Campuchia - Xứ sở nụ cười, kỳ 3
Kỳ 3: Những nụ cười trở lại
Hồi sinh
Chế độ diệt chủng đã đẩy hàng vạn, hàng triệu người Campuchia chạy sang Thái Lan, Lào và Việt Nam. Là đất nước bị Khơ me Đỏ phản bội, tấn công diệt cả làng bà con ở Ba Chúc, ở dọc biên giới Tây Nam, nhưng nhân dân Việt Nam vẫn cưu mang hàng vạn người Campuchia vừa thoát khỏi bàn tay bọn giết người. Chính những người Campuchia từ cõi chết trở về này cùng với những công dân Campuchia đang được Việt Nam giúp đỡ cho ăn học đã hợp nhau lại. Họ là những “hoàng tử” Reamker ngày nay. Ngày 2 tháng 12 năm 1978, Mặt trận cứu quốc Campuchia được thành lập tại Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) với 49 thành viên. Họ tập trung lại thành lập những tiểu đoàn quân giải phóng với sự hỗ trợ vô điều kiện của Việt Nam từ khí tài, lương thực và huấn luyện. Mặt trận cứu quốc kêu gọi sự giúp đỡ của Việt Nam và quốc tế. Đội ngũ Reamker thời đại đã đông dần. Một vạn quân với 28 tiểu đoàn. Họ mở màn trận chiến lịch sử cứu nguy cho dân tộc. Quân đội Việt Nam đã sát cánh với họ để tiến vào Phnôm Pênh. Và ngày 7 tháng 1 năm 1979, Phnôm Pênh được giải phóng. Các trại tập trung, các “công xã” lao tù được phá bỏ. Người dân trở về, dù là đang đói rách, thiếu thốn nhưng họ đã được nói, họ đã nở nụ cười hiền hậu của người dân xứ chùa tháp.
Khi viết những dòng này tôi vẫn còn ngạc nhiên, vì sao nhiều nước, có cả những nước lớn lại bênh vực cho bọn giết người? Vì sao họ lại nói được câu Việt Nam xâm lược Campuchia? Hàng vạn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh, đã đổ máu cho sự hồi sinh của Campuchia mà họ vẫn cố tình hiểu khác và nói khác đi. Mãi khi bọn diệt chủng bị đưa ra tòa án quốc tế họ mới hiểu ra (!). Thời buổi thông tin là một mặt phẳng này mà sao họ chậm nhận ra như vậy, phải chăng là sự cố ý không nhận ra? Hôm tôi đến thăm Chủ tịch Heng Samrim (ông là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quốc hội Campuchia). Khi tôi hỏi ông chuyện này, ông im lặng một lúc rồi để tay lên ngực trái mình và xúc động nói: “Tổ quốc tôi, nhân dân Campuchia chúng tôi đã khắc ghi vào trái tim mình, lịch sử Campuchia sẽ mãi mãi khắc bằng vàng công ơn to lớn của Việt Nam đã cứu dân tộc chúng tôi”. Nhà vua Norodom Sihanouk khi kết thúc cuộc tiếp tôi đã thốt lên: “Cám ơn Việt Nam đã cứu dân tộc tôi”. Còn Thủ tướng Hunsen từ nhiều lần đặt ra câu hỏi: Nếu chỉ một vạn quân giải phóng Campuchia liệu đánh đến bao giờ mới đuổi 18 vạn quân Pôn Pốt. Có lần ông nói: “Nếu không có Việt Nam, phải 5 năm mới mong giải phóng xong, mà như thế thì dân Campuchia chết hết”. Ông khẳng định: “Không có hôm qua thì không có hôm nay, không có ngày mai. Không có Việt Nam giúp đỡ thì không cứu được đất nước Campuchia, đó là lịch sử khách quan. Đây là một chân lý lịch sử không một thế lực nào có thể xuyên tạc phủ nhận”. Campuchia từ hồi sinh đã nhanh chóng phát triển kinh tế, trở thành một nước phát triển và hội nhập.
“Bốn Mặt” là đặc trưng riêng của Campuchia. Đó là cảm nhận khi tôi ngồi trong hội trường bốn mặt, khi chiêm ngưỡng những pho tượng Bayon với nụ cười hiền hậu cũng có bốn mặt giống nhau và chỉ ở Campuchia mới có tượng Phật Bốn Mặt đặc biệt này. Tượng Phật Bốn Mặt, hội trường Bốn Mặt. Nó xuất phát từ đâu? Suy nghĩ về sự bí ẩn của bốn mặt, tôi mới hiểu ra rằng: trước Hoàng cung, trước hội trường Bốn Mặt này là dòng sông bốn mặt. Sông Mê Kông từ Lào chảy đến đây gặp sông Tông lê Sáp từ Biển Hồ chảy về và ngay sau đó nó lại chia ra làm hai nhánh là sông Bát Sắc và sông Mê Kông để đổ vào Việt Nam với tên Tiền Giang, Hậu Giang… Dòng sông Bốn Mặt đã có từ cả triệu năm, vì vậy “Bốn Mặt” là xuất phát từ nơi gặp gỡ và phân lưu của sông Mê Kông như tấm gương soi mình của thành phố Phnôm Pênh này. Mấy cây Thnot (Việt Nam gọi là cây thốt nốt) có tán lá tròn xoe mọc thẳng ngay trên bán đảo sông Bốn Mặt như nhắc mọi người đây là đất Campuchia. Cây thốt nốt thân nhỏ nhưng bền chắc, cao lồng lộng giữa trời xanh mây trắng. Một năm cây thốt nốt sản sinh ra khoảng 400 lít sữa mật, người Campuchia lấy loại sữa mật này để nấu thành đường thốt nốt ngọt thanh, có hương vị khác với các loại đường khác. Cây thốt nốt tượng trưng cho sự vươn lên của dân tộc Campuchia.
