Biến đổi khí hậu có thể làm gián đoạn và tê liệt nguồn cung năng lượng
Tại hội thảo, Phó viện trưởng Viện Năng lượng Nguyễn Bá Cường đã trình bày và phân tích các tác động của BĐKH đối với ANNL của Việt Nam. Theo đó, BĐKH ngoài làm mực nước biển dâng, còn làm nhiệt độ tăng, nước biển dâng, thay đổi lượng mưa và hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai, bão, lũ, hạn hán, El Nino… và đặc biệt còn làm mất cân bằng cung - cầu năng lượng, tăng chi phí năng lượng; thiếu hụt và gián đoạn nguồn cung…
Do đó, theo ông Nguyễn Bá Cường, ANNL là vấn đề quan trọng trong chính sách NL của mọi quốc gia. Trong đó, cung ứng đủ, an toàn, hiệu quả, không bị gián đoạn và tê liệt là những vấn đề cốt lõi nhất của ANNL.
Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng của BĐKH, vì vậy việc đánh giá tác động của BĐKH và đề xuất các giải pháp đảm bảo ANNL trong giai đoạn mới được coi là vấn đề cần thiết, quan trọng và cấp bách.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Bá Cường, hiện nay việc thiết lập hệ thống ANNL của Việt Nam mới đang ở giai đoạn hình thành, xu hướng đa dạng hóa nguồn cung NL chưa rõ rệt. Mức độ phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu ngày càng lớn, theo dự kiến đến năm 2030 Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 130-140 triệu tấn than cho điện.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch và dự báo cung ứng NL (điện, than, dầu khí) mới chỉ dừng ở tầm nhìn đến năm 2030, thiếu vắng các dự báo, phân tích, đánh giá cung cầu, sự phụ thuộc vào nguồn NL nhập khẩu cũng như dự trữ NL đến năm 2050, đặc biệt là trong giai đoạn 2031-2050.
Do đó, để đáp ứng được mục tiêu, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của BCT theo Quyết định số 4103/QĐ-BCT ngày 03/08/2010 về việc nêu rõ nhiệm vụ cần phải thực hiện được trong giai đoạn 2012-2013 về “Đánh giá tác động của BĐKH đến ANNL quốc gia” thì 3 yếu tố quan trọng cần phải thực hiện đó là: rà soát lại các vấn đề liên quan đến đảm bảo ANNL; các nguồn cung cấp nhiên liệu cho quá trình sản xuất NL và khả năng dự trữ, mức độ an toàn của công trình đảm bảo cung cấp NL cho phát triển kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề khác liên quan đến đảm bảo ANNL.
Ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch - Viện Năng lượng cho rằng để đảm bảo ANNL cũng như ứng phó với BĐKH, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn cung như tận dụng nguồn năng lượng mặt trời, gió, nước và khí sinh học… để sản xuất ra điện, gas. Và, giảm thiểu nhập khẩu năng lượng, công nghệ máy móc cũ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sử dụng các công nghệ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, giảm thiểu hàm lượng cacbon thải ra môi trường… sẽ góp phần làm giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của BĐKH.
Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi của BĐKH. Đây là một thực tế không tránh khỏi và đã được chấp nhận một cách rộng rãi. ADB dự báo, năm 2100 những tổn thất tiềm tàng mà BĐKH gây ra đối với các nước như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam có thể lên tới 230 tỷ USD, hay 6,7% GDP/năm nếu không đầu tư vào giảm thiểu phát thải khí nhà kính (KNK) và tác động của BĐKH sẽ ảnh hưởng từ 1-3% GDP thực tế vào năm 2050.
Gửi bình luận