốm sứ, tàu cổ, con đường tơ lụa trên biển, tiền cổ và cách sắp xếp các cổ vật trên tàu”.
Bảo tồn tại chỗ hay đưa về bảo tàng?
Đến ngày 15/7 công tác khai quật trong phạm vi 600m2 theo phương án phê duyệt đã hoàn tất. Theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VHTTDL đã có công văn gửi đến các cơ quan chuyên môn ở Trung ương để tư vấn cho việc xử lý vỏ tàu. Và sắp tới sẽ có cuộc Hội thảo khoa học về việc xử lý vỏ tàu đắm Bình Châu tại Quảng Ngãi với sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành để có thể có câu trả lời chính thức là bảo tồn con tàu tại chỗ hay đưa về Bảo tàng tỉnh xử lý mặn, xử lý hóa chất công nghệ tiên tiến của thế giới, cả hai phương án nêu trên đều có những thuận lợi và khó khăn riêng, đặc biệt là trong điều kiện nguồn kinh phí, kinh nghiệm cũng như cần phải có công nghệ và chuyên gia nước ngoài hỗ trợ.
Hiện nay, có ý kiến đề xuất nên để lại xác tàu dưới biển phục vụ cho việc tham quan, lặn biển. Tuy nhiên, TS Nguyễn Việt cho rằng, nên trục vớt và bảo quản xác con tàu để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bởi đây là cơ hội hiếm có, dẫu việc này có phần tốn kém.
TS. Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm tiền sử Đông Nam Á (thuộc Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á Việt Nam) nhận định: “Trong số 12 chiếc tàu đắm ở châu Á được khai quật trước đây chưa có chiếc nào có hiện trạng tốt như chiếc tàu này. Bản thân chiếc tàu đã là di sản văn hóa lớn với niên đại lâu nhất được biết đến trong ngành đóng tàu cổ. Việc nghiên cứu chiếc tàu mang lại ý nghĩa to lớn với toàn bộ giới nghiên cứu tàu thuyền thương mại thế giới”. |
Lê Hồng Khánh
Gửi bình luận