***
Angkor Wat - ảnh telegraph.co.uk
Nụ cười Bayon
Đêm cuối cùng ở Phnôm Pênh, chúng tôi được ngồi trong hội trường Bốn Mặt để xem múa Apsara, nghe những bài dân ca Campuchia. Lời các làn điệu dân ca ngọt ngào như hương vị thốt nốt và nhẹ nhàng trầm bổng như trải dài mênh mang trên các cánh đồng. Đất nước Campuchia đã hồi sinh và đang phát triển. Trong sự hồi sinh đó, thấm đậm tình nghĩa của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia, sự thấm đậm vượt qua ngưỡng hữu nghị thân thiết bởi nó thấm đậm bằng máu xương của hai dân tộc. Ai đã một lần đến trước tượng đài hữu nghị Việt Nam – Campuchia đang lồng lộng giữa trời mây sẽ luôn cảm nhận sự linh thiêng cao cả vô giá này. Lời ca nhẹ nhàng bay bổng ấy đã theo chúng tôi về với Angkor, kinh đô xưa của đất nước chùa tháp.
Chiếc máy bay của hàng không Campuchia liên doanh với hàng không Việt Nam sơn màu tím cất cánh từ sân bay Pô-chen-tông rồi nghiêng cánh về bên trái để ngược về phía Bắc. Dòng sông Bốn Mặt và thành phố Phnôm Pênh hiện rõ dưới cánh bay. Chỉ mấy chục phút sau, máy bay đã hạ độ cao, lướt êm trên tấm gương khổng lồ Biển Hồ để hạ cánh xuống Siêm Riệp. Angkor Wat hiện lên như một mô hình đắp nổi. Năm ngọn tháp in bóng lung linh xuống nước và lồng lộng với mây trắng trời xanh. Angkor theo tiếng Campuchia là kinh đô. Đây chính là kinh đô đầu tiên của vương quốc Campuchia xây từ hơn 1.000 năm trước, đó là Angkor Wat và Angkor Thom mà người Việt Nam xưa vẫn gọi là Đế Thiên, Đế Thích, là quần thể đền đài lớn nhất thế giới với 600 công trình kiến trúc được xây từ năm 802 (cách chúng ta gần trọn 1.300 năm) và xây toàn bằng đá, đến ngày nay vẫn còn nguyên hình một khu kinh đô xưa. Chính vì vậy, nó được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Thật là vĩ đại bởi từ hàng rào đến đền, tháp đều làm bằng đá, hàng triệu khối đá, có những tảng nặng đến 2 – 3 tấn cho những mái vòm, và vĩ đại hơn là điêu khắc. Đá được xây, được xếp trước và sau đó các nghệ nhân mới điêu khắc. Có những mặt tượng cao đến năm mét và những chi tiết nhỏ như chi tiết trên những bộ ngực trần, chi tiết của các ngón tay, những nếp nhăn trên bụng một số vũ nữ Apsara mà các hướng dẫn viên còn giới thiệu đó là những vũ nữ đã có con, thật là tinh xảo và tài nghệ. Dọc đường đi là truyện sử thi, vẫn là chuyện về hoàng tử Reamker nhưng được thể hiện bằng tài nghệ điêu khắc đá cao siêu rất sắc sảo, rất chi tiết, rất thánh thiện nhưng cũng rất tự nhiên, gần gũi.
Chính tại kinh đô này, năm 802 vua Jayavarman II sau khi đánh thắng quân xâm lược, giành độc lập cho đất nước đã tuyên bố nền độc lập của vương quốc Khơ Me mở ra kỷ nguyên rực rỡ cho hậu thế… Ông đã huy động hàng vạn nhân công để tạo tác nên công trình này. Trong Angkor Wat có một gian có kiến trúc độc đáo, tạo nên sự huyền bí kỳ lạ. Du khách đứng gần tường, nắm chặt bàn tay và vỗ lên ngực mình nhè nhẹ thì sẽ nghe tiếng vang vọng như mình đang đánh trống. Xung quanh vách rất nhiều điêu khắc các tiên nữ đang đùa vui ríu rít.
Đến đời vua Jayavarman 7, với chủ trương lấy Phật giáo đại thừa làm gốc, ông đã cho xây Angkor Thom (có nghĩa là kinh đô lớn), Angkor là thành tựu kiến trúc huy hoàng trong việc sử dụng đá. Đến 1.000 năm sau khoa học hiện đại vẫn ngạc nhiên và khâm phục.
Angkor đã bị bỏ quên trong rừng đến 5 – 6 thế kỷ, nhưng dù là 600 năm, Angkor vẫn kiên gan đứng đó, nụ cười Bayon vẫn nở, vẫn xao xuyến lòng người. Mong rằng đất nước Campuchia sẽ như lòng mong muốn của tiền bối và luôn là đất nước của xứ sở nụ cười.
Ký của Trình Quang Phú
Gửi bình luận