Bức ảnh kỳ thú
Ở xã Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có mấy cây thị cổ. Những cây thị tuổi đời trên 7 thế kỷ, từng buộc voi chiến để nghỉ đêm của tướng công Lê Văn Hoan trên đường dẹp loạn Chiêm Thành vào đầu thế kỷ 13. Chinh phạt thắng lợi, ông đưa cả dòng họ vào vùng đất này sinh cơ lập nghiệp. Cuối thế kỷ 18, những cây thị lại buộc voi chiến của quân sĩ Quang Trung trên đường ra Bắc, chinh phạt quân Thanh xâm lược.
Hơn 700 năm dâu bể, vườn còn lại 5 cây thị cổ; bao gồm thị “bố”, thuộc dòng là thị họ, còn gọi là thị nụ, chu vi thân 14 m, trái nặng hơn nửa ký. Thị “mẹ”, thuộc dòng thị hồng, chu vi thân 11 mét, trái bằng cam sành. Còn 3 gốc thị “con”, thuộc dòng thị bần, chu vi thân từ 8 – 9 mét, trái bằng trứng gà ta. Còn các loại thị cháu, chắt, chit…có đến mấy chục.
Đến thăm vào hè 2013, Lửa Việt đặt tên là “Vườn Thị Cổ Tích” và đưa vào tuyến điểm tham quan. Chủ nhân của vườn thị là ông Lê Minh Thưởng, 76 tuổi, dòng dõi tướng công Lê Văn Hoan, tộc trưởng họ Lê ở Nghi Thịnh. Vốn là cựu sĩ quan công an, nên trông ông vẫn tráng kiện, nhanh nhẹn. Trong nhà ông có bức ảnh phóng lớn ngay bàn tiếp khách. Được biết, ảnh chụp mùa hè 1967, có mặt toàn bộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy TW và Quân ủy Miền. Có Xuân Thủy và Lê Đức Thọ từ hội nghị Paris về. Sau khi nghe Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ miền Nam ra báo cáo tình hình, chuẩn bị cho Tổng tấn công Mậu Thân 1968, mọi người ra chụp hình lưu niệm. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất sau đó không lâu, ở Hà Nội.
Trong hình, ngoài chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng và các lãnh đạo còn có một ít nhân viên phục vụ và các cháu thiếu nhi. Sĩ quan Lê Minh Thưởng, cận vệ của chủ tịch Hồ Chí Minh, ngồi ngay bên trái Bác, trong lòng có cháu gái nhỏ. Khách tham quan vườn thị, ai cũng thú vị nghe kể chuyện về lai lịch bức ảnh. Ông Thưởng tâm sự “Phải năn nỉ, thề thốt mãi, mới sở hữu được tấm ảnh từ nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng. Tôi giữ kín đến năm 2004, sau khi về hưu mấy năm, mới dám đem khoe. Bất ngờ về giá trị bức ảnh, TW phải trưng cầu giám định và sử dụng cho bảo tàng Hồ Chí Minh, đồng thời phóng lớn tặng chủ nhân vào năm 2008”.
Tháng 12/2015, đoàn đảng viên của Đảng bộ Cadivi vào tham quan vườn thị, nghe giới thiệu “Chủ nhân từng là cận vệ của chủ tịch Hồ Chí Minh”, anh Phạm Xuân Trang ngạc nhiên hỏi “Chú có biết cô Trúc, văn công phục vụ Bác không?”. “Cháu tìm xem trong hình này, ai là cô Trúc”. Xuân Trang chỉ ngay mẹ mình, quần áo sẫm, đứng hàng bên trái. “Đúng rồi, đây là cô Trương Thị Thanh Trúc, vợ liệt sĩ, văn công chuyên phục vụ Bác. Còn cháu gái ngồi trong lòng tôi là Bích Trâm, con cô Trúc”. “Chị Trâm là chị cùng mẹ khác cha với cháu”. Trong khi Xuân Trang luýnh quýnh điện thoại báo tin cho mẹ Trúc, Ông Thưởng còn vui vẻ kể “Hồi trẻ, tui cũng đẹp trai lắm. Cô Trúc hơn tôi 1 tuổi. Tổ chức vẫn hay cử 2 người đi công tác chung, nhìn rất xứng đôi, nhưng vì nhiệm vụ thôi, chỉ có tình đồng chí”.
Xuân Trang đưa điện thoại cho mẹ, từ Sài Gòn nói chuyện với người hay đi công tác chung. Cả hai vỡ òa niềm vui, như sống lại thủa thanh xuân 49 năm trước. Sau khi bác mất, mỗi người một ngả, bặt tin nhau từ 1969. Nhờ bức ảnh kỳ thú, hai người đồng chí trẻ, giờ là bạn già gặp lại nhau, ngập tràn hạnh phúc, dù chỉ qua điện thoại. Cả hai hẹn gặp nhau để ôn lại chuyện xưa. Ông mời bà ra Vinh, bà hẹn ông vào Sài Gòn; còn cháu con đang khẩn trương sắp xếp.
Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours).
Gửi bình luận