Cải thiện sinh kế nhờ du lịch cộng đồng
Những người dân ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) nhẩm tính, dù mới làm du lịch được một, hai năm trở lại đây nhưng nguồn thu từ dịch vụ homestay, vận chuyển, hướng dẫn viên đều hơn hẳn so với trồng lúa, hái chè. Họ mong đợi cuộc sống khấm khá hơn nhờ du lịch cộng đồng.
Không gian du lịch cộng đồng tại Hoàng Su Phì
Bản nhỏ làm du lịch
Thôn Suối Thầu 2 (xã Bản Luốc) nằm trong lòng Danh thắng ruộng bậc thang nổi tiếng của huyện Hoàng Su Phì. Từ trung tâm xã về tới thôn không phải đường ô tô, bê tông chưa đổ, con đường đá sỏi men theo sườn núi cũng gập ghềnh như trùng điệp núi non ở đây. 6km lên dốc xuống thung là thấy một phần cung đường miền núi, như cách người Hà Giang vẫn ví von “Nhất Su Phì, nhì Bắc Mê”, để nói về sự gian nan, hiểm trở của đường sá nhất nhì địa đầu Tổ quốc này. Vậy mà biết có khách du lịch tới thôn, từ sớm, những tay lái lụa trong thôn đã ra trung tâm xã đón khách. Hồ hởi, thân quý như đón những đứa con xa nhà.
Chàng thanh niên người Dao Đặng Văn Nam chưa qua tuổi 30, tràn đầy hy vọng vào du lịch cộng đồng sẽ giúp cuộc sống của anh và bà con trong thôn có nhiều cải thiện. Anh chia sẻ, trước kia, mọi người trong thôn chỉ biết làm ruộng, lên núi hái chè, tìm lâm sản. Từ khi hai tổ chức phi chính phủ HELVETAS và Trung tâm Phát triển Kinh tế nông thôn (CRED) định hướng phát triển du lịch cộng đồng tại thôn, anh Nam và chị gái đã là những gia đình tiên phong trong thôn Suối Thầu 2 làm du lịch cộng đồng. Nhận vay vốn của dự án đề chỉnh trang nhà cửa, đầu tư trang thiết bị, xây dựng công trình vệ sinh sạch sẽ, mọi người cũng bắt đầu tham gia những khóa tập huấn kỹ năng phục vụ vận hành homestay, kỹ năng vận chuyển và giao tiếp với khách du lịch, nấu ăn, ngoại ngữ cơ bản. Khi có khách đến Suối Thầu 2, anh Nam kiêm nghề xe ôm vận chuyển khách, đưa khách đi thăm làng bản, trekking giữa những cánh rừng, qua ruộng bậc thang, băng qua suối thác…“Từ khi bắt đầu làm dịch vụ du lịch cộng đồng, đời sống cũng cải thiện hơn, nguồn thu khá hơn so với làm ruộng, làm nương, đỡ vất vả hơn so với trước”, anh chia sẻ.
Không bỡ ngỡ như bà con ở Suối Thầu 2, từ vài năm trước, những hộ gia đình ở thôn Nậm Hồng (xã Thông Nguyên) cũng đã bắt đầu làm du lịch, kết hợp cùng một số công ty lữ hành đón khách nước ngoài về thăm bản. Nhưng từ năm 2016 đến nay, bà con biết tổ chức hoạt động bài bản, quy mô, đón khách đều hơn do sự hướng dẫn của các cán bộ dự án CRED.
Anh Triệu Mùa Liều – chủ một hộ gia đình tại thôn Nậm Hồng cho biết, là một thôn của người Dao đỏ đã định cư lâu đời, bà con trong thôn đều giữ gìn những nếp nhà truyền thống, trân trọng phong tục tập quán cha ông để lại. Khách du lịch đến đây sẽ được giới thiệu phong cảnh, nhất là ruộng bậc thang trong vùng, trải nghiệm cuộc sống ở đây cùng người dân địa phương như cùng cấy lúa, lên nương thu hoạch ngô, hái chè, chăn trâu, gặt lúa… Buổi tối, đội văn nghệ trong thôn sẽ biểu diễn các tiết mục ca múa, tái hiện lễ nhảy lửa truyền thống của người Dao. Khách cũng có thể cùng bà con xuống chợ phiên, mua bán đồ thổ cẩm, thủ công mỹ nghệ, thưởng thức những đặc sản địa phương.
Phát triển kinh tế nhờ du lịch
Được triển khai từ năm 2016, dự án “Tăng cường Sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng” do HELVETAS và CRED triển khai đã chọn 4 bản du lịch cộng đồng thí điểm tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang là thôn Nậm Hồng, Nậm Ai, Hồ Thầu, Suối Thầu 2 và 2 bản du lịch khác tại Cao Bằng. Dự án đặt mục tiêu cải thiện sinh kế cho cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc Việt Nam thông qua các hoạt động du lịch cộng đồng, tạo nguồn thu nhập bền vững và cơ hội việc làm cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó cũng cải thiện điều kiện vệ sinh làng bản và bảo vệ môi trường tự nhiên và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Đánh giá cao những dự án phát triển du lịch cộng đồng đang thực hiện tại địa phương, ông Lù Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết, huyện đã có nhiều chính sách, chủ trương xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với huyện Hoàng Su Phì, những thế mạnh như du lịch cộng đồng, văn hóa, sinh thái… được xác định là điểm nhấn để thu hút khách. Bên cạnh đó, huyện cũng đã cùng với HELVETAS và CRED tuyên truyền để bà con giữ gìn bản sắc của dân tộc mình, không phá vỡ cảnh quan, gắn phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa, tìm hướng xóa đói giảm nghèo từ việc xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, như việc bán hàng hóa, sản phẩm phục vụ du lịch.
Ông Cao Đại Hùng, Giám đốc dự án Du lịch Cộng đồng, tổ chức CRED cho biết, đến nay, 8 điểm du lịch cộng đồng đã được xây dựng, với 2 homestay đang nâng cấp. Dự án thiết lập 25 mối liên kết kinh doanh với các công ty lữ hành quốc tế và nội địa, xây dựng được các chương trình tour mẫu để chào bán. Hiện tại, đã có 500 người dân địa phương được đào tạo về kỹ năng du lịch cộng đồng. Tại các thôn bản, có hơn 770 người hưởng lợi ích kinh tế trực tiếp, 2190 đối tượng hưởng lợi ích xã hội từ du lịch cộng đồng mang lại.
Để đảm bảo tính bền vững, riêng dự án Helvetas đã phối hợp cùng huyện Hoàng Su Phì tổ chức trên 20 lớp, trong đó có lớp kỹ năng vận hành homestay, hướng dẫn viên, dạy nấu ăn, tập huấn sử dụng dịch vụ vận chuyển, buồng bàn… Theo ông Trần Chí Nhân – Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoàng Su Phì, tính đến hết tháng 9/2017, huyện đón được 12.300 lượt khách, mang lại nguồn thu từ du lịch cho địa phương là 4,2 tỷ đồng. Đa số khách đến đây để trải nghiệm các sản phẩm du lịch cộng đồng, trong đó có những điểm du lịch tại xã Thông Nguyên, Hồ Thầu, Bản Luốc, Lam Sơn thu hút đông khách nhất. Kết quả đó cũng có một phần đóng góp mà dự án mang lại.
Trong thời gian tới, dự án sẽ phối hợp cùng bà con tham gia dự án tiếp tục xây dựng sản phẩm và dịch vụ, tổ chức các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng, xây dựng các tuyến trekking, du lịch làng nghề… n
Nguyễn Hương
Gửi bình luận