Các xu hướng biến đổi lễ hội hiện nay (Tiếp theo)
Thậm chí có người chưa hiểu rõ xu hướng biến đổi của lễ hội là một yêu cầu khách quan khi chuyển sang cơ chế thị trường nên sốt ruột đề ra các giải pháp mang tính chất chữa cháy là chính. Hoặc cũng có khuynh hướng coi nhẹ vai trò quản lý nhà nước, cần để cho người dân tự do làm chủ, tự do tổ chức lễ hội. Cả hai luồng dư luận như vậy đều không đánh giá đúng thực tế. Từ kinh nghiệm tổ chức và quản lý lễ hội ở các tỉnh, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
Trước hết, cần nhận thức sự biến đổi của lễ hội cổ truyền cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì thế, không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Ở lĩnh vực này, cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận về quản lý văn hóa. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tổ chức lễ hội. Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội.
Thứ hai, đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng biến đổi của lễ hội và tổ chức sự kiện nhằm dự báo sát với thực tiễn của tình hình lễ hội. Trong đó, cũng cần phân loại các loại hình lễ hội theo chức năng, hoặc theo quy mô lễ hội (như lễ hội cấp thôn làng, lễ hội vùng, lễ hội liên vùng, liên tỉnh). Trong thực tiễn, nhiều yếu tố tiêu cực, nhiều điểm hạn chế gây tác hại xấu đến đời sống văn hóa là việc không quản lý chặt chẽ loại hình tổ chức sự kiện mới (có nhiều người gọi là lễ hội hiện đại, lễ hội du lịch, hoặc festival).
Đối với loại hình này đòi hỏi phải xây dựng quy chế quản lý riêng, vừa chặt chẽ, khoa học, vừa phù hợp với thực tiễn chứ không cứng nhắc chủ quan theo ý kiến của nhà quản lý.
Thứ ba, kiến nghị Bộ VHTTDL tổng kết thực tiễn, hội thảo tranh thủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học để ban hành bản Quy chế quản lý lễ hội thay cho Quy chế quản lý lễ hội năm 2001 đã có nhiều điểm bất cập (Có những yêu cầu cấm như việc đốt đồ mã, hầu hết các lễ hội liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng vẫn đều thực hiện. Vậy những thực trạng này cần được quản lý ra sao?, Ngay về thời gian tổ chức lễ hội, trong quy định của quy chế sẽ không phù hợp với những lễ hội mang tính chất quảng bá du lịch. Vì hạn chế thời gian đối với loại hình festival du lịch hoặc tổ chức sự kiện quảng bá du lịch sẽ dẫn đến việc hạn chế kéo dài thời gian lưu trú của du khách, không phù hợp với lợi ích của nhà tổ chức. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước đã có một số văn bản mang tính quy phạm pháp luật như: Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội ban hành theo quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng hoặc Thông tư số 04/2011 của Bộ VHTTDL quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các văn bản này bước đầu đã đề cập những vấn đề quản lý mới nhưng riêng về lễ hội vẫn còn những yếu tố bất cập. Cần phân biệt giữa lễ hội cổ truyền đang biến đổi và các loại lễ hội mới, các sự kiện festival mới hình thành và du nhập để có các quy định quản lý phù hợp.
Thứ tư, về tổ chức bộ máy quản lý lễ hội, Cục Văn hóa cơ sở cần thành lập phòng quản lý lễ hội và tổ chức sự kiện. Các Sở VHTTDL đều có tổ hoặc chuyên viên chuyên về quản lý lễ hội và việc tổ chức các sự kiện.
Kinh nghiệm thực tiễn ở các địa phương đã chỉ rõ vấn đề tổ chức lễ hội thành công hay không, hạn chế được những tiêu cực hay không đều phụ thuộc phần lớn ở ban tổ chức. Ban tổ chức lễ hội (và tổ chức các sự kiện) đóng một vai trò rất quan trọng, không thể thiếu được trong tổ chức lễ hội, vì thế dù là lễ hội của thôn làng cho đến lễ hội quốc gia đều cần phải có ban tổ chức. Tuy nhiên, ban tổ chức cũng cần đề cao vai trò tự quản của người dân, tôn trọng cộng đồng, thu hút được toàn dân tham gia vào việc tổ chức, quản lý lễ hội. Tránh tình trạng coi việc tổ chức lễ hội chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền hoặc nhiệm vụ của ban tổ chức mà quên mất vai trò chủ chốt của người dân địa phương.
Thứ năm, Đề nghị Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, Hội Di sản Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội,... cần tổ chức nhiều hội thảo khoa học để bàn về quản lý lễ hội hiệu quả. Trong điều kiện các lễ hội đều có xu hướng biến đổi hoặc thích nghi với đời sống đương đại, hoặc xuất hiện nhiều loại hình mới chưa có trong xã hội truyền thống,... thì yêu cầu nghiên cứu khoa học, tổng kết lý luận về lễ hội là một yêu cầu cấp bách.
TS. Trần Hữu Sơn
Gửi bình luận