Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức với ngành Du lịch
Các chuyên gia nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trong giai đoạn khởi phát và sẽ tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam trong đó có ngành Du lịch .
Tiện ích cho du khách
Giáo sư Hồ Tú Bảo, thành viên Ban chỉ đạo các hội nghị của vùng châu Á – Thái Bình dương về Trí tuệ nhân tạo (PRICAI), Khai phá Dữ liệu (PAKDD) và Học máy (ACML), cho rằng chúng ta cần nhìn cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng của sản xuất thông minh nhưng không nhất thiết chỉ là các lĩnh vực của sản xuất công nghiệp. “Có những thứ ta phải lựa chọn làm đòn bẩy để phát triển, như ta đã chọn nông nghiệp và du lịch, và có những thứ ta không thể chọn mà nhất thiết phải làm như giáo dục, môi trường và y tế”, GS Bảo phân tích.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia công nghệ, với xu thế robot hóa trong sản xuất công nghiệp, phát triển kinh tế Việt Nam sẽ phải hướng thêm vào ngành nghề dịch vụ. Trong lĩnh vực này, ngành tiềm năng nhất là du lịch, và trong du lịch phải tính cả ngành du lịch điều dưỡng cho người cao tuổi.
Theo PGS.TS Tạ Cao Minh, (Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký hội Tự động hóa Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và sáng tạo công nghệ, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) thì ngành Du lịch được hình dung có rất nhiều khâu. Đối với du khách, đầu tiên chúng ta phải tra cứu trên mạng, tìm kiếm địa điểm cần tới và khách sạn, tìm phương tiện đi lại và giá cả hợp lý nhất. Tiếp theo là mua vé cho phương tiện vận chuyển hoặc cách chỉ dẫn đường đi. Trong mỗi khâu này, cách mạng công nghiệp 4.0 đều có tác dụng. Ví dụ như là sự kết nối bằng internet hay là các công nghệ không dây và internet offfting (ITO) cho phép người dùng chỉ cần chiếc smartphone có thể tìm được các dịch vụ hợp lý ở trên intrenet tích hợp mà người ta không mất nhiều thời gian để tìm kiếm. Tương tự, các hãng hàng không đưa (giá) lên thì khách hàng có thể tìm được giá vé rẻ nhất trong thời điểm thích hợp cho cả gia đình.
Tiếp theo là đến các nơi sở tại, thay vì phải nhìn bản đồ, du khách có thể hoàn toàn nhìn vào google map. Hay có những công nghệ cho phép đi đến tận phòng ngủ hay từng vị trí khách sạn, cho phép chúng ta đi một cách thoải mái và không bị lạc đường. Bên cạnh đó, với cách mạng 4.0 đã phủ sóng toàn cầu, việc sử dụng viber hay dùng các phần mềm khác như zalo… cho phép tương tác gần như tức thì, không có chậm trễ ngay cả khi ở nước ngoài. Nên khi đi du lịch ở nước ngoài vẫn có thể giữ được liên lạc thường xuyên với gia đình, người thân, giải quyết công việc.
Doanh nghiệp du lịch đang dứng trước nhiều cơ hội phát triển từ việc tận dụng thành quả của công nghệ 4.0- ảnh Trần Lợi
Và tạo sự cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp
Đối với các đơn vị du lịch, đây cũng là một cơ hội để chúng ta có thể tuyên truyền, quảng bá những thông tin lên mạng, website. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tiếp nhận những phản hồi chưa tốt về tuyến điểm du lịch như “chặt chém”, chèo kéo hay đeo bám du khách để có thể giảm thiểu và tìm hướng giải quyết dứt điểm.
Về lâu dài, cũng theo PGS.TS Tạ Cao Minh, ngành Du lịch có rất nhiều việc phải làm. Hiện nay, Việt Nam có số lượng khách du lịch nước ngoài đến khá đông và mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước. Tuy nhiên, du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vì chúng ta chưa quảng bá tốt, chưa có tính cạnh tranh lành mạnh về giá giữa các công ty lữ hành, chưa chia sẻ quyền lợi và nghĩ tới quyền lợi chung, tránh việc nâng giá mùa cao điểm…Chính công nghệ thông tin sẽ tạo nên sự bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Lấy ví dụ như vé máy bay, khi đến muộn thì bị phạt nhưng khi máy bay muộn thì không có lời xin lỗi khách. Nói chung, khi có bất cứ thứ gì thì chính cái sự thông suốt về thông tin sẽ làm cho các doanh nghiệp lữ hành cũng như các công ty về hàng không có trách nhiệm hơn với khách hàng của mình, không dám làm bừa. Chỉ cần có sự sai khác thôi thì lập tức sẽ bị đưa lên mạng xã hội để phản ánh. Như vậy, sẽ mất khách hàng .
Cũng thông qua cách mạng công nghệ 4.0 (cụ thể là internet), chúng ta có thể quảng bá đến du khách quốc tế, giới thiệu cho du khách một cách tốt hơn.
Rõ ràng, du lịch trong cách mạng công nghiệp 4.0 cũng cần được phát triển một cách thông minh với hỗ trợ của công nghệ số. Sự thông minh thể hiện ở chỗ phải tính toán được lợi hại của các dịch vụ, tuyên truyền sâu rộng cho người dân thấy lợi ích của dịch vụ chất lượng cao cũng như thiệt hại của việc làm ăn “chụp giựt” khiến du khách không muốn quay trở lại, thậm chí có những bàn tán về các yếu kém của Du lịch Việt Nam trên không gian mạng. Khai thác những ưu việt của công nghệ số có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch, làm cho du khách thật hài lòng khi đến Việt Nam.
Nguyễn Nam
Gửi bình luận