Bình Phước: khan hiếm lao động hái tiêu
Bình Phước có gần 17.000 ha hồ tiêu, nằm trong “Top” các địa phương có diện tích trồng hồ tiêu lớn trên cả nước. Vụ tiêu năm nay nông dân được mùa, tuy nhiên chưa kịp vui thì phải đối diện với điệp khúc “được mùa mất giá”. Giá tiêu thời điểm này dao động 42 – 46 ngàn đồng/kg, bằng một nửa giá so với vụ tiêu năm trước. Thế nhưng, do khan hiếm lao động thời vụ nên nhiều nhà vườn vẫn không thể thuê được nhân công, đành ngậm ngùi nhìn tiêu chín rụng…
Được mùa, mất giá, khan hiếm nhân công thu hoạch
Dọc hai bên tuyến đường đi vào trung tâm huyện biên giới Bù Đốp bạt ngàn tiêu. Thay vì không khí rôm rả, khẩn trương như mọi năm khi bước vào mùa tiêu cuối vụ, các vườn tiêu giờ đây vắng tanh vì thiếu nhân công thu hoạch. Đó cũng là tình trạng chung của người trồng tiêu trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp nói riêng và cả tỉnh Bình Phước nói chung.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lưu, xã Thiện Hưng, Bù Đốp, có 2.000 nọc tiêu, 6 - 9 năm tuổi, mùa vụ năm ngoái thu hoạch hơn 2 tấn, giá dao động 65 đến 70 ngàn đồng/kg. Năm nay được mùa, thu hoạch trên 3 tấn, nhưng mấy tuần nay giá rớt thê thảm, chỉ còn ở mức khoảng 46 ngàn đồng/1kg. Trong khi mọi năm ông Lưu nói, giá nhân công hái tiêu không quá 150 ngàn/ ngày, nhưng năm nay giá nhân công đang ở mức 180 – 200 ngàn/ ngày, thậm chí bao ăn trưa nhưng vẫn không thể kiếm được người. Trong lúc một lao động hái tiêu giỏi chỉ hái được khoảng 30kg tiêu tươi một ngày, với đà này một mình ông Lưu thu hoạch hết vườn tiêu của mình mất ít nhất phải một tháng ròng. Từ nay đến đó chắc rằng ông Lưu sẽ đau xót biết mấy khi vừa thu hoạch vừa nhìn vườn tiêu chín rụng vì không kiếm được nhân công.
Khá hơn so với gia đình ông Lưu, hộ gia đình chị Sầm Thị Thảo ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập, có ngoài 2.000 nọc tiêu đã cho thu hoạch được 4 vụ. Vụ năm 2018, chị thu được 2,5 tấn, mùa vụ năm nay thu hoạch ước đạt hơn 4 tấn vì tiêu đang “sung”. Thế nhưng tình cảnh vườn tiêu của gia đình chị không khác mấy so với các hộ gia đình khác trên địa bàn, vất vả từ đầu vụ đến giờ chị mới tìm được một người phụ hái tiêu. Do khan hiếm nhân công hái tiêu, nhiều nhà vườn trồng tiêu trên địa bàn sẵn sàng phá giá tới mức 200 ngàn đồng/ngày, bao ăn, ở nhưng vẫn không tìm được người làm. Trước tình trạng này, lãnh đạo các huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương có phương án huy động nhân lực hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu, nhất là đối với gia đình chính sách, gia đình có con em đi nghĩa vụ quân sự trong đợt đầu năm. Việc chính quyền giúp dân thu hoạch tiêu bước đầu đã giúp cho bà con giảm bớt áp lực khó khăn, tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu về dài nhiều nhà nông cũng đã chủ động, sáng tạo ra nhiều giải pháp khả dĩ để thu hoạch hồ tiêu.
Dùng lưới hứng tiêu
Trước tình trạng khan hiếm nhân công, gia đình chị Thảo đã đầu tư gần 20 triệu đồng mua lưới lót dưới gốc để hứng tiêu chín rụng. Đây là giải pháp tạm thời, bất đắc dĩ của người trồng tiêu hiện nay. Thế nhưng, do nhu cầu mua lưới quá cao, nên đây cũng là dịp các điểm kinh doanh vật tư trên địa bàn lợi dụng để “móc túi” người trồng tiêu. Trước khi có “giải pháp tình thế” này, giá lưới chỉ ở mức 25 ngàn đồng/kg, nay lên 36 ngàn đồng /kg. Vì vậy, người trồng tiêu lại phải tốn thêm một khoản chi phí bất đắc dĩ.
Theo người trồng tiêu, mua lưới hoặc bao bố trải dưới gốc để hứng tiêu rụng là điều bất đắc dĩ với người trồng tiêu. Về mặt kinh tế, số vốn đầu tư mua lưới cao hơn so với mướn nhân công hái tiêu như thường lệ. Bên cạnh đó, để tiêu chín và rụng rất hao hụt, nhất là một phần không nhỏ các chùm tiêu rụng bị khô cháy không dùng được. Nguy hiểm hơn là nó ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và sức sinh trưởng của cây tiêu về sau. Nhưng không còn cách nào khác, nhiều gia đình trồng tiêu hiện nay phải chấp nhận cái điều không mong muốn này.
Được biết, chưa bao giờ người trồng tiêu gặp phải tình trạng khan hiếm nhân công như năm nay. Theo nhiều nhà vườn trồng tiêu cho hay, mùa điều năm nay đến sớm so với mọi năm và trùng với mùa tiêu. Do đó, người dân trồng điều phải lo thu hoạch điều của gia đình xong mới rảnh để đi hái tiêu. Như mọi năm tiêu chín không đều, người trồng tiêu còn có thể hỗ trợ đổi công qua lại cho nhau. Nhưng năm nay thời tiết thuận lợi nên tiêu chín đồng loạt, do đó gia đình nào tự gia đình đó thu hoạch lấy. Bên cạnh đó, hầu hết lực lượng lao động trẻ của địa phương đa phần đi làm ở các khu công nghiệp, lương bổng ổn định hơn so với đi hái tiêu theo vụ.
Vụ tiêu năm nay, nhân công hái tiêu khan hiếm, giá tiêu rớt thê thảm, những vườn nào thu hoạch đủ bù lỗ vật tư và công chăm sóc được cho là may mắn.
C. Cường
Gửi bình luận