Bừng sáng Nghi Sơn
Chủ nhật 23/12, ngày bước sang tuần cuối cùng của năm 2018, ngày đáng nhớ nhất và là ngày rất có ý nghĩa đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng nhiều vị lãnh đạo TƯ, đại diện các bộ, ban, ngành đến dự lễ Vận hành thương mại Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP). Thế là, sau bao nhiêu năm vất vả, khó khăn gian khổ, bao nhiêu thử thách cam go có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, dự án “ khổng lồ” đầu tư vào Việt Nam (trên 9 tỷ USD) đã hiện hữu trên vùng đất phía Nam xứ Thanh. Cả một vùng quê vốn nghèo khó từ bao đời nay thực sự đã bừng sáng…
Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn
Tôi còn nhớ mãi năm 1997, khi được tham dự lễ khởi công xây dựng Nhà máy xi măng Nghi Sơn, công nghệ Nhật Bản có công suất 2,2 triệu tấn xi măng/năm trên vùng đất này, đánh dấu dự án có tầm cỡ đầu tiên ( vốn nước ngoài) đầu tư vào Thanh Hóa. Được hầu chuyện cụ Mai Xuân Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong buổi lễ, cụ Minh vốn là người dễ gần, vui tính và rất mê bóng đá, nói vui nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa: bóng đến chân tiền đạo rồi phải cố gắng ghi bàn…Không nói rõ, nhưng tôi hiểu ý cụ Minh, phải chuẩn bị tư thế ở vùng đất này để kêu gọi nhiều hơn, nguồn vốn lớn hơn đến với quê mình… Và, trong tôi cứ nung nấu suy nghĩ: đây sẽ là dự án mở đầu cho một thời kỳ phát triển mạnh mẽ ở vùng đất từng được mệnh danh về sự nghèo đói nhất nhì của Thanh Hóa: “ nhất Xương (huyện Quảng Xương) nhì Gia (huyện Tĩnh Gia) thứ ba Hậu Lộc”.
20 năm có lẻ, được tham dự khá nhiều các sự kiện, dự nhiều lễ động thổ, khởi công các dự án lớn nhỏ ở vùng đất Nghi Sơn này kể từ khi ông Lê Đình Thọ (Thứ trưởng Bộ GT-VT) còn làm Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, rồi đến ông Trần Hòa và nay là ông Nguyễn Văn Thi. Nhưng có lẽ với dự án NSRP này, tôi bỏ nhiều công sức, thời gian theo dõi, bởi vì đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Đồng thời dự án này cũng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và công luận. Nhất cử nhất động ở Nghi Sơn có gì thì ngay lập tức các phương tiện truyền thông, dư luận cả nước tập trung … “soi”! Thứ nữa, diện tích đất phục vụ cho dự án này gần 950 ha trong đó đất dành cho mặt bằng xây dựng nhà máy gần 400ha. 181ha dành để lắp đặt tuyến ống nhập dầu thô và xuất sản phẩm, khu vực cảng xuất sản phẩm 99 ha … theo đó cả ngàn hộ dân bị ảnh hưởng dự án phải di dời.
