CỰU NỮ VĂN CÔNG HÁT BÀI CHÒI “NGỌT NHƯ MÍA LÙI” Ở SÀI GÒN
Xuất thân là “con gái Bình Ðịnh múa roi đi quyền” lại từng là văn công nên dù nay đã gần 80 tuổi nhưng giọng bà cất lên vẫn “ngọt như mía lùi”, đặc biệt là các bài Chòi, loại hình nghệ thuật được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Bà Lê Kim Kháng
Tiếng hát át tiếng bom
Dù đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng bà còn lanh lẹ, khỏe mạnh và có trí nhớ tuyệt vời. Bà là Lê Kim Kháng, sinh ngày 10/10/1939 tại xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Khi hỏi về cuộc đời, bà nghẹn ngào kể: “Ngày sinh cũng là lúc mẹ mất, mọi người chỉ cứu được tôi, sau đó lại mồ côi cha. Và tôi đã lớn lên trong tình thương của những người thân khác mà thiếu đi hơi ấm của cha mẹ”. Sự mất mát và đau thương này không thể nào bù đắp nhưng đó cũng đã tôi rèn cho cô bé Kháng thêm phần cứng cỏi phi thường khi thiếu vắng bàn tay mẹ, sự che chở của người cha. Vì thế năm 13 tuổi, bà đã xung phong đi thiếu sinh quân. Tuy nhiên, “do tuổi quá nhỏ, người thân không cho đi, phải trốn đến lần thứ 3 mới được”.
“Tháng 12/1951 tôi chính thức nhập ngũ, phục vụ tại chiến trường Liên khu 5 – Tây Nguyên (An Khê, Cheo Reo, Man Đăng…). Thời điểm đó, tôi là người phụ nữ đầu tiên ở Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn đi bộ đội. Có lẽ do mồ côi cha mẹ, lại còn nhỏ tuổi (13 tuổi), đặc biệt là con gái nữa nên được nhiều người để ý và biết đến”, bà kể.
Kể về những ngày ở chiến trường, ngoài những lúc phải cứu thương, chăm sóc cho bộ đội thì cũng có lúc phải di chuyển, hành quân, bà nói: “Ở Tây Nguyên, đồi núi, rừng thời ấy rất nhiều, do đó khi di chuyển, hành quân phải leo đèo, băng rừng, lội suối rất gian khổ. Để cho các anh có thể hành quân, vận chuyển tốt, trừ những lúc nghi có địch hoặc dễ bị phát hiện, thời gian còn lại, tôi và mọi người thường cất lên tiếng hát để át đi sự cực nhọc, vất vả và bom đạn”.
Vì thấy năng khiếu hát hay, diễn tốt nên bà lại được chọn vào đoàn văn công. “Thời vào văn công, được sự dạy dỗ của cố NSƯT Phan Ngạn, tôi đã phát huy các tài năng của mình. Sau này, được nhớ nhiều đến các vai như chị Ngộ, chị Hến trong các tác phẩm kịch và nhất là các bài Chòi, mới được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bài đầu tiên mà tôi hát là “Chờ con má nhé” của tác giả Thúc Hà”, bà nhớ lại.
Dù nay đã ở vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vốn từng là văn công, giọng bà cất lên vẫn “ngọt như mía lùi”. Bà nói nhẹ nhàng: “Bồng Sơn cũng là một trong những cái nôi của bài chòi miền Trung” và không ngần ngại hát lại bản “Chờ con má nhé” tặng cho PV.
Năm 2016, bà vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất
Được khen toàn mặt trận
Mới 13 tuổi chính thức nhập ngũ, dù còn nhỏ nhưng có lần bà đã gan dạ, mưu trí cứu được nhiều thương binh.
“Trận đó, địch thả bom Napan ở An Khê (Gia Lai) mù mịt, làm cho nhiều đồng chí bị thương. Ngay lập tức, tôi đã lao vào đưa các anh ra khỏi khu vực mà địch đang cho máy bay oanh tạc. Dù nhỏ tuổi, thân hình nhỏ con nhưng đã được học về cách cứu thương, lợi dụng thế để cõng người, tôi đã lần lượt đưa các anh vào khu vực an toàn”, bà kể tiếp.
“Kết thúc thời điểm oanh tạc của địch hôm đó, tôi đã cứu được 7 đồng chí. Thật sự lúc đó, không nghĩ gì khác, ngoài đưa các anh vào nơi an toàn. Sau đó, tôi vinh dự được tuyên dương toàn mặt trận, đó là vào năm 1953”, bà Kháng kể.
Thẻ bài trong chơi bài Chòi
Trải qua nhiều nhiệm vụ của người lính từ mặt trận Tây Nguyên, đến khi tập kết ra Bắc, đóng ở Thanh Hóa, rồi xung phong lên Lào Cai làm nhiệm vụ. Đến tháng 3/1975, bà được lệnh điều động vào Sài Gòn.
Tuy nhiên, khi đang trên đường vào thì đã được nghe tin Sài Gòn giải phóng và được phân về Trại giam 11 Mạc Đĩnh Chi (quận 1), rồi hoạt động y tế tại Công an quận 1 cho đến ngày nghỉ hưu (năm 2000) với quân hàm Trung tá”.
Tuy nhiên, sau nghỉ hưu, với bản chất của người lính cụ Hồ, bà lại được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Điều hành khu phố 2 (phường Bến Nghé, quận 1) tới gần 20 năm. Đồng thời kiêm nhiệm hàng loạt phần việc: Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh 2C (phường Bến Nghé), Ủy viên Ban chấp hành Hội chữ thập đỏ phường Bến Nghé, tham gia Hội phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc phường… Hiện, bà cùng với các thành viên của Hội chữ thập đỏ của phường đang hoạt động thiện nguyện với nhiều việc làm ý nghĩa.
Dương Nam Quang
Gửi bình luận