Bộ VHTTDL trả lời kiến nghị của cử tri về những nội dung liên quan đến lĩnh vực du lịch
Bộ VHTTDL nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang và Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019.
Con số thống kê hàng năm cho thấy khách lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm sau cao hơn năm trước
*Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang như sau: Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên danh mục hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và cấp tỉnh không thể hiện đầy đủ các nhóm chỉ tiêu thống kê du lịch. Do đó, công tác thống kê lĩnh vực du lịch gặp nhiều khó khăn và không có sự đồng nhất giữa các tỉnh, thành phố. Vì vậy, trong thời gian tới, để tạo sự thống nhất trong công tác thống kê và tính toán giá trị đóng góp của ngành Du lịch trên phạm vi cả nước, tỉnh An Giang kiến nghị Bộ VHTTDL chủ trì xây dựng khung đánh giá chung để các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.
*Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời về nội dung kiến nghị của cử tri như sau:
Theo Luật Thống kê năm 2015 thì Hệ thống thông tin thống kê (HTTTTK) Nhà nước gồm: HTTTTK quốc gia; HTTTTK Bộ, ngành; HTTTTK tỉnh và HTTTTK huyện. Từ tháng 12/2012, Bộ VHTTDL đã có Quyết định số 5139/QĐ-BVHTTDL ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trong đó có 16 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực du lịch). Đến tháng 12/2014, Bộ đã ban hành 03 Thông tư:
- Thông tư số 25/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ VHTTDL quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Thông tư số 26/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ VHTTDL quy định chế độ báo cáo thống kê cơ sở áp dụng đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động du lịch do ngành Du lịch quản lý, cấp phép;
- Thông tư số 27/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ VHTTDL quy định chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với cơ quan quản lý du lịch thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thời gian qua, Bộ cũng đã giao Tổng cục Du lịch nghiên cứu và triển khai nhiệm vụ áp dụng hệ thống tài khoản vệ tinh du lịch theo khuyến nghị của Tổ chức Du lịch thế giới. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn cho 63 tỉnh/thành và hướng dẫn thực hiện các văn bản trên để triển khai, thống nhất công tác thống kê du lịch trên phạm vi toàn quốc. Một số tỉnh/thành trên cả nước đã chủ động triển khai tương đối tốt và có sự thống nhất với Cục Thống kê ở địa phương về khái niệm, phương pháp tính toán chỉ tiêu thống kê.
Tuy nhiên, công tác thống kê du lịch hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do: Thống kê du lịch là công tác tương đối phức tạp, đòi hỏi người thực hiện có kiến thức, kinh nghiệm cả về du lịch và thống kê du lịch. Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác thống kê, cán bộ được phân công thực hiện công tác thống kê không ổn định, thay đổi liên tục (cả cấp lãnh đạo và chuyên viên). Việc nắm bắt và triển khai công tác thống kê trong thực tế lúng túng, cách hiểu về khái niệm và phương pháp tính toán chỉ tiêu thống kê chưa thật chuẩn xác.
Để khắc phục tình trạng này, cùng với việc triển khai Luật Thống kê năm 2015, Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan, Bộ VHTTDL chủ trương rà soát các văn bản trên, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi hoàn thiện để phù hợp hơn với tình hình thực tế và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn về công tác thống kê du lịch cho các địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần lập kế hoạch triển khai thực hiện công tác thống kê du lịch theo hướng dẫn tại các quy định của các văn bản pháp luật liên quan.
*Nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định: Bộ VHTTDL tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm; thực hiện đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng lượng khách du lịch đã đề ra; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để phát huy giá trị đạo đức, văn hóa trong xã hội, trong đó chú ý về nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử nơi công cộng kể cả ở trong nước và khi ra nước ngoài.
* Bộ trưởng Bộ VHTTDL trả lời về nội dung kiến nghị của cử tri như sau:
1.1. Tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm
Thời gian qua, Bộ VHTTDL đã thực hiện đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm. Để nâng cao chất lượng của các hoạt động xúc tiến, Bộ VHTTDL đã ban hành: Chiến lược marketing du lịch đến năm 2020, Chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025 và phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam. Đến nay, cả nước đã có 58/63 tỉnh/thành phố đã thành lập bộ phận chuyên trách về xúc tiến du lịch.
Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong thời gian qua còn một số hạn chế:
- Kinh phí dành cho xúc tiến du lịch hạn chế, cơ chế tài chính nhiều bất cập. Ngân sách Nhà nước Trung ương cấp cho xúc tiến du lịch khoảng 2 triệu đô la Mỹ/năm, thấp so với yêu cầu thực tế và rất thấp so với các nước như Thái Lan (86 triệu đô la Mỹ), Malaysia (130 triệu đô la Mỹ), Singapore (100 triệu đô la Mỹ).
- Chưa có văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài, trong khi Thái Lan có 28 văn phòng, Malaysia có 35 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng, Hàn Quốc có 31 văn phòng.
- Sự phối hợp giữa các cơ quan trong xúc tiến điểm đến quốc gia còn hạn chế. Phối hợp liên ngành Du lịch, Ngoại giao, Công thương, Hàng không đã có nhiều cải thiện nhưng chưa thống nhất kế hoạch chung, còn trùng lặp hoạt động.
Để khắc phục hạn chế, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm, trong thời gian tới, Bộ VHTTDL thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
- Triển khai và sử dụng hiệu quả nguồn tài chính từ Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
- Nghiên cứu, đề xuất thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia tại các thị trường trọng điểm.
- Phối hợp công - tư, tập trung nguồn lực của Trung ương, địa phương và doanh nghiệp trong công tác xúc tiến quảng bá, ưu tiên hoạt động tại thị trường du lịch trọng điểm.
- Ứng dụng công nghệ (E-marketing, thiết bị di động, các công cụ xúc tiến trên nền tảng mạng xã hội...).
- Đổi mới nội dung, phương thức giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam để tạo sự lôi cuốn, ấn tượng thu hút khách du lịch.
- Phát huy vai trò của cơ quan văn hóa, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, cơ quan thương vụ... nhất là tại các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.
1.2. Thực hiện các giải pháp bảo đảm mục tiêu tăng lượng khách du lịch
Năm 2019, du lịch Việt Nam hướng đến mục tiêu đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch đạt trên 700 nghìn tỷ đồng, đóng góp khoảng 9% vào GDP.
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng lượng khách du lịch đã đề ra, Bộ VHTTDL chủ trương tập trung vào một số giải pháp sau:
- Tập trung xúc tiến vào các thị trường nguồn có ưu thế là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga, ASEAN.
- Mở rộng khai thác thị trường: Úc, New Zeland, Trung Đông, Ấn Độ...
- Làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế qua các cửa khẩu đường bộ.
- Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp tổ chức xúc tiến, có chương trình kích cầu du lịch nhằm đẩy mạnh thu hút khách du lịch.
- Tạo thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam thông qua các chính sách visa, tăng cường kết nối hàng không, phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch.
- Phát triển nguồn nhân lực đủ cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao.
- Kiểm soát chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm, điểm đến du lịch; tập trung vào các loại hình du lịch có tính chiến lược, có sức lan tỏa như: du lịch biển, du lịch sự kiện thể thao (F1...), du lịch nông nghiệp, nông thôn...
Nguồn: bvhttdl.gov.vn
Gửi bình luận