Có lẽ, khi thực hiện các dự án, việc giải phóng mặt bằng (GPMB), di dời dân là công việc hết sức phức tạp và đầy rẫy những khó khăn vất vả. Di dời một vài chục hộ đã “toát mồ hôi hột”, nói chi cả gần 1000 hộ như ở Nghi Sơn Thanh Hóa, thì khó khăn chồng chất khó khăn, phức tạp chồng lên phức tạp. Trong quá trình thực thi công việc giải phóng mặt bằng để dành đất cho NSRP, huyện Tĩnh Gia hay nói một cách chính xác cả tỉnh Thanh Hóa phải vào cuộc. Vì thế, từ người lãnh đạo cao nhất đến các sở, ban ngành, cả hệ thống chính trị phải ra tay, vì có nơi như xã Hải Yến phải vận động, động viên toàn dân “ra đi” dành mảnh đất mà bao đời người dân đã sinh sống gắn bó cho dự án. Những năm tháng mà Thanh Hóa tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng, có những thời điểm dẫm chân tại chỗ, đến độ trong một cuộc họp rất căng thẳng giữa các bên để giải quyết, tháo gỡ những việc ách tắc trong công tác GPMB, lãnh đạo PVN đã “dọa” lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: các ông không đẩy nhanh tiến độ GPMB thì chúng tôi phải đưa nhà máy lọc hóa dầu đi địa phương khác…
Chắc muốn đẩy nhanh tiến độ nên PVN nói vậy thôi, chứ thời cơ chỉ thoáng qua nên Thanh Hóa làm sao lại để tuột khỏi tay mình dự án khổng lồ đến như vậy. Mặt khác, thử hỏi có địa phương nào trên dải đất hình chữ S này có vị trí đắc địa hơn Nghi Sơn để xây dựng nhà máy lọc hóa dầu? Nhưng, công bằng mà nói chính có những ý kiến “dọa nạt” ấy là liều thuốc kích thích lãnh đạo địa phương này phải khẩn trương hơn, quyết liệt hơn nhưng cũng hết sức thận trọng trong công tác GPMB.
Nhận thức được tầm quan trọng của một dự án mang tầm cỡ quốc gia, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã “gồng mình” huy động cả hệ thống chính trị để tập trung GPMB. Có thời kỳ ở Nghi Sơn gần như có “sở chỉ huy tiền phương” của lãnh đạo Thanh Hóa để giải quyết ngay những vấn đề nảy sinh trong quá trình tập trung GPMB. Và, cuối cùng tất cả những vấn đề “hóc búa” nhất trong công tác GPMB đều được giải quyết, gần 1000 hộ dân đã di dời đến nơi ở mới dành đất cho dự án. Trong một cuộc họp báo năm 2011, người viết bài này có nói vui với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: lịch sử phong kiến Việt Nam đã chứng kiến cuộc di dân vĩ đại nhất vào phương Nam do một người Thanh Hóa dẫn đầu, đó là chúa Nguyễn Hoàng. Và, di dân lần này để nhường đất cho Liên hợp lọc hóa dầu là cuộc di dân vĩ đại lần thứ hai…!
Thế là, sau một thời gian không dài nhưng cũng không ngắn bằng sức mạnh tổng hợp của Thanh Hóa và sự quan tâm đặc biệt của các bộ, ban, ngành TƯ mặt bằng xây dựng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được hoàn tất. Đúng ngày 23/10/2013, khởi công Dự án xây dựng NSRP đã chính thức được phát lệnh. Dự án có tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; diện tích 395,62 ha trên bờ và 913,7 ha mặt nước; được đầu tư bởi 4 đối tác liên doanh là: Tập đoàn dầu khí Việt Nam chiếm 25% vốn điều lệ, Công ty ldenmitsu Kosan 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui 4,7%, Tập đoàn dầu mỏ Cô-oét 35,1%. Sảm phẩm của NSRP làm ra bao gồm: khí hóa lỏng LPG, xăng (Ron 92 , 95), dầu Diesed (cao cấp, thường), dầu hỏa/nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Para-xylene, Benzene và lưu huỳnh.
Sau 5 năm năm lao động quên mình trên công trường, với cường độ làm việc 3 ca liên tục có lúc số lao động chạm ngưỡng 30.000 người, tháng 4/2017 dự án NSRP đã hoàn thành xây dựng cơ khí đạt mốc sẵn sàng khởi động nhà máy vào ngày 28/2/2018 và đưa nguyên liệu vào chế biến từ tháng 3/2018. Tháng 6/2018, tất cả các phân xưởng công nghệ đã được khởi động thành công theo quy trình. Công suất chế biến được nâng lên dần đến giá trị thiết kế để chuẩn bị cho chạy kiểm tra đặc tính kỹ thuật ( Performance Test) cho từng phân xưởng công nghệ và cho toàn bộ nhà máy. Ngày 3/11/2018, NSRP đã hoàn tất việc kiểm tra đặc tính kỹ thuật tổng thể toàn bộ nhà máy . Ngày 14/11/2018, NSRP đã nhận được thông báo nghiệm thu ban đầu từ phía nhà thầu EPC (NSRP đã thực hiện các bước kiểm tra cần thiết để xác nhận các điều kiện hoàn thành nghiệm thu ban đầu vào ngày 14/12/2018. Theo đó ngày nghiệm thu ban đầu đạt được vào ngày 14/12/2018). Đây là dấu mốc quan trọng để dự án chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại. Đến trước ngày vận hành thương mại NSRP đã hoàn thành 100% công tác tuyển dụng lao động theo yêu cầu của dự án với 1.327 lao động trong đó có 204 lao động nước ngoài.
Ngày 23/12, một trong những ngày cuối cùng của năm dương lịch 2018, mọi nẻo đường xứ Thanh đều chạy về Khu kinh tế Nghi Sơn, dòng người, ô tô, xe máy tấp nập đến dự lễ vận hành thương mại của NSRP. Dọc QL 1A từ TP Thanh Hóa đến Khu kinh tế Nghi Sơn dài hơn 60km hai bên quốc lộ cờ Tổ quốc tung bay trong gió. Niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa được nhân lên gấp bội với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng Trần Quốc Vượng, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành TƯ và các tỉnh thành bạn.
Thế là, bao nhiêu khó khăn gian khổ, bao nhiêu vất vả lo toan, bao nhiêu trăn trở để ra đời một trong những công trình vĩ đại trên vùng đất khó khăn nghèo nàn đã thành sự thật. Không chỉ có NSRP hiện hữu ở mảnh đất này, kể từ khi Khu kinh tế Nghi Sơn chính thức được thành lập (2006) đến nay, mới hơn 10 năm, khu kinh tế trọng điểm này hạ tầng đã được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng đủ điều kiện để các nhà đầu tư đứng chân xây dựng các dự án. Hiện tại, Khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 192 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư 106.627,43 tỷ đồng và 19 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư 12.862,9 triệu USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt 48.637,27 tỷ đồng và 9.442,1 triệu USD.
Được tham dự lễ vận hành thương mại NSRP, ngắm nhìn cả khu vực rộng lớn của Khu kinh tế Nghi Sơn với hàng trăm dự án đầu tư đã, đang và sẽ đi vào sản xuất trong niềm vui chung, trong tôi lại bồi hồi nhớ lại câu nói vui của cố Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Minh năm nào! Nhớ lại nhận định của các chuyên gia Nhật Bản trong tổ chức JICA khi khảo sát khu vực Nghi Sơn năm 1996: “…nằm ở cuối phía Nam bờ biển tỉnh Thanh Hóa, Nghi Sơn có tiềm năng về xây dựng một cảng biển nước sâu từ 15-18m sau khi xây dựng một nhà máy xi măng lớn, một cảng chuyên dùng và tuyến kỹ thuật hạ tầng vào khu công nghiệp, đồng thời với sự đầu tư tổng hợp sẽ cho phép vùng Nghi Sơn trở thành một trong các trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, sẽ là cửa ngõ chính của tam giác kinh tế phía Bắc…”.
Xuân Kỷ Hợi-2019 đang đến rất gần, khắp nơi trên Tổ quốc thân yêu đang chuẩn bị tâm thế để bước vào một mùa Xuân mới với khí thế mới và bao dự cảm tốt lành cho một tương lai tươi sáng. Nghi Sơn xứ Thanh- điểm nhấn cho sự phát triển toàn diện ở vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt” đã, đang và sẽ mãi mãi bừng sáng…!
Cao Ngọ
Gửi bình